Phó bí thư Hà Nội đề nghị người dân không tái diễn chặn xe chở rác

 Ranh giới giữa việc chặn xe chở rác để đấu tranh với vi phạm pháp luật chỉ trong "gang tấc", theo Phó bí thư Hà Nội Nguyễn Văn Phong.

Chiều 30/10, Thường trực Thành ủy Hà Nội đối thoại với nhân dân ba xã Hồng Kỳ, Nam Sơn, Bắc Sơn (huyện Sóc Sơn), nằm trong vùng ảnh hưởng môi trường của Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn (bãi rác Nam Sơn).

100 người dân đến dự, ngoài ra cuộc đối thoại cũng được phát thanh trực tiếp qua hệ thống truyền thanh đến người dân ba xã.

Phó bí thư Hà Nội Nguyễn Văn Phong. Ảnh: Võ Hải

Phó bí thư Hà Nội Nguyễn Văn Phong. Ảnh: Võ Hải

Theo Phó bí thư Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Văn Phong, ranh giới trong việc chặn xe để đấu tranh với vi phạm pháp luật chỉ trong "gang tấc". "Mọi việc dù khó khăn, phức tạp đến đâu nhưng nếu cùng nhau chia sẻ, đối thoại trên cơ sở pháp luật thì chắc chắc sẽ giải quyết được", ông nói và bày tỏ hy vọng người dân sẽ không tái diễn việc chặn xe chở rác.

Ông Phong nêu rõ, chính quyền từ cấp xã đến thành phố sẽ lắng nghe mọi kiến nghị của người dân và tập trung giải quyết. Những vấn đề người dân thấy chưa thỏa mãn thì có thể trao đổi bằng đơn thư hoặc đối thoại.

Theo quy hoạch, đến năm 2050 Khu xử lý chất thải Nam Sơn có diện tích 280 ha tại các xã Bắc Sơn, Nam Sơn và Hồng Kỳ huyện Sóc Sơn. Ảnh: Ngọc Thành.

Khu xử lý chất thải Nam Sơn. Ảnh: Ngọc Thành

Cuộc đối thoại diễn ra trong bối cảnh một tuần trước, người dân chặn xe vào bãi Nam Sơn, gây ùn ứ rác trên nhiều đường phố các quận nội thành. Đó đã là lần thứ 15 trong những năm gần đây người dân các xã khu vực bãi rác Nam Sơn chặn xe. Hiện mỗi ngày Nam Sơn tiếp nhận trên 5.000 tấn rác, chiếm 77% lượng rác của toàn thành phố.

Ông Nguyễn Văn Thắng (xã Bắc Sơn) cho rằng, nếu như huyện và thành phố thực hiện đúng những gì đã từng cam kết với nhân dân ba xã thì chắc chắn sẽ không xảy ra tình trạng chặn xe vào bãi rác. Gia đình ông có đất thổ cư, đã đồng thuận tái định cư nơi khác nhưng giá đến bù 10.500 đồng mỗi m2 là không thỏa đáng; số tiền này không đủ để mua đất ở khu tái tái định cư, ổn định cuộc sống.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Mạnh Hùng (xã Nam Sơn) phản ánh giá đất đền bù khi di dời với giá đất tái định cư vênh nhau gấp 5 lần, gây khó khăn cho người dân phải di dời. "20 năm qua người dân ba xã đã quá khổ do ô nhiễm môi trường. Từ nay trở đi, thành phố cần có chính sách hỗ trợ cho người dân bán kính 100 m xung quanh bãi rác ít nhất 10.000 đồng mỗi ngày, dù số tiền đó chỉ đủ mua lọ dầu gió", ông nói.

Nguyên Chủ tịch UBND xã Nam Sơn Lê Văn Hộ tại buổi đối thoại. Ảnh: Võ Hải.

Nguyên Chủ tịch UBND xã Nam Sơn Lê Văn Hộ tại buổi đối thoại. Ảnh: Võ Hải.

