Ngày kinh hoàng của người dân Trà Leng

 Theo Vnexpress QUẢNG NAMNghe tiếng lùng bùng như sấm, ông Nguyễn Thành Sơn ngước lên, thấy ngọn núi cách nhà trăm mét đang rung chuyển, vội gào lên "chạy, chạy".

Ông Sơn, 56 tuổi, là một trong 34 người sống sót sau vụ lở núi, san phẳng nóc Ông Đề ở thôn 1, xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, trưa 28/10.

Trước khi bão Molave đổ bộ, 14 hộ dân trong nóc Ông Đề chọn hai ngôi nhà kiên cố nhất thôn, là nhà ông Sơn và nhà bí thư xã Trà Leng Lê Hoàng Việt để tránh trú. 7 tiếng gió bão cấp 12 quần thảo, không ai dám ra ngoài.

Hiện trường vụ lở núi ở thôn 1, xã Trà Leng khiến 53 người gặp nạn. Ảnh: Ngọc Thành

Hiện trường vụ lở núi ở thôn 1, xã Trà Leng khiến 53 người gặp nạn. Ảnh: Ngọc Thành

12h trưa 28/10, ông Sơn nghe tiếng nổ nhỏ, lùng bùng, âm âm từ lòng đất, "tưởng là sấm, không nghĩ lở núi". Ba tiếng sau, gió ngớt, đàn ông trong nóc ra suối lấy đá để ngăn dòng nước chảy vào nhà. Một số người còn dùng điện thoại quay cảnh nước trên núi ầm ào đổ về.

Ông Sơn ngước nhìn ngọn núi Pa Ranh cách nhà trăm mét, thấy cây cối rung chuyển, vội gào lên "Chạy, chạy". Nhưng đất đá, nước, cây gỗ từ trên núi đổ về. "Chúng ập vào nóc giống như một đợt sóng, xô đẩy nhà cửa. Đất đá xô mọi thứ trôi đi, cho đến khi gặp chân núi mới chịu dừng", ông Sơn kể.

Khi đất đá nằm im, nước chảy về suối, ông Sơn lúc này đã bị đẩy đi 30 m, bò dậy, đầu óc choáng váng. Thấy cánh tay giơ lên khỏi đất bùn, ông cào bới, lôi một cô gái bị gãy chân, đặt trước một trại nuôi gà chưa bị vùi lấp. Để lại cho cô gái chiếc áo mưa, ông dặn có người đến thì kêu lên, rồi tiếp tục đi cứu người.

Người đàn ông cố gắng tìm vợ mình, nhưng không thấy. Thi thể vợ ông được người trong thôn tìm thấy dưới vài mét bùn đất lẫn cây sáng 29/10.

Ông Nguyễn Thành Sơn mất vợ trong vụ lở núi, chiều 28/10. Ảnh: Đắc Thành

Ông Nguyễn Thành Sơn mất vợ trong vụ lở núi, chiều 28/10. Ảnh: Đắc Thành

Lúc nghe tiếng ầm ầm liên tiếp, anh Hồ Văn Kim, sống ở nóc Ông Đề đã biết có chuyện chẳng lành. Anh bảo vợ con di tản khỏi nhà, rồi khoác cái áo gió, theo hướng tiếng nổ, tiếng người la hét mà chạy đến. Nhiều trai làng đến cùng lúc, cố bới đất đá, lôi người còn sống ra.

"Người chết thì để đó, phủ bạt, phải đi tìm người sống đã", anh Kim kể, tay vân vê vết máu dính trên vạt áo, vết máu của những người được anh cứu.

Suốt buổi chiều 28 đến mờ sáng 29/10, anh Kim và trai làng dùng thân cây làm đòn gánh, dùng võng thay cáng cứu thương, khiêng được ba người từ nơi sạt lở đến Trạm Y tế xã Trà Leng. Đi bộ 15 km, mỗi lượt đi về mất ba tiếng, họ phải băng qua hàng chục điểm sạt lở, cây đổ rạp chắn đường để tìm đường ra quốc lộ 40B. Người đi trước cầm rựa phát cành, mở một lối cho đoàn người phía sau.

