Trực thăng sẵn sàng tiếp tế lương thực cho 3.000 dân bị cô lập
Sư đoàn Không quân 372 chuẩn bị hàng hóa ở sân bay Đà Nẵng, chờ thời tiết cho phép sẽ dùng trực thăng tiếp tế cho 3.000 dân bị cô lập.
Sáng 31/10, Sở chỉ huy tiền phương đóng tại tại huyện Phước Sơn họp bàn phương án tiếp tế lương thực cho người dân hai xã Phước Thành, Phước Lộc. Mưa lớn và giao thông chia cắt nhiều ngày qua khiến hai xã này với khoảng 3.000 dân bị cô lập. Trong đó, vụ sạt lở đất ở thôn 6, xã Phước Lộc ba ngày trước đã vùi lấp 11 người, đến nay còn 6 nạn nhân mất tích.
Đường từ Sở chỉ huy tiền phương đến hiện trường thôn 6 khoảng 60 km, đã thông được một nửa, còn khoảng 30 km mới vào xã Phước Lộc và 10 km vào xã Phước Thành với dày đặc các điểm đất đá sạt lở.
Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Quảng Nam Nguyễn Mạnh Hà, nêu phương án tập kết hàng tiếp tế rồi gùi cõng đường bộ đến khu vực giáp ranh với Phước Thành và Phước Lộc. Từ đây, lực lượng cứu hộ dùng tời bằng ròng rọc, đưa hàng lên đỉnh đồi để dân quân, lực lượng xung kích của xã tiếp nhận và gùi cõng về cho các thôn.
"Do tình hình mưa lớn, vẫn còn nhiều điểm sạt lở nên lực lượng bên ngoài tạm dừng hành quân vào. Trước mắt tỉnh huy động dân quân và người địa phương quen đi rừng, am hiểu địa hình để gùi cõng lương thực, nhu yếu phẩm thiết yếu", ông Hà nói.
Đại tá Nguyễn Việt Hùng - Phó trưởng Phòng Quân huấn (Sư đoàn Không quân 372) thông tin, hàng hóa tiếp tế được chuẩn bị sẵn ở sân bay Đà Nẵng, khi điều kiện thời tiết cho phép sẽ thì trực thăng sẽ cất cánh.
"Mỗi lần vận chuyển hàng cả đi và về hơn một giờ, không hạn chế số lần bay từ 7h đến 17h hàng ngày", ông Hùng nói và cho biết mỗi chuyến bay có thể chở hơn một tấn hàng tiếp tế cho dân.
Thượng tá Lê Trung Thành - Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Nam, thống nhất cả hai phương án trên, gồm sử dụng lực lượng tại chỗ khảo sát, thiết lập đường bộ vận chuyển hàng tiếp tế; đồng thời, Sư đoàn 372 triển khai bay khi thời tiết thuận lợi.
"Người dân ở hai xã đang rất khó khăn, nên hàng hóa tiếp tế càng nhiều cho dân càng tốt", ông Thành nói và cho hay tỉnh Quảng Nam đã cấp 100 tấn gạo cho hai xã bị cô lập. Hiện 50 tấn gạo đã lên tới huyện Phước Sơn và 50 tấn sẽ tiếp tục vận chuyển trong ngày hôm nay.
Cùng ngày, tại thôn 1, xã Trà leng, huyện Nam Trà My, bộ đội tiếp tục khẩn trương đào bới, tìm kiếm người mất tích.
Lúc 6h hôm nay, bốn máy xúc và ba máy thổi nước công suất lớn được đưa vào hiện trường. Máy xúc đào bới từng lớp đất đá, cây cối vùi lấp phía trên nhà cửa, còn máy thổi nước đẩy bùn đất. Chó nghiệp vụ tham gia đánh hơi xác định vị trí nạn nhân.
Ông Hồ Quang Bửu, Phó chủ tịch Quảng Nam, cho biết tại hiện trường hôm nay không mưa. Tuy nhiên, ở vùng núi thời tiết thay đổi liên tục nên tỉnh yêu cầu cơ quan khí tượng thủy văn ba giờ thông tin về mưa một lần. "Nếu mưa lớn sẽ dừng công tác tìm kiếm để các lực lượng cứu hộ di chuyển đến nơi an toàn ở", ông Bửu nói.
Trước đó chiều 28/10, ngọn núi Pa Ranh ở đầu thôn 1, xã Trà Leng sạt xuống khiến 53 người bị vùi lấp, trong đó 33 người sống sót và bị thương, 8 thi thể được tìm thấy, còn 12 nạn nhân mất tích.
Cùng ngày, tại huyện Phước Sơn, vụ lở đất ở thôn 6, xã Phước Lộc vùi lấp 11 người, hiện còn 6 nạn nhân mất tích.
Vnexpress
Xem them tại Wikicabinet
Nhận xét
Đăng nhận xét