Bí quyết mang thai vui vẻ dành cho các mẹ bỉm sữa
Bí quyết mang thai vui vẻ dành cho các mẹ bỉm sữa
Wikicabinet sống khỏe kính chào quý độc giả ở kỳ trước chúng tôi đã giới thiệu các chủ đề về:
Vài câu chuyện nhỏ về mang thai ngoài ý muốn
Kỳ này Wikicabinet sống khỏe xin giới thiệu đến độc giả một chủ đề thú vị về Bí quyết mang thai vui vẻ dành cho các mẹ bỉm sữa. Mời quý độc giả đón theo dõi chủ đề này cùng Wikicabinet sống khỏe nhé.
Chín tháng mang thai là thời gian mà bố mẹ và cả gia đình cùng cố gắng để khi sinh nở được mẹ tròn con vuông. Những kiến thức về chăm sóc thai nghén không chỉ dành riêng cho người mẹ mà còn rất quan trọng đối với người cha và cả những thành viên khác trong gia đình.
Có thể bạn là một trong nhiều người mẹ mang thai hoàn toàn dễ chịu và khoẻ mạnh. Nhưng nếu bạn gặp phải một vài hiện tượng khó chịu thì hãy tham khảo những cách xử lí sau.
Đối phó với những cơn buồn nôn
Buồn nôn là dấu hiệu nghén thường gặp khi mang thai và khiến bạn cảm thấy vô cùng khó chịu khi ngửi hoặc ăn một số loại thức ăn. Chỉ cần thay đổi cách chế biến cho dễ ăn hơn, tránh những thức ăn hoặc mùi gây cảm giác khó chịu, bạn sẽ vượt qua cửa ải này một cách nhanh chóng. Mẹ bầu luôn phải đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng giúp em bé phát triển khỏe mạnh trong thời kỳ đầu và mẹ có đủ sức để cùng em vượt cạn. Mẹ bầu đừng để mình đói, cũng đừng ăn quá no nhé, vì dạ dày khó chịu dễ buồn nôn; thay vào đó mẹ bầu chia nhỏ khẩu phần ăn và ăn thành nhiều bữa trong ngày. Nếu hay nôn vào buổi sáng, khi thức giấc mẹ bầu đừng vội trở dậy mà hãy nằm yên trên giường để cơn buồn nôn giảm xuống và ăn nhẹ một chút điểm tâm. Giai đoạn đầu của thai kỳ vô cùng nhạy cảm, mẹ bầu đừng quá lo lắng, nên nghỉ ngơi và làm việc điều độ.
Khó tiêu, đầy hơi, đau dạ dày, táo bón liên tục kéo đến
Chắc hẳn mẹ bầu vẫn lo lắng không biết làm thế nào khi khó tiêu, đầy hơi, đau dạ dày, táo bón liên tục kéo đến trong thời gian mang thai. Cách tốt nhất và hiệu quả rõ rệt chính là bổ sung thật nhiều chất xơ như rau, hoa quả, tuyệt đối không ăn đồ cay, đồ hộp, rượu, thức uống có ga; dù có nghèn những đồ đó cũng không được dùng, bởi vì chúng là những chất vô cùng độc hại đối với em bé và mẹ. Thời gian này, mẹ bầu chẳng ăn được nhiều, nên hãy chia thành nhiều bữa nhỏ để không quá no. Mẹ cứ ăn chậm, nhai kỹ, sau khi ăn đừng nằm xuống ngay mà hãy đi dạo để tiêu hóa bớt lượng thức ăn. Mẹ đừng quên luyện tập thể dục với cường độ nhẹ nhàng thôi nhé, hoặc tham gia những lớp yoga sẽ giúp tăng cường sức dẻo dai của cơ thể. Đừng cúi gập lưng sẽ tạo áp lực của trọng lượng cơ thể lên em bé. Khi ngủ, hãy lấy gối kê cao đầu và ngực giúp mẹ điều hòa hơi thở.
