Triều cường gây ngập trung tâm Cần Thơ

 Mực nước sông Hậu đạt 2,15 m, vượt báo động ba 15 cm, hàng loạt tuyến đường ở quận Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng, Ô Môn bị ngập sâu.

Đường Mậu Thân ở quận Ninh Kiều bị nước ngập sáng 18/10. Ảnh: Cửu Long

Đường Mậu Thân ở quận Ninh Kiều bị nước ngập sáng 18/10. Ảnh: Cửu Long.

Lúc 5h30 ngày 18/10, nước theo sông, rạch, cống tràn vào đô thị khiến nhiều tuyến đường ở quận trung tâm Ninh Kiều như: Lý Tự Trọng, Trần Hưng Đạo, Phạm Ngũ Lão, khu vực hồ Xáng Thổi, hồ Búng Xáng... bị ngập sâu 20-40 cm. Giao thông bị ùn tắc, xe chết máy hàng loạt.

Nghiêm trọng nhất là đường Cách Mạng Tháng Tám, đoạn ngập khoảng 400 m, từ ngã ba đường Phạm Ngũ Lão đến nút giao đường Nguyễn Văn Cừ và đường Mậu Thân. Toàn bộ mặt đường mênh mông nước, có nơi sâu 40-50 cm. Nhiều khu vực nước tràn lên vỉa hè, hàng quán phải tạm đóng cửa.

"Rút kinh nghiệm trận ngập lụt nghiêm trọng năm ngoái, tôi cùng mấy hộ lân cận nâng nền nhà 30-40 cm nên thoát cảnh bơm, tát nước khi có triều cường", ông Trần Văn Năm, 65 tuổi, ở đường Mậu Thân, quận Ninh Kiều nói.

Xe bị ngập, chết máy trên đường Võ Văn Kiệt. Ảnh: Cửu Long

Xe chết máy trên đường Võ Văn Kiệt, TP Cần Thơ. Ảnh: Cửu Long.

Tại cửa ngõ TP Cần Thơ ở phường Hưng Phú, quận Cái Răng cũng bị ngập sâu. Rất đông cảnh sát giao thông được huy động điều tiết, hướng dẫn cho xe cộ qua lại, giải phóng ùn ứ cục bộ vào dịp cuối tuần.

Đến khoảng 9h, các khu vực bị ngập, nước đã rút hết.

Ông Nguyễn Quý Ninh, Phó chánh Văn phòng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn Cần Thơ cho biết, dự báo đợt điều cường này đạt đỉnh ngày 18 và 19/10 với mực nước cao nhất trên sông Hậu tại Cần Thơ là 2,15 m. Tuy nhiên, nếu mưa nhiều, mực nước có thể gây ngập lụt cao hơn và rút chậm.

Tiến sĩ Lê Anh Tuấn - Viện phó Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu, Đại học Cần Thơ cho biết, nguyên nhân khiến trung tâm Cần Thơ ngập lụt là nước lũ theo sông Hậu đổ về cùng lúc với triều cường, kết hợp với mưa nhiều. Ngoài ra, đô thị Cần Thơ ngày càng lún, mỗi năm 2-3 cm, thuộc nhóm nặng nề nhất Đồng bằng sông Cửu Long.

Tiến sĩ Tuấn khuyến cáo, việc đầu tư nâng cấp, hoàn chỉnh, đồng bộ hệ thống thoát nước trong đô thị... sẽ giúp giảm ngập sâu kéo dài ở trung tâm Cần Thơ.

Năm 2019, đỉnh triều cường trên sông Hậu đạt mức 2,25 m, vượt mốc lịch sử 2,23 m của năm 2018, khiến nhiều khu vực ở Tây Đô chìm trong biển nước.

Cần Thơ có khoảng 100 điểm ngập 10-65 cm do triều cường, thời gian 2-4 tiếng, chủ yếu ở quận Ninh Kiều, Bình Thủy. Riêng quận Ninh Kiều có 60 đường ngập.

Nước tràn ngập lên vỉa hè đường Mậu Thân ở quận Ninh Kiều. Ảnh: Cửu Long.

Nước tràn ngập lên vỉa hè đường Mậu Thân ở quận Ninh Kiều. Ảnh: Cửu Long.

TP Cần Thơ đang thực hiện dự án Phát triển và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị có mức đầu tư hơn 320 triệu USD. Dự án có mục tiêu kiểm soát ngập cho gần 2.700 ha vùng lõi quận Ninh Kiều, Bình Thủy, bảo vệ hơn 420.000 dân.

Trong đó, một phần của dự án sẽ xây hơn 9 km kè sông Cần Thơ, sông Cái Sơn, rạch Mương Khai; kết hợp với 3 âu thuyền (Cái Khế, Đầu Sấu, Hàng Bàng), 9 cống ngăn triều cùng các trạm bơm nhằm giảm ngập úng tại khu vực trung tâm.

Dự án thực hiện từ năm 2016 đến 2022. Tuy nhiên, do thời gian đầu chậm trễ so với kế hoạch nên mới đây, UBND Cần Thơ xin gia gia hạn đến giữa năm 2024 

Theo Vnexpress

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Những món ăn đường phố Thượng Hải gây nhức nhối

Tại sao máy bay trực thăng có thể bay cao tới 6000 mét?

Bún bò xào đậm chất Nam Bộ