Cùng thời điểm, cách nơi họ sống 50 km, hơn 200 chiến sĩ Quân khu 5, bộ đội địa phương, dân quân... bổ từng nhát cuốc xuống đường, san gạt các điểm sạt lở, chặt cây mở đường để tiếp cận vụ sạt lở. Trung tâm Y tế Bắc Trà My chuẩn bị xe, cáng cứu thương, dọn sẵn giường bệnh, sẵn sàng chi viện cho cứu hộ hiện trường.

14h30 ngày 29/10, đoàn người của Kim ra được đến đầu quốc lộ 40B, cách hiện trường sạt lở 15 km, thì gặp bộ đội đang mở đường vào. Kim ngồi phịch xuống, như trút được gánh nặng vì biết dân làng đã được cứu.

Cách nóc Ông Đề 2 km, thôn 2 xã Trà Leng cũng xảy ra sạt lở đất chiều 28/10, vùi chết ông Vũ Bắc Thái, 56 tuổi. Chị Hồ Thị Hà, con gái ông Thái, nhớ lại trước ngày bão về, chị gửi hai con gái 5 và 8 tuổi về nhà bố mẹ đẻ, cách nhà chị 20 phút đi xe máy. Căn nhà bố mẹ nằm kề xưởng gỗ 30 năm của gia đình, vốn đứng vững qua bao mùa gió bão. Quanh đó, hơn chục nóc nhà quần tụ.

Khi nghe "tiếng nổ bùng bùng liên tiếp như tiếng mìn phá đá" từ hướng nóc nhà của cha, chị Hà chạy băng qua những đoạn đường sạt lở, đến nơi đã thấy một phần quả núi sạt xuống, đất đá, cành cây, bùn đất kéo sập ngôi nhà, vùi chết bố.

Bộ đội sơ cứu cho bé Hà My, con gái của chị Hồ Thị Hà tại đầu quốc lộ 40B, chiều 29/10. Ảnh: Đắc Thành

Bộ đội sơ cứu cho bé Hà My, con gái của chị Hồ Thị Hà tại đầu quốc lộ 40B, chiều 29/10. Ảnh: Đắc Thành

Nhiều người trong làng đang đào bới tìm kiếm nạn nhân. Tiếng khóc, tiếng người gọi nhau, tiếng nước chảy, tiếng gió bão rít... "Cuộc đời tôi chưa bao giờ trải qua những phút khủng khiếp đến thế", chị Hà nói.

Những người bị nạn được đưa đến tá túc tại một nhà kiên cố khác trong thôn. Hà ngồi suốt đêm với hai con gái, không dám ngủ, trông trời mau sáng để đưa người thân ra ngoài. Một tiếng động cũng làm chị lo âu, sợ xảy ra vụ sạt lở tiếp theo.

"Không muốn kể lại đâu, ám ảnh lắm", Hà nói về cảnh tượng lúc khiêng cáng băng qua nóc Ông Đề, nơi từng có 14 mái nhà, nay không còn dấu tích gì.

Trước đó chiều 28/10, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão Molave, huyện Nam Trà My mưa lớn, liên tiế thêm p xảy ra sạt lở đất. Vụ sạt lở ở xã Trà Leng làm 53 người bị vùi lấp, trong đó 34 người sống sót, 6 người chết, còn 13 nạn nhân mất tích. Vụ sạt lở ở xã Trà Vân khiến 20 người gặp nạn, trong đó 12 người bị thương, 8 người tử vong đã tìm thấy thi thể.

Hàng trăm bộ đội cùng máy xúc đang tìm kiếm những người còn mất tích.

Xem thêm tại Wikicabinet

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Những món ăn đường phố Thượng Hải gây nhức nhối

Tại sao máy bay trực thăng có thể bay cao tới 6000 mét?

Bún bò xào đậm chất Nam Bộ