Làm thế nào để giảm bớt đau lưng khi mang thai
Khi mang thai, mẹ phải mang thêm em bé nên toàn bộ gánh nặng dồn hết lên cột sống, hiện tượng đau lưng là điều không thể tránh khỏi. Mẹ bầu cố gắng giữ lưng luôn thẳng khi đứng hoặc ngồi; giúp cột sống cân bằng và không bị lệch, vẹo. Nếu cảm thấy mỏi, mẹ hãy thường xuyên thay đổi tư thế sao cho thoải mái nhất hoặc mẹ có thể đến spa để massage vùng cột sống. Cần nâng hay nhấc vật gì nặng, hãy nhờ bố em bé giúp đỡ hoặc ngồi xuống rồi mới đứng lên, dùng khớp gối làm điểm tựa để nâng vật. Thay thế những đôi guốc hay dép cao gót bằng giày bệt, dép đế thấp để mẹ bầu có thể di chuyển thuận tiện hơn.
Bỗng nhiên cỡ giày, dép tăng lên vài số
Hẳn các mẹ bầu nhận thấy cỡ giày, dép tự nhiên tăng lên vài số khi mang thai; đừng lo lắng quá, đó là hiện tượng phù bàn chân và mắ cáthông thường mà thôi. Mẹ bầu chỉ cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng đầy đủ, uống nhiều nước để cơ thể thải độc tố nhanh hơn và hãy ăn nhạt thôi nhé. Nếu có hiện tượng phù ở tay và mặt, đó mới là dấu hiệu quan ngại, mẹ bầu đến trung tâm y tế hoặc bệnh viện để kiểm tra.
Giãn tĩnh mạch chân có nguy hiểm không?
Giãn tĩnh mạch chân thường không gây nguy hiểm đối với mẹ bầu. Dấu hiệu phổ biến nhất là “nổi gân xanh”, cũng có thể kèm đau nhẹ. Lúc này, mẹ cần nghỉ ngơi nhiều hơn, cần bổ sung thêm dinh dưỡng tốt hơn, tránh làm việc nặng nhọc. Nếu công việc đòi hỏi đứng lâu, mẹ tập đứng một chân và thả lỏng một chân, chân nghỉ đặt cao hơn, thỉnh thoảng đổi chân. Hãy mặc quần áo rộng rãi vì lúc này bụng mẹ đã to hơn nhiều rồi và tránh tạo áp lực lên em bé. Nhớ là mẹ phải chăm chỉ tập thể dục nhẹ nhàng mỗi ngày để tăng cường sức khỏe cho em bé và sự dẻo dai của mẹ nhé.
Giãn tĩnh mạch hậu môn (trĩ)
Giãn tính mạch hậu môn hay trĩ luôn là nỗi ám ảnh đối với mẹ bầu. Cứ phải ngồi quá lâu thì kiểu gì mẹ cũng không tránh khỏi trĩ nên mẹ nhất định phải nạp thật nhiều chất xơ từ rau, hoa quả, giảm ăn cay, vận động nhiều cho nhu động mạnh hơn, tránh táo bón. Lúc đại tiện, hãy kiên nhân một chút vì rặn mạnh sẽ khiến các cơ vùng hậu môn tổn thương nghiêm trọng. khi đại tiện. Tập yoga để đối phó với những cơn đau từ vùng hậu môn, đặc biệt tư thế chổng mông lên giúp giảm đau vô cùng hiệu quả. Khi nằm, mẹ bầu nằm nghiêng bên trái (để tử cung không đè vào các mạch máu lớn nuôi dưỡng em bé) hoặc nếu nằm ngửa mẹ kê thêm một chiếc gối có độ cao vừa phải dưới mông. Nếu các cơn đau do trĩ gây nên không thuyên giảm, mẹ hỏi ý kiến bác sĩ nên trị liệu như thế nào để đảm bảo an toàn.
Chóng mặt, hoa mắt
Cách giải quyết đơn giản nhất là mẹ bầu không nên ngồi dậy hay đứng lên đột ngột mà thay đổi tư thế từ từ để não khỏi thiếu máu. Chia nhỏ khẩu phần ăn để mẹ có đủ chất dinh dưỡng và năng lượng cần thiết. Những loại thực phẩm như thịt, cá, trứng, sữa, đậu, lạc, rau màu xanh sẫm là nguồn dinh dưỡng tuyệt vời cho mẹ và em bé, có thể uống thêm viên sắt, canxi theo chỉ định của bác sĩ. Nếu có lúc cảm thấy muốn xỉu, mẹ hãy nằm xuống trên đệm mềm, hoặc ngồi cúi đầu giữa hai đầu gối để máu lên não nhiều hơn. Nếu chóng mