Đề xuất mục tiêu 50% trẻ em biết bơi đến năm 2025

 Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đề xuất đến năm 2025 có 50% trẻ em cả nước biết bơi, 90% cha mẹ có kỹ năng phòng tai nạn cho trẻ.

Ngày 29/10, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội công bố dự thảo chương trình phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em giai đoạn 2021-2030, dự kiến trình Chính phủ cuối năm nay.

Mục tiêu đến năm 2025 là 90% trẻ em trong cả nước biết kiến thức, kỹ năng phòng chống tai nạn, an toàn giao thông; 50% trẻ em biết bơi; 90% cha mẹ có kỹ năng phòng chống tai nạn. Toàn bộ tỉnh, thành có kế hoạch và tổ chức thí điểm dạy bơi cho học sinh. Đến năm 2030, các chỉ số này tăng thêm 5-10%.

Ngoài ra, tỷ suất trẻ bị tai nạn, thương tích giảm xuống 550/100.000; 7 triệu gia đình đạt tiêu chí ngôi nhà an toàn, 12.000 trường học an toàn.

Trẻ em ngoại thành Hà Nội tắm sông mùa hè. Ảnh: Giang Huy.

Trẻ em ngoại thành Hà Nội tắm sông mùa hè. Ảnh: Giang Huy.

Nhiều kế hoạch được đặt ra nhằm nâng cao kiến thức giao thông đường bộ cho học sinh, như: tập tuấn đào tạo kỹ năng lái xe an toàn; sơ cứu, cấp cứu tai nạn giao thông cho học sinh; tổ chức các hoạt động nhằm giảm thiểu nguy cơ tai nạn; xây dựng tài liệu và hướng dẫn trẻ em đi xe đạp đúng quy định.

Cùng với đó là chương trình dạy bơi cho trẻ em, kiện toàn đội ngũ hướng dẫn viên dạy bơi, nâng cao kiến thức phòng chống đuối nước cho cha mẹ.

Kinh phí tổ chức giai đoạn 2021-2025 dự kiến 600 tỷ đồng, 2026-2030 là 720 tỷ đồng.

Theo Thứ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà, 5 năm qua, tai nạn thương tích trẻ em đã giảm, song công tác phòng chống còn nhiều thách thức, kiến thức của cộng đồng và người chăm sóc trẻ còn hạn chế. Việc chuẩn bị cho chương trình tới là cơ hội tốt để rà soát công tác phòng chống, xác định nguyên nhân hàng đầu, học tập kinh nghiệm quốc tế.

Tại hội thảo góp ý cho chương trình, bà Đoàn Thị Thu Huyền, Giám đốc quốc gia Tổ chức Vận động chính sách y tế toàn cầu, khuyến nghị các cơ quan cần hoàn thiện chính sách và tăng cường giám sát, thực thi pháp luật về phòng chống tai nạn thương tích trẻ em. Cùng với đó là cải thiện hệ thống y tế sơ cấp cứu trước khi đến bệnh viện và điều trị sau chấn thương; đầu tư nguồn lực tài chính bền vững, trong đó phân bổ ngân sách từ trung ương đến địa phương và xây dựng cơ chế huy động nguồn lực từ doanh nghiệp, tư nhân.

Từ năm 2018, Tổ chức Vận động chính sách y tế toàn cầu đã hỗ trợ đào tạo hơn 13.300 trẻ học bơi, hơn 17.000 trẻ học kỹ năng an toàn trong môi trường nước. Tổ chức này cũng dự kiến dạy bơi cho 20.000 trẻ em trong 2 năm tới.

TS Kidong Park, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới ở Việt Nam, đánh giá tỷ lệ trẻ em Việt Nam tử vong do tai nạn thương tích giảm 30% trong 10 năm song vẫn còn cao, cần sự tham gia của nhiều ngành, giáo dục, văn hóa và sự cam kết của Chính phủ, sự đóng góp của địa phương để giảm tỷ lệ này. "Tai nạn giao thông, đuối nước, ngã, bỏng, các ca tử vong đều có thể phòng chống. Chúng tôi kêu gọi toàn thế giới chung tay bảo vệ trẻ em", ông Kidong Park nói.

Vnexpress

Xem thêm tại Wikicabinet

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

1.300 CBCS Công an tham gia diễn tập thực binh phòng, chống khủng bố

Câu nói nào nghe xong khiến bạn bật khóc?

Món bò Beefsteak sốt tiêu sọ và nấm