Nữ thạc sĩ có luận văn tốt nghiệp 9,9 điểm

 Bảo vệ thành công luận văn 9,9 điểm, Đỗ Nguyễn Hoàng Nga trở thành tân thạc sĩ ngành Kỹ thuật Hoá học, Đại học Bách khoa TP HCM, điểm tốt nghiệp 9,63.


Đỗ Nguyễn Hoàng Nga, 25 tuổi, là một trong 31 học viên vừa nhận học bổng sau đại học của Quỹ phát triển Đại học Quốc gia TP HCM - trao cho học viên cao học và nghiên cứu sinh có thành tích xuất sắc nhất trong các đơn vị thành viên. Chị Nga đồng thời là thạc sĩ có thành tích cao nhất năm 2020 của trường Đại học Bách khoa.


Hướng nghiên cứu luận văn tốt nghiệp của tân thạc sĩ là công nghệ biến chất thải thành vật liệu mới có giá trị kỹ thuật, theo xu thế phát triển bền vững. Đề tài nhằm tìm cách tận dụng nguồn nguyên liệu rẻ, thân thiện với môi trường, có khả năng phân hủy sinh học để chế tạo ra vật liệu mới aerogel ứng dụng trong nhiều lĩnh vực.


Thạc sĩ Đỗ Nguyễn Hoàng Nga tại trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP HCM). Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Chị Đỗ Nguyễn Hoàng Nga tại lễ tốt nghiệp thạc sĩ trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP HCM), tháng 11/2020. Ảnh: Nhân vật cung cấp.


Chị Nga kể, ý tưởng cho nghiên cứu trên từ một chuyến đi thực tế ở Tiền Giang hơn hai năm trước của nhóm nghiên cứu Kỹ thuật quá trình bền vững (Sustainable Process Engineering - SPE), gồm chị Nga và các cộng sự lập ra. Khi đó, họ thấy người dân trồng rất nhiều dứa nhưng chủ yếu để lấy quả, lá và rễ được chất đống, bỏ không trên đồng ruộng. Do đó, nhóm muốn tìm cách tái chế phế phẩm nông nghiệp, đặc biệt là lá dứa thành vật liệu mới có giá trị.


"Aerogel là một loại vật liệu mới, bền cơ học nhưng có cấu trúc nhẹ vì chứa hơn 90% thể tích là không khí. Vật liệu này có tính linh hoạt, được nghiên cứu ứng dụng trong rất nhiều ngành như làm vật liệu cách nhiệt, cách âm, bao bì giữ nhiệt, hấp phụ thu gom dầu tràn trên biển, hấp phụ nhuốc nhuộm và kim loại nặng trong nước thải", chị cho biết.


Ngoài lá dứa, nhóm SPE còn mở rộng tái chế nhiều nguồn nguyên liệu khác như xơ dừa, bã mía, rơm rạ bởi chúng đều có đặc điểm chung là chi phí rẻ, khả năng phân hủy sinh học cao. Do chất thải nông nghiệp đang ở mức báo động, nhóm nghiên cứu phát triển công nghệ tái chế không chất thải, theo hướng hóa học xanh. Trong các quy trình tổng hợp, việc hạn chế sử dụng những hóa chất độc hại và không phát thải ra môi trường được ưu tiên.


Trong quá trình nghiên cứu khoa học, chị cùng các thành viên SPE gặp khó khăn bởi thiếu trang thiết bị chuyên dụng. Nhiều lúc, thiết bị phân tích bị giới hạn nên nhóm phải liên kết với các phòng thí nghiệm khác, dẫn đến tình trạng bị động. "Dù khó khăn thế nào, tất cả thành viên trong nhóm đều luôn nỗ lực để hoàn thành dự án đúng tiến độ", chị Nga cho biết.


Dưới sự dẫn dắt của PGS TS Lê Thị Kim Phụng (Khoa Kỹ thuật Hoá học, Đại học Bách khoa TP HCM), nhóm SPE có 12 công bố quốc tế, trong đó 11 bài báo trên hệ thống SCIE và một bài thuộc Scopus trong năm 2019-2020.


