Khẩn cấp cứu nạn và khắc phục hậu quả bão, lũ
Nhân dân - Bão số 9, một trong những cơn bão mạnh nhất đổ bộ vào nước ta trong vòng 20 năm qua đã tàn phá nặng nề, gây nhiều thiệt hại về người và tài sản tại các địa phương Nam Trung Bộ và nam Tây Nguyên. Ngay sau khi bão qua, cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể các địa phương đã huy động mọi nguồn lực tham gia cùng nhân dân khắc phục hậu quả bão, lũ.
Những người dân Quảng Ngãi vẫn chưa hết kinh hãi khi nhắc đến sức gió khủng khiếp của bão số 9. Suốt nhiều giờ quần thảo dữ dội với tiếng gió rít, hú liên hồi, quật ngã trụ điện, cây xanh, cuốn phăng mái nhà, biển hiệu bay tứ tung khiến nhiều vùng quê tan hoang, xác xơ. Đến chiều 29-10, trên những nẻo đường, cây cối vẫn còn ngã đổ ngổn ngang, những mái tôn cong queo bị gió thổi bay nằm chỏng chơ khắp nơi, hàng loạt nhà dân bị hư hỏng, tốc mái vẫn chưa được khắc phục. Theo báo cáo của UBND tỉnh Quảng Ngãi, bão số 9 làm 165 nhà bị sập đổ hoàn toàn, 84.499 ngôi nhà, 151 điểm trường, 34 cơ sở y tế bị tốc mái, hư hỏng…
Cố gắng nhặt nhạnh những viên gạch còn nguyên sót lại sau khi ngôi nhà nằm sát mép biển bị gió bão, triều cường đánh sập hoàn toàn, bà Nguyễn Thị Năm, 57 tuổi, ở thôn An Cường, xã Bình Hải, huyện Bình Sơn rơm rớm nước mắt. Bà kể, nghe bão số 9 có gió mạnh cho nên chiều tối 27-10, bà cùng con trai được chính quyền đưa đi sơ tán tại Đồn Biên phòng Bình Hải. Bão tan, chiều 28-10, khi trở về, nhìn nhà cửa đổ nát, tài sản trong nhà bị cuốn trôi, bà Năm ngã quỵ. Trường hợp gia đình bà Nguyễn Thị Thân (cũng ở thôn An Cường), có nhà nằm sát mép biển thì may mắn hơn. Bão tố, triều cường chỉ làm một phần nhà dưới bị sập. Sau bão, được bà con chòm xóm đến chung tay giúp khắc phục lại ngôi nhà bị hư hỏng nên gia đình bớt lo lắng.
Theo Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Bình Sơn Võ Văn Đồng, xã Bình Hải là địa phương bị tàn phá của bão và triều cường nên thiệt hại nặng nề. Toàn xã có 30 ngôi nhà bị sập đổ hoàn toàn, hơn 2.000 ngôi nhà bị tốc mái. Do vậy, việc sớm khôi phục nơi ở cho người dân có nhà bị sập, bị tốc mái là vấn đề cấp bách hiện nay. Ngày 29-10, huyện đã huy động lực lượng dân quân và thanh niên tình nguyện về các làng quê giúp dân lợp lại nhà bị tốc mái để sớm ổn định chỗ ở. Riêng đối với các gia đình có nhà sập, trước mắt ở tạm nhà người thân hoặc làm nhà tạm để ở, sau đó mới có phương án hỗ trợ xây dựng mới.
Công ty Điện lực Quảng Ngãi đang huy động tổng lực mọi nguồn lực, phương tiện khắc phục hệ thống điện bị hư hỏng. Giám đốc Công ty Điện lực Quảng Ngãi Lê Hoàng Anh Dũng cho biết, dù cật lực thi công cả ngày lẫn đêm nhưng do thiệt hại lưới điện trên địa bàn tỉnh quá lớn cho nên phải đến tối 29-10, ở các phường trung tâm TP Quảng Ngãi và trung tâm một số huyện, thị xã mới có điện sinh hoạt trở lại. Tập đoàn Điện lực Việt Nam đang huy động 1.000 công nhân từ các đơn vị trực thuộc ở miền trung và miền nam cùng vật tư hỗ trợ ngành điện Quảng Ngãi nhanh chóng khôi phục hệ thống điện, phấn đấu trong vài ngày tới cơ bản cung ứng điện trở lại cho người dân trong tỉnh.
