Dân buôn hàng Tết xả hàng giá rẻ

 Nhiều tiểu thương buôn hàng Tết không khỏi lo lắng, phải xả hàng khi liên tục nghe tin về các ca nhiễm Covid-19 mới. Dù vậy, họ tin tưởng vào năng lực chống dịch của Chính phủ.

Khuôn mặt thẫn thờ nhìn đống hàng hóa ngổn ngang vừa nhập về phục vụ Tết, chị Thơ - tiểu thương bán hoa, cây cảnh ở TP. Vinh (Nghệ An) - than thở: "Dịch bùng phát trở lại, giãn cách xã hội thì dân buôn ôm hàng chờ Tết biết làm sao đây?".



Chị Thơ rất lo lắng khi nghe tin Việt Nam xuất hiện các ca nhiễm trong ngoài cộng đồng ở Quảng Ninh và Hải Dương. Thời điểm sát Tết, không chỉ chị Thơ, nhiều tiểu thương buôn bán ở một số tỉnh, thành phố có ca nhiễm mới cũng cùng tâm trạng. Tuy nhiên, chị tin rằng Chính phủ sẽ khống chế dịch nhanh chóng trước Tết.

Nỗi buồn của người kinh doanh hàng Tết

"Cả nhà ơi cứu em, khách buôn đặt rồi mà giờ không được bán hoa vỉa hè nữa", liên tục mấy ngày gần đây anh Thanh, chủ một vườn hoa ở huyện Hoành Bồ, Quảng Ninh phải lên mạng đăng bán cây giá rẻ vì dịch bệnh ập đến bất ngờ khiến khách buôn của anh không thể nhập hàng.

"Một chậu hoa Dạ Yến Thảo bình thường có giá 180.000 đồng nay tôi chỉ bán rẻ 70.000-80.000 đồng. Dịch bệnh quay lại, cách ly nhiều nơi khiến người kinh doanh hoa, cây cảnh Tết ở Quảng Ninh ảnh hưởng lớn", anh trầm giọng.


Trước thời điểm dịch bùng phát ở Quảng Ninh và Hải Dương, tiểu thương tại các tỉnh đều tất bật, hào hứng hy vọng kiếm thêm thu nhập với mùa Tết năm nay. "Nhưng nay dịch Covid-19 lại tái diễn phức tạp, không biết người kinh doanh sẽ xoay xở như thế nào", chị Thủy (Hoành Bồ, Quảng Ninh) chia sẻ.

Một số tiểu thương cho biết năm nay, lo ngại dịch Covid-19 có thể bùng phát, người dân không mua sắm cho nên họ không dám đặt nhiều hàng bán Tết. "Bây giờ, tôi chỉ trữ hàng đủ bán trong vài ngày chứ không trữ số lượng lớn”, chị Nga, một tiểu thương bán mặt hàng bánh kẹo chia sẻ.

Theo chị, dịch Covid-19 bùng phát trở lại, tình hình kinh doanh vốn đã bị ảnh hưởng nay sẽ ảnh hưởng nhiều hơn. Khó khăn chắc chắn sẽ đến. "Tuy nhiên, lần này, tôi tin những biện pháp phòng chống dịch, ứng phó linh hoạt của cơ quan chức năng sẽ có kết quả tốt. Người kinh doanh nên bình tĩnh và lạc quan", chị nói.

Mất việc vì công ty cắt giảm nhân sự do dịch bệnh, anh Nguyễn Kiên (Thanh Xuân, Hà Nội) phải chật vật với nhiều công việc khác nhau để xoay xở kinh tế nuôi gia đình. Tết này, anh vay tiền người thân, bạn bè dự định nhập khoảng gần 500 cây quất cảnh về bán dịp Tết, nhưng kế hoạch kinh doanh của anh bỗng chốc bị đảo lộn.

Giọng buồn, anh Kiên kể: “Hết lo ế hàng, nay lại lo dịch đến. Với tình hình dịch lây lan nhanh như thế này, tôi phải dừng nhập hàng, bán rẻ số hàng còn lại. Cuối năm ai cũng chạy nước rút cho công việc, dịch mà bùng phát mạnh, phải giãn cách xã hội thì không biết phải trả nợ như thế nào nữa".

Nỗi lo về những công việc dang dở, về những chậu hoa, cây cảnh chưa bán được dịp cận Tết của chị Thơ, anh Thanh hay anh Kiên cũng là nỗi lo chung của rất nhiều người dân hiện nay. Họ từng ngày mong đại dịch sớm được khống chế, để Tết này có thể tranh thủ kiếm thêm thu nhập.

Bình tĩnh tin tưởng vào Chính phủ

Tuy nhiên, ở đợt dịch lần này nhiều người tin rằng, dịch bệnh sẽ sớm được kiểm soát mà không cần giãn cách xã hội trên diện rộng. "Tôi đầu tư cả trăm triệu nhưng bây giờ mới thu về được gần nửa số vốn bỏ ra. Chỉ mong với sự chỉ đạo khẩn trương, quyết liệt và với các biện pháp hữu hiệu, dịch bệnh sẽ sớm được ngăn chặn, để người dân yên tâm, phấn khởi đón Tết Nguyên đán Tân Sửu...", anh Tùng, buôn đào Tết ở Hà Tĩnh chia sẻ.

Thời điểm dịch bùng phát trở lại, nhiều yêu cầu được đặt ra để Hà Nội, Hải Dương, Quảng Ninh và nhiều tỉnh trên cả nước bảo đảm an toàn cho mọi sinh hoạt, đi lại, sản xuất, kinh doanh... khiến người kinh doanh chịu không ít ảnh hưởng.

Trước tình hình đó, UBND TP Hải Dương vừa có văn bản kêu gọi người dân, doanh nghiệp và thương lái trên địa bàn tỉnh mua đào của địa phương để ủng hộ nông dân trong bối cảnh dịch Covid-19.

Khi nghe tin Hải Dương bị phong tỏa do dịch bệnh Covid-19, nhiều thương lái mua đào của các tỉnh ngoài đã hủy bỏ giao dịch, đòi lại tiền cọc khiến nhiều tiểu thương sốt ruột, lo lắng vì nếu không bán được cây đào năm nay thì họ sẽ trắng tay và có nguy cơ nợ ngân hàng.

Tương tự, UBND tỉnh Quảng Ninh cũng kêu gọi các cơ quan, đơn vị và các đoàn thể chính trị - xã hội tại tỉnh tiêu thụ nông sản cho nông dân vùng dịch. Để tạo điều kiện các phương tiện hàng hóa lưu thông qua vùng dịch, ngày 28/1, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có chỉ đạo cho phép các phương tiện vận tải hàng hóa, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất được hoạt động, nhưng phải kiểm soát và duy trì số lượng người trên phương tiện theo quy định phòng chống dịch.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Những món ăn đường phố Thượng Hải gây nhức nhối

Tại sao máy bay trực thăng có thể bay cao tới 6000 mét?

Bún bò xào đậm chất Nam Bộ