Hàng loạt doanh nghiệp vận tải bỏ tuyến vì dịch

 Còn hơn 1 tuần nữa là nghỉ Tết Nguyên Đán Tân Sửu 2021, nhưng dịch bệnh COVID-19 tái bùng phát trở lại với chiều hướng phức tạp hơn đã khiến cho việc đi lại bằng các phương tiện công cộng của người dân giảm sâu. Theo ghi nhận của PV Báo Lao Động tại các bến xe cho thấy, lượng hành khách năm nay giảm mạnh so với những năm trước.

Giảm 50% lượng khách so với ngày thường



Tết Nguyên đán năm nay, người dân được nghỉ 7 ngày, từ 10.2.2021 đến hết ngày 16.2.2021, tức từ ngày 29 đến mùng 5 Tết. Đây là kỳ nghỉ lễ quan trọng đối với mỗi người dân Việt Nam, do vậy nhu cầu đi lại của hành khách tăng đột biến so với ngày thường. Dự báo, đợt cao điểm sẽ diễn ra từ ngày 2.2. đến hết ngày 21.2 và 10 ngày sau Tết Nguyên đán.


Sáng 3.2, tại bến xe Mỹ Đình, khác với không khí tấp nập từ sáng sớm và đa phần đến chiều phải dùng đến phương án tăng cường xe để giải toả hành khách như mọi năm, năm nay tình hình trái ngược hẳn. Người dân đến bến xe Mỹ Đình rất ít, không còn cảnh chen lấn, xô đẩy và các nhân viên quầy bán vé an nhàn ngồi chờ khách.


Theo Giám đốc Bến xe Mỹ Đình - ông Lý Trường Sơn, từ ngày mở bến đến nay chưa năm nào gần Tết mà bến lại đìu hiu như năm nay. Theo ông Sơn, ngoài 800 lượt xe xuất bến như dự kiến, đơn vị đã tăng cường thêm 10%, nhưng với lượng khách vào ra bến như hiện nay thì sẽ không phải dùng đến xe tăng cường nữa. Nếu ngày thường, bến đón đưa khoảng 6.000-8.000 hành khách/ngày, hiện đang trong dịp cao điểm của Tết nhưng do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên mỗi ngày bến xe Mỹ Đình cũng chỉ đón khoảng 3.000-4.000 khách. Thậm chí có ngày còn ít hơn và số xe xuất bến cũng chỉ đạt tới 40%-50% khách.


Cùng đó, bến xe Giáp Bát cũng ảm đạm không kém, Giám đốc Bến xe phía Nam - ông Nguyễn Tất Thành chia sẻ, lượng khách năm nay chỉ bằng khoảng 50% so với năm trước. Do vắng khách nên nhiều nhà xe cũng chưa có ý định tăng giá vé, nhưng cũng có một số nhà xe tuyến huyện của Thanh Hoá - Hà Nội xin tăng giá 40% đến 50% so với ngày thường.


Theo các chuyên gia giao thông, dịch bệnh COVID-19 bùng phát vào thời điểm này chắc chắn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động vận tải hành khách dịp Tết Nguyên đán. Nguyên nhân chính là tâm lý lo ngại dịch bệnh sẽ khiến nhiều người thay đổi kế hoạch ăn Tết của mình. Thay vì về quê, đi du lịch... người dân sẽ chọn phương án ăn Tết tại nhà để đảm bảo an toàn. Khi đó, nhu cầu tiêu thụ vé tàu, máy bay và ôtô sẽ giảm.


Không khách hàng trăm xe bỏ bến


Cũng theo đại diện bến xe Giáp Bát, hiện tại bến có khoảng gần 100 nốt xe của hàng chục doanh nghiệp không hoạt động hoặc hoạt động với tỉ lệ rất thấp, chỉ từ 10%-30%. Nguyên nhân do bến vắng khách, nhiều xe bỏ bến ra ngoài mở bến cóc, chạy dù để bắt khách dọc đường.