Chiều 29-10, tại cuộc họp khẩn triển khai công tác khắc phục hậu quả bão số 9, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh chỉ đạo các sở, ngành chức năng và địa phương tập trung huy động lực lượng, hỗ trợ nguồn lực giúp người dân nhanh chóng tu sửa lại nhà cửa bị hư hỏng để sớm có chỗ ở, khôi phục các công trình thiết yếu, nhất là nguồn điện sinh hoạt cho người dân và các công trình trường học... Chiều cùng ngày, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi ra văn bản yêu cầu nhanh chóng cung cấp điện, nước sạch cho người dân, có kế hoạch hỗ trợ cho người dân bị thiệt hại về nhà ở, sớm ổn định cuộc sống.
Tại Quảng Nam mưa lũ đã làm sạt lở đất nặng tại khu vực miền núi, khiến hàng chục người dân ở huyện Nam Trà My và huyện Phước Sơn chết và mất tích. Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My Trần Duy Dũng cho biết, khoảng 15 giờ ngày 28-10, một trận lở đất kinh hoàng, quả núi từ trên cao hàng chục mét sạt xuống làm nhà cửa của 11 hộ dân ở làng Ông Đề thuộc thôn 1, xã Trà Leng bị vùi lấp dưới bùn đất. Khi xảy ra sạt lở đất, đã có bốn người dân may mắn thoát được, hơn 50 người bị vùi lấp và mất tích. Cũng vào chiều 28-10, một vụ sạt lở đất tại nóc Ông Sinh, ở thôn 1, xã Trà Vân (huyện Nam Trà My) làm tám người dân bị vùi lấp trong đất đá.
Còn tại huyện Phước Sơn, mưa lũ cũng đã xảy ra hai trận sạt lở đất tại xã Phước Lộc vào chiều tối 28-10 làm 13 người mất tích. Phó Trưởng Ban Chỉ huy PCTT và TKCN huyện Phước Sơn Nguyễn Văn Thanh cho biết, sáng nay, trong khi các cơ quan chức năng của huyện đang tập trung lực lượng tìm kiếm hai cán bộ đi làm nhiệm vụ sơ tán dân là anh Hồ Văn Độ (SN 1992), Phó Bí thư đoàn xã và anh Hồ Văn Sợ (SN 1995), cán bộ dân vận xã Phước Lộc bị vùi lấp, mất tích... thì bất ngờ nhận được thông tin, tại thôn 6, xã Phước Lộc xảy ra điểm sạt lở đất nghiêm trọng, làm vùi lấp 11 người mất tích. Đến trưa nay, chính quyền xã và người dân địa phương đã tìm thấy thi thể ba nạn nhân; trong đó, có hai người lớn và một trẻ em…
Có thể nói rằng, từ khi tái lập tỉnh (năm 1997), đến nay, chưa bao giờ, Quảng Nam xảy ra những điểm sạt lở đất kinh hoàng và tang thương như thế này. Người dân miền núi Quảng Nam vốn khó khăn, lại càng khó khăn hơn khi mưa lũ ập về. Khi nhận được thông tin hai vụ sạt lở đất tại hai xã: Trà Leng và Trà Vân, ai nấy đều bàng hoàng, xót xa. Chiều tối 28-10, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đang đi kiểm tra công tác khắc phục thiệt hại bão số 9 từ Quảng Ngãi, Quảng Nam... vừa về tới Bộ Chỉ huy tiền phương (đóng tại TP Đà Nẵng) lại tức tốc phải quay ngược trở lại Quảng Nam để họp khẩn với lãnh đạo tỉnh Quảng Nam và đại diện các bộ, ngành Trung ương để triển khai cứu nạn. Phó Thủ tướng chỉ đạo tỉnh Quảng Nam, Bộ Quốc phòng, Quân khu 5 và các bộ, ngành phối hợp chuẩn bị lực lượng, phương tiện và phương án thông đường giao thông, sớm tiếp cận hiện trường để tìm kiếm người dân còn đang mất tích.
Đến cuối giờ chiều 29-10, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu vừa từ hiện trường quay ra cho biết, đến 14 giờ cùng ngày, lực lượng cứu hộ Quân khu 5, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Nam... đã tiếp cận được hiện trường điểm sạt lở đất tại thôn 1, xã Trà Leng. Đến 15 giờ, lực lượng chức năng đã tìm được 33 người mất tích còn sống và sáu thi thể nạn nhân bị vùi lấp. Hiện tại, lực lượng cứu nạn đang tập trung nỗ lực tìm kiếm 14 người còn đang mất tích trong vụ sạt lở này... Trước đó, lực lượng chức năng đã tìm được nạn nhân cuối cùng tại điểm sạt lở tại thôn 1, xã Trà Vân làm tám người chết.
Ở Đà Nẵng, ngay khi bão vừa đi qua, chính quyền, ngành chức năng và người dân đã triển khai ngay việc dọn vệ sinh, khắc phục hậu quả mưa bão. Sáng 29-10, UBND thành phố có cuộc họp khẩn với các sở, ngành địa phương bàn biện pháp khắc phục hậu quả do bão số 9 gây ra và ứng phó lũ sau bão. Sau khi đánh giá tình hình, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ yêu cầu lãnh đạo các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các quận, huyện triển khai ngay công tác khắc phục hậu quả mưa bão. Riêng huyện Hòa Vang còn một số thôn ngập sâu do lũ từ thượng nguồn đổ về, chính quyền huyện và ngành chức năng rà soát, sơ tán gấp các hộ ở các khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn, tránh thiệt hại về người và tài sản; các quận còn lại cử lực lượng thường xuyên tuần tra, kiểm soát, thông báo, yêu cầu người dân tuyệt đối không đi vớt củi, đánh bắt hải sản tại các khu vực ven sông, suối, ao hồ,... trong những ngày mưa bão còn diễn biến phức tạp. Tại huyện Hòa Vang, Phó Chủ tịch UBND huyện Bùi Nam Dũng cho biết: Tính đến chiều 29-10, trên địa bàn còn nhiều điểm ngập sâu, trong đó nặng nhất là xã Hòa Tiến với 396 hộ ngập sâu từ 0,5 m trở lên. Các tuyến đường bị ngập bao gồm đường DH409, cầu Nghị Nam Sơn, khu vực cầu Bến Giang, cầu cống Trung Lương ở thôn Lệ Sơn 2, cầu Bà Điềm ở thôn La Bông, các tuyến đường khu dân cư các thôn đều bị ngập nước.
Trong đêm 28-10, Điện lực Đà Nẵng huy động toàn bộ lực lượng ra hiện trường, kiểm tra đường dây, trạm biến áp, thay thế sửa chữa hệ thống lưới điện bị hư hỏng do bão theo kiểu cuốn chiếu, khu vực nào an toàn là cho đóng điện ngay để kịp thời cấp điện. Giám đốc Điện lực Đà Nẵng Lê Hồng Cương cho biết: Đến rạng sáng 29-10, đã cơ bản hoàn thành việc cấp điện trở lại cho khách hàng. Trong đó, 85% khách hàng ở các quận trung tâm và một số khu vực ở huyện Hòa Vang đã có điện trở lại. Đến 17 giờ ngày 29-10, ngoại trừ hai thôn đang bị ngập sâu của xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang phải tạm thời cắt điện để bảo đảm an toàn, hệ thống lưới điện ở Đà Nẵng đã được khôi phục hoàn toàn.
Ngay trong ngày 29-10, Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố, Vùng III Hải quân, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố đã cử hàng trăm lượt cán bộ dọn dẹp vệ sinh môi trường trong đơn vị, cơ quan, sau đó hỗ trợ các địa phương bị ảnh hưởng nặng thu dọn cây cối, tổng vệ sinh trên toàn địa bàn thành phố. Theo Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng Tô Hùng, từ chiều tối 28-10, hàng nghìn công nhân Công ty Công viên cây xanh, Công ty Môi trường đô thị... đã được huy động để chặt dọn cây cối gãy đổ trên các tuyến phố, công viên, bãi biển, dựng lại cây xanh bị nghiêng, trốc gốc có thể phục hồi được, trong đó, ưu tiên thu dọn các vật dễ gây nguy hiểm như tôn rách, cành cây, kính vỡ...