Nhớ lại quá trình học cao học, chị Nga kể, đã có lần mình chủ quan, sai sót. Cuối năm 2018, khi vừa theo học thạc sĩ tại trường Đại học Bách khoa, Nga đăng ký làm trợ lý nghiên cứu cho Trung tâm Nghiên cứu công nghệ lọc hoá dầu. Từ đó, chị được PGS.TS Lê Thị Kim Phụng giao cho dự án về aerogel từ phụ phẩm nông nghiệp. Gần một năm sau, nữ học viên được cử đi học công nghệ từ PGS TS Dương Minh Hải thuộc Đại học Quốc gia Singapore - người đã phát triển vật liệu aerogel từ nhựa thải PET.


Một lần, Nga bỏ qua một số bước trong việc phối trộn nguyên liệu với hóa chất dẫn đến kết quả không đạt. Nhờ thầy Hải rà soát, chị đã nhận ra sơ suất của mình và dặn lòng không được bỏ qua bất kỳ công đoạn khi nghiên cứu sau này. "Tôi nghiệm ra rằng, trong khoa học, một thay đổi nhỏ trong quy trình sẽ dẫn đến những kết quả khác nhau hoàn toàn", chị nói.


Nữ thạc sĩ tự nhận là người thích sự thay đổi, luôn muốn thử sức với thử thách mới. Từ khi còn là học sinh trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, Nga đã ham học Hoá, tham gia đội tuyển chuyên Sinh.


Theo chị, để đạt được kết quả cao trong học tập và nghiên cứu, điều cần nhất ở mỗi người là sự siêng năng, chủ động tìm tòi và học hỏi cái mới.


Ngoài kiến thức từ thầy cô, sách vở và bạn bè thì kỹ năng tìm kiếm thông tin trên Internet cũng quan trọng vì đó là một kho tàng kiến thức khổng lồ và bổ ích nếu biết chọn lọc thông tin. Bên cạnh đó, tư duy phản biện cũng quan trọng, phải luôn đặt ra những câu hỏi và tìm câu trả lời để các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm gần với thực tế nhất. "Đó cũng là cách tôi và cộng sự giải quyết những đề tài tưởng chừng đi vào bế tắc", chị Nga nói.


Trong lĩnh vực công nghệ, kỹ thuật, ngoại ngữ cũng là kỹ năng quan trọng và bắt buộc phải có. Theo chị, bài luận văn của mình sở dĩ đạt kết quả cao bởi được trình bày hoàn toàn bằng tiếng Anh. Việc đọc, hiểu tài liệu khoa học tiếng Anh thành thạo giúp chị tiếp cận nhiều công nghệ mới, ứng dụng vào cải tiến các quy trình tổng hợp trong phòng thí nghiệm.


Thạc sĩ Đỗ Nguyễn Hoàng Nga nhận học bổng sau đại học của Đại học Quốc gia TP HCM ngày 24/3. Ảnh: VNUHCM.

Thạc sĩ Đỗ Nguyễn Hoàng Nga (giữa) nhận học bổng sau đại học của Đại học Quốc gia TP HCM ngày 24/3. Ảnh: VNUHCM.


Sắp tới, chị Nga dự định học tiến sĩ và theo đuổi con đường nghiên cứu về công nghệ vật liệu. Nền nông nghiệp trong nước rất lớn, phụ phẩm từ sản xuất nông nghiệp đa dạng nên "đất" nghiên cứu cho lĩnh vực này còn rất lớn.


Hiện, một số công ty trong nước đã đặt hàng để nhóm nghiên cứu của chị chuyển giao công nghệ, ứng dụng vào thực tế.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Những món ăn đường phố Thượng Hải gây nhức nhối

Tại sao máy bay trực thăng có thể bay cao tới 6000 mét?

Bún bò xào đậm chất Nam Bộ