Theo ông Lê Văn Hộ, nguyên Chủ tịch UBND xã Nam Sơn, những lần chặn xe trước đây chỉ đơn thuần do bãi rác ô nhiễm quá sức chịu đựng của người dân; còn những lần gần đây là do thành phố chưa thực hiện cam kết.

"Chúng tôi già chết cũng được rồi, nhưng còn con cháu sau này. Đề nghị thành phố lo cho dân, bởi vì chúng ta là cán bộ của dân, do dân, vì dân", nguyên Chủ tịch UBND xã Nam Sơn nghẹn ngào nói.

Giải đáp các vấn đề người dân nêu lên, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng nói chính quyền đã có nhiều chính sách đãi ngộ với người dân bị ảnh hưởng, như miễn phí thẻ bảo hiểm y tế, nâng mức hỗ trợ đền bù, đầu tư hạ tầng... Tuy nhiên, ông nhấn mạnh dù quan điểm của thành phố là vận dụng tối đa chính sách có lợi nhất cho nhân dân, nhưng vẫn phải trong khuôn khổ pháp luật.

Ông Hùng giao Sở Xây dựng ngay tuần sau cử 30 cán bộ xuống địa bàn ba xã, phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức đo đạc, kiểm đếm để đẩy nhanh quá trình di dời người dân nằm trong bán kính 500 m tính từ hàng rào khu xử lý chất thải.

Sở Xây dựng cũng được giao cùng UBND huyện hàng ngày kiểm tra, quan trắc mức độ ô nhiễm để xử lý ngay nếu phát hiện, giảm thiểu tối đa tác động của bãi rác tới người dân.

Phó chủ tịch UBND TP Nguyễn Quốc Hùng. Ảnh: Võ Hải.

Phó chủ tịch UBND TP Nguyễn Quốc Hùng. Ảnh: Võ Hải.

Lãnh đạo UBND thành phố nêu rõ, chính quyền sẽ kiên quyết xử lý những trường hợp lợi dụng chính sách để trục lợi. Theo ông Hùng, qua thanh tra 178 sổ đỏ của những người dân trong diện di dời đều cho thấy cấp vượt hạn mức. Trong đó, chỉ 3 sổ hợp pháp và đầy đủ, 65 sổ không đúng quy định; 115 sổ đỏ không có hồ sơ lưu ở cơ quan quản lý. Do đó, thành phố chỉ đạo các đơn vị liên quan rà soát, đảm bảo việc đền bù đúng, đủ, công bằng và tuân thủ pháp luật.

Được xây dựng từ năm 1999, khu liên hiệp xử lý chất thải Nam Sơn, huyện Sóc Sơn rộng hơn 157 ha, chia làm hai giai đoạn. Khu phía Nam rộng 36 ha gồm 6 ô, vận hành từ năm 2015, với công suất gần 5 triệu m3 rác. Đến giữa năm 2019, các ô đều hết chỗ chứa, UBND TP Hà Nội cho phép cải tạo mở rộng thêm 2 ô và tận dụng khoảng cách giữa các ô cũ để nâng công suất.

Trong khi đó, khu phía Bắc của giai đoạn 2 diện tích 37 ha, gồm 2 ô chôn lấp với công suất 1,9 triệu m3, từ năm 2015 đến nay vẫn chưa xây dựng xong, do vướng mắc giải phóng mặt bằng. Hiện mỗi ngày Nam Sơn tiếp nhận khoảng 5.000 tấn rác từ 12 quận, 5 huyện của thành phố.

Trong bán kính 500 m tính từ hàng rào bãi rác Nam Sơn có gần 2.000 hộ dân thuộc diện phải di dời, tổng diện tích đất khoảng 396 ha, gồm cả đất nông nghiệp và đất ở. Thời gian qua nhiều người dân chặn bãi rác Nam Sơn do vướng mắc trong xác định nguồn gốc đất để đền bù.


Xem thêm tại Wikicabinet

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Những món ăn đường phố Thượng Hải gây nhức nhối

Tại sao máy bay trực thăng có thể bay cao tới 6000 mét?

Bún bò xào đậm chất Nam Bộ