Tại Gia Lai, bão số 9 đã làm ba căn nhà bị sập hoàn toàn; 181 căn nhà, ba nhà rông, hai trường mẫu giáo, hai điểm trường học, hai nhà ở giáo viên bị tốc mái; 77 ha lúa, 4,2 ha rau, 300 ha mía, 7 ha cây ăn quả và 200 trụ hồ tiêu bị ngã đổ;... Tại TP Pleiku đã xảy ra hai vụ sập tường nhà dân khiến một người chết và một người bị thương. Bão cũng làm 20 trụ điện bị đổ gãy, 80 xã, phường, thị trấn bị mất điện; trong đó bốn huyện, thị xã gồm: An Khê, Kbang, Kông Chro, Đak Pơ mất điện hoàn toàn. Huyện Kông Chro, là một trong những địa phương bị thiệt hại nhiều của tỉnh Gia Lai. Gió lớn đã làm 17 căn nhà bị tốc mái, xiêu vẹo vách tường; hai căn nhà dân ở xã Đak Pơ Pho và An Trung bị sập đổ hoàn toàn; hai nhà ở giáo viên của Trường mầm non Hoa Mai (xã Sró), Trường tiểu học và THCS xã Sró và ba nhà rông ở xã Chư Krêy bị tốc mái. Khi chúng tôi đến xã Chư Krêy, mực nước sông suối hiện vẫn lên cao, chảy xiết làm các ngầm tràn ở các xã An Trung, Yang Nam, Đak Kơ Ning, Đak Tơ Pang, Đak Pling bị ngập, gây chia cắt… Xã đã bố trí lực lượng công an và dân quân trực, không cho người dân qua lại nhằm bảo đảm an toàn. Chủ tịch UBND xã Chư Krêy Khương Đình Huy cho biết: Ngay sau khi bão đi qua, chúng tôi đã huy động toàn bộ lực lượng xuống các thôn, làng để giúp người dân ổn định chỗ ở tạm thời. Những hộ bị tốc mái và hộ có nhà nguy cơ tốc mái thì được chuyển đến trường học, nhà rông văn hóa xã ở tạm. Chánh Văn phòng UBND huyện Kông Chro Ngô Hữu Luật cho biết: Hiện toàn bộ 13 người của hai gia đình có nhà bị đổ sập hoàn toàn đã được UBND các xã bố trí chỗ ở tạm thời, cung cấp đủ lương thực, thực phẩm. Ngoài ra, huyện cũng đang lên kế hoạch hỗ trợ kinh phí và vận động dân làng cùng với các lực lượng dựng lại nhà ở cho hai hộ dân này trong thời gian sớm nhất. Tương tự, tại huyện Kbang, mưa bão đã làm hai nhà dân ở xã Đông và Lơ Ku bị sập đổ hoàn toàn; khoảng 140 nhà dân ở các xã Đông, Lơ Ku và Tơ Tung bị tốc mái; Trường mẫu giáo Lơ Ku bị tốc mái ba phòng học, nhiều cây xanh bị ngã đổ... Mưa lớn kèm gió mạnh đã làm 350 ha mía, 107 ha lúa nước và 40 ha bắp, hoa màu của người dân bị ngã rạp, gây thiệt hại lớn. Chủ tịch UBND huyện Kbang Nguyễn Văn Dũng cho biết: Trước mắt, UBND huyện đã chỉ đạo các xã đưa lực lượng dân quân cũng như huy động nhân dân hỗ trợ khắc phục các ngôi nhà bị tốc mái. Đồng thời, chỉ đạo các ban, ngành của huyện, UBND các xã rà soát lại từng đối tượng, mức độ thiệt hại, từ đó xây dựng phương án xuất kinh phí dự phòng để hỗ trợ người dân.
Theo thống kê sơ bộ, tại Bình Định có 5 người bị thương, 45 nhà sập, gần 4.000 nhà bị tốc mái, hư hỏng, ngập nước; một số trạm y tế xã bị hư hỏng, tốc mái; gần 3.000 ha hoa màu bị hư hỏng; nhiều tuyến đường giao thông, đê kè, kênh mương bị hư hỏng, sạt lở; 16 hồ chứa nước bị sạt mái ta-luy, hư hỏng bờ tràn; kè biển Tam Quan (thị xã Hoài Nhơn) bị sạt lở chiều dài khoảng 1.600 m... Tổng thiệt hại do bão số 9 gây ra ước tính gần 394 tỷ đồng. Bão lớn mưa to kéo dài đã ngập cao đến 1 m, gây chia cắt nhiều nơi ở các huyện Hoài Ân, An Lão khiến hơn 600 nhà dân bị ngập sâu. Cùng các cán bộ xuống hỗ trợ người dân dọn dẹp nhà cửa, Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân Nguyễn Hữu Khúc cho biết, nhiều gia đình bị trôi hết heo, gà. Huyện đã chỉ đạo lực lượng quân đội, công an địa phương xuống giúp những gia đình có nhà tốc mái sửa chữa gấp trong ngày hôm nay.