Theo ông Nguyễn Tất Thành - Giám đốc Bến xe Giáp Bát, phần lớn doanh nghiệp bỏ nốt thuộc các tuyến Thanh Hóa, Ninh Bình và Nam Định. Trong đó, có những nhà xe hoạt động có quy mô lớn như: Công ty Cổ phần ôtô Ninh Bình, tỉ lệ nốt hoạt động cao nhất cũng chỉ hơn 20%, tương ứng khoảng 5 - 7 chuyến/ngày. Trong khi trước đây, doanh nghiệp này có gần 100 chuyến hoạt động. Hay Công ty Cổ phần Du lịch thương mại và đầu tư Thiên Trường, đăng ký tuyến đi Ninh Bình nhưng bỏ không hoạt động ở bến…


Cũng theo ông Thành, hầu hết nhà xe bỏ bến, hoạt động không đủ tỉ lệ quy định được chuyển từ bến xe Mỹ Đình về.


Ngoài ra, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, lượng hành khách giảm nên nhiều đơn vị cũng đăng ký giảm số nốt xuống. Không riêng gì bến Giáp Bát, bến xe Nước Ngầm cũng có hàng trăm xe bỏ nốt. Theo Phó Giám đốc bến xe Nước Ngầm - ông Trịnh Hoài Lam, tình trạng xe bỏ bến xảy ra từ cuối năm 2018 đến nay.


Hiện, bến Nước Ngầm có gần 200 nốt xe bỏ bến, chưa kể một số nốt xe có tần suất hoạt động thấp. Phần lớn các nhà xe bỏ bến thuộc tuyến Nước Ngầm - Nam Định và Nước Ngầm - Thái Bình. Các tuyến này được điều chuyển từ bến xe Mỹ Đình về vào năm 2017.


Theo ghi nhận của phóng viên, trong bối cảnh doanh nghiệp hoạt động hiệu quả thấp, chi phí ra vào bến cao khiến doanh nghiệp phải bỏ bến. Nguyên nhân của các xe chạy tuyến cố định có cự ly ngắn bỏ bến là do không thể cạnh tranh nổi với xe hợp đồng, xe limousine và xe đi chung hoạt động quanh khu vực bến.


Đại diện Sở GTVT Hà Nội, ông Nguyễn Tuyển - Phó phòng Quản lý vận tải cho biết, để biết được xe có vào bến hay không, chỉ có thể thông qua hệ thống giám sát hành trình cảnh báo tự động. Nhưng hiện hệ thống này chưa tích hợp, muốn kiểm tra một xe nào đó, Sở GTVT lại phải tra “thủ công”. Hệ thống giám sát hành trình hiện chỉ thông tin được tốc độ vi phạm, thời gian làm việc của lái xe. Còn việc xe chạy sai hành trình hay không, phải tra biển số.


Theo đại diện Sở GTVT Hà Nội, hiện đơn vị chỉ tra cứu xe nào có thông tin vi phạm. Hà Nội có gần 7.000 xe khách hoạt động, rất khó rà từng xe vào ra bến mỗi ngày. Đó là chưa nói đến việc đường truyền có ổn định hay không. Các chuyên gia giao thông cho rằng, việc các phương tiện vận tải khách cố định đăng ký nhưng không hoạt động đủ thời gian quy định rất đáng lo ngại. Điều này có thể khiến các bến đối mặt với nỗi lo đóng cửa.


Trong khi đó, hiện loại hình xe Limousine trá hình không vào bến mà chạy lòng vòng đón khách tận nơi, trả khách tại chỗ theo nhu cầu, đang nở rộ và gây ra những hệ lụy lớn, vừa mất ATGT, thất thu thuế cho Nhà nước và cạnh tranh không lành mạnh với các doanh nghiệp làm ăn chân chính. Do đó, các cơ quan chức năng cần sắp xếp lại luồng tuyến vận tải phù hợp, đối với các tuyến dưới 300km nên chuyển sang hoạt động bằng xe buýt.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Những món ăn đường phố Thượng Hải gây nhức nhối

Tại sao máy bay trực thăng có thể bay cao tới 6000 mét?

Bún bò xào đậm chất Nam Bộ