Vì sao nhiều lãnh đạo tỉnh Kiên Giang bị kiểm điểm?

 

(VTC News) - Hai nguyên Chủ tịch và 6 nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang (trong đó có ông Nguyễn Thanh Nghị - Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang) phải kiểm điểm rút kinh nghiệm.

Theo báo cáo mới đây của Thanh tra tỉnh Kiên Giang về việc xử lý những sai phạm đất đai giai đoạn 2011-2017 theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, hai nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang là các ông Phạm Vũ Hồng, Lê Văn Thi cùng 12 người nguyên là Phó Chủ tịch, thành viên UBND tỉnh giai đoạn 2011-2017 phải kiểm điểm rút kinh nghiệm.

Trong các nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang bị kiểm điểm rút kinh nghiệm có ông Nguyễn Thanh Nghị (hiện là Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang); ông Mai Văn Huỳnh, Bí thư, Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc; bà Lê Thị Minh Phụng và các ông Mai Anh Nhịn, Lâm Hoàng Sa, Lê Khắc Ghi đã nghỉ hưu.

Trước đó, Thanh tra Chính phủ có Thông báo Kết luận thanh tra việc chấp hành pháp luật trong công tác quy hoạch, quản lý và sử dụng đất đai, quản lý và khai thác tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2011 - 2017, qua đó đã xác định hàng loạt sai phạm trong công tác quản lý Nhà nước.

Vì sao nhiều lãnh đạo tỉnh Kiên Giang bị kiểm điểm?  - 1

Thanh tra Chính phủ phát hiện nhiều sai phạm trong công tác quản lý sử dụng đất đai ở Kiên Giang.

Thanh tra Chính phủ cho rằng, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang thời kỳ 2011-2017 chịu trách nhiệm trong công tác chỉ đạo, điều hành chung.

Thủ trưởng các sở, ngành và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố trực thuộc chịu trách nhiệm chính đối với vi phạm, thiếu sót trên.

Thanh tra Chính phủ yêu cầu Chủ tịch, Phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang có liên quan kiểm điểm trách nhiệm để xảy ra những thiếu sót, vi phạm. Đồng thời, tổ chức kiểm điểm và có hình thức xử lý nghiêm minh đối với tập thể, cá nhân có sai phạm.

Cụ thể, trong giai đoạn nói trên, Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang, Ban Quản lý rừng phòng hộ Phú Quốc và Vườn Quốc gia Phú Quốc đã buông lỏng quản lý, dẫn tới tình trạng các hộ dân lấn chiếm đất rừng diễn ra trong một thời gian dài nhưng chậm được ngăn chặn xử lý.

Thậm chí, có một số hộ dân được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chồng lấn với diện tích đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Vườn Quốc gia Phú Quốc.

Trong thời kỳ thanh tra, đặc biệt là giai đoạn từ năm 2016 đến tháng 6/2018, UBND huyện Phú Quốc và UBND các xã, thị trấn trực thuộc đã buông lỏng quản lý về đất đai, về trật tự xây dựng đô thị, dẫn tới nhiều tổ chức, cá nhân xây dựng hạ tầng trái phép trên đất nông nghiệp nhằm mục đích phân lô, tách thửa đất nông nghiệp với diện tích nhỏ để chuyển nhượng.

Kết luận thanh tra cũng chỉ rõ, việc buông lỏng quản lý về đất đai gây khó khăn trong việc thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án đầu tư theo quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Từ tháng 1/2016 đến tháng 6/2017, Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Kiên Giang cho phép tách 17.808 thửa đất nông nghiệp với diện tích nhỏ (dưới 500m2) trên địa bàn huyện Phú Quốc không vì mục đích sản xuất nông nghiệp. Dẫn tới tình trạng chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp trên địa bàn huyện đảo này diễn ra hết sức phức tạp, gây khó khăn trong công tác quản lý đất đai.

Cục Thuế tỉnh Kiên Giang giảm 50% tiền sử dụng đất đối với một số chủ đầu tư chưa đúng quy định. Cần phải thu hồi cho ngân sách số tiền hơn 255,8  tỷ đồng.

Cục Thuế tỉnh Kiên Giang không phạt chậm nộp với một số tổ chức có hành vi chậm nộp tiền sử dụng đất, thuê đất, tính tiền thuê đất chưa chính xác. Cần phải thu hồi cho ngân sách số tiền hơn 255,4 tỉ đồng.

https://vtc.vn/vi-sao-nhieu-lanh-dao-tinh-kien-giang-bi-kiem-diem-ar566034.html


Sự kiện tiêu biểu hàng ngày

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

1.300 CBCS Công an tham gia diễn tập thực binh phòng, chống khủng bố

Câu nói nào nghe xong khiến bạn bật khóc?

Món bò Beefsteak sốt tiêu sọ và nấm