Mưa to và gió lớn đã làm nhiều khu vực tại Bình Định bị mất điện, với 135 vụ sự cố lưới điện, làm mất điện 3.800 TBA phân phối, làm hỏng 3 TBA, gãy, đổ 73 cột điện, nghiêng 86 cột điện trung, hạ thế,... khiến gần 400.000 khách hàng bị ảnh hưởng. Ngay sau khi bão đi qua, các đơn vị đã triển khai công tác kiểm đếm một cách nhanh nhất, đánh giá tình hình thiệt hại và đề ra phương án xử lý khôi phục cấp điện cho khách hàng. Đến chiều 29-10, Điện lực Bình Định cơ bản cấp điện lại cho hơn 300.000 khách hàng.
Trong sáng 29-10, Bộ trưởng NN và PTNT Nguyễn Xuân Cường đã đến thăm hỏi, động viên các gia đình 26 người mất tích trên biển và cho biết, các tàu kiểm ngư đã tiếp cận vị trí 2 tàu chìm và đang nỗ lực tìm kiếm 26 ngư dân mất tích. Chính phủ cũng đang sẵn sàng phương án điều máy bay và thủy phi cơ để hỗ trợ tìm kiếm trong điều kiện thời tiết cho phép.
Tại huyện miền núi Đồng Xuân (Phú Yên), bão số 9 khiến 10 ngôi nhà sập và tốc mái, nhiều tuyến giao thông bị sạt lở; hơn 1.000 cây xanh ven đường ngã đổ gây cản trở giao thông; nhiều cây ngã đổ vào đường dây điện gây mất điện tại 6 xã. Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân Nguyễn Hữu Từ dẫn đầu đoàn công tác đến thăm hỏi tặng quà, động viên gia đình ông La O Thắng, ở thôn Phú Tiến, xã Phú Mỡ. Tại nhà ông La O Thắng, hàng chục cán bộ, dân quân lực lượng vũ trang đang giúp gia đình lợp lại mái ngói bị bão hất tung. Thiệt hại nặng nhất là xã vùng cao Phú Mỡ. Một số tuyến đường liên thôn, liên xã như tuyến Lãnh Vân, xã Xuân Lãnh đi làng Đồng, xã Phú Mỡ và tuyến Phú Lợi đi Phú Hải, xã Phú Mỡ sạt lở 8.000 m3 đất, đá. Bờ kè thôn Phú Lợi, xã Phú Mỡ bị sập 30 m. Trên các tuyến đường từ xã Xuân Quang 1 đến xã vùng cao Phú Mỡ từng tốp người thuộc các lực lượng với nhiều công việc hỗ trợ khắc phục hậu quả cơn bão. Tại thôn Suối Cối 1, xã Xuân Quang 1, đội quản lý đường bộ tập trung chặt dọn cây xanh thông tuyến giao thông. Hàng chục công nhân điện lực Đồng Xuân cũng đã có mặt tại hiện trường để khắc phục sự cố cây xanh ngã đổ lên đường dây điện, kịp cấp điện cho bà con. Giám đốc Công ty Điện lực Phú Yên Thái Minh Châu cho biết, sự cố về điện do bão quá lớn, nên trong hai ngày qua, Công ty Điện lực Phú Yên đã huy động tối đa lực lượng, phương tiện để khắc phục sự cố về điện. Riêng trong ngày 29, toàn công ty huy động 45 nhóm công tác, với 284 người, 33 phương tiện xe cẩu, xe cẩu tải, xe bánh xích, xe bán tải… Đồng thời huy động thêm nhân lực của các đơn vị xí nghiệp dịch vụ, đội quản lý vận hành, đơn vị xây lắp tiếp tục khắc phục sự cố. Phấn đấu đến 19 giờ ngày 29-10 cấp điện lại cho 100% khách hàng trên địa bàn toàn tỉnh.
Phát huy vai trò xung kích tình nguyện của tuổi trẻ, ngay sau bão số 9, lực lượng đoàn viên trong tỉnh đã chủ động phối hợp các lực lượng của địa phương hỗ trợ các hộ dân có nhà cửa bị ảnh hưởng do bão gây ra. Bí thư Tỉnh đoàn Phú Yên Phan Xuân Hạnh thì cho biết, Đoàn thanh niên đã hỗ trợ sửa chữa, phụ giúp dọn dẹp 150 nhà dân và thu dọn cây xanh ngã đổ trên các tuyến đường giao thông toàn tỉnh, với 1.100 lượt đoàn viên thanh niên tham gia.
Theo thống kê của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Kon Tum, bão số 9 làm hàng chục ngôi nhà bị tốc mái, ngập sâu trong nước, hư hỏng tại các huyện Đăk Glei, Kon Plong, Tu Mơ Rông... Mưa bão cuốn trôi bốn cầu treo và cầu sắt tại thôn 2, xã Đăk Pne (huyện Kon Rẫy), gần 1.500 hộ dân tại xã Đăk Pne bị cô lập. Hầu hết các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ trên địa bàn tỉnh đều bị ảnh hưởng, hư hỏng nặng với hàng trăm vị trí sạt lở, gây ách tắc giao thông. Ước tổng thiệt hại lên đến hàng trăm tỷ đồng. Nặng nhất là tuyến đường Hồ Chí Minh qua địa bàn tỉnh. Trên tuyến đường này có hàng chục điểm sạt lở với hàng chục ngàn mét khối đất đá tràn xuống đường. Tiếp đến là tuyến quốc lộ 24 có hàng chục điểm sạt lở gây tắc đường. Ngoài ra, nhiều tuyến đường tỉnh, huyện bị ngập sâu, một số cống cầu tràn bị nước lũ phá hỏng. Theo thống kê chưa đầy đủ, mưa lũ cũng làm gần 150 ha lúa, 280 ha hoa màu tại TP Kon Tum bị ngã đổ, ngập nước; hơn 154 ha cây công nghiệp và hoa màu các loại tại huyện Ngọc Hồi bị ngập...
Chính quyền và ngành chức năng đã phải di dời khẩn cấp hơn 1.400 hộ dân tại địa bàn có nguy cơ sạt lở cao đến nơi an toàn. Trong lúc cơn bão số 9 hoành hành, các lực lượng chức năng như quân đội, công an, dân quân, thanh niên... đã kịp thời, lăn xả, tận tình giúp người dân di chuyển đồ đạc và khắc phục hậu quả của bão lũ. Tại huyện Đăk Glei, nhiều nhà dân bị ngập sâu trong nước, các lực lượng thanh niên xung kích đã kịp thời phối hợp lực lượng công an, bộ đội hỗ trợ người dân đến nơi an toàn, gia cố nhà cửa, cắt tỉa cây xanh ngã đổ để thông đường. Ngay trong đêm 28-10, khi nhận được thông tin ông A Trung (trú thôn Kon Hra Chót, phường Thống Nhất, TP Kon Tum) đi chăn bò tại đồng cỏ khu vực ven sông gần cây cầu đang thi công qua sông Đăk Bla, nhưng do nước sông dâng cao làm đường về bị ngập nên đã mắc kẹt không về được, lãnh đạo thành phố, Ban Chỉ huy Quân sự TP Kon Tum đã huy động lực lượng tổ chức giải cứu và đưa vào bờ an toàn.
Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông Võ Trung Mạnh cho biết, huyện và xã đang huy động lực lượng về thôn làng giúp người dân khắc phục hậu quả sau bão lũ, đồng thời, tiến hành dọn dẹp cây cối ngã đổ, ban, gạt bùn đất, làm cầu tạm để người dân đi lại. Trước đó, huyện đã chủ động cho di dời toàn bộ các hộ dân của 11 xã ra khỏi vùng có nguy cơ bị sạt lở đất đến nơi an toàn. UBND tỉnh Kon Tum đã chỉ đạo các cấp, các ngành khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ cấp bách như: Hỗ trợ lương thực, thực phẩm, nước uống, nhanh chóng hỗ trợ người dân sửa chữa nhà cửa, tuyệt đối không để người dân bị thiếu ăn và không có nhà để ở vì bão số 9 gây ra; tập trung lực lượng ứng phó kịp thời và có hiệu quả với mưa lũ thường diễn biến phức tạp sau hoàn lưu bão...
Xem thêm tại Wikicabinet
Nhận xét
Đăng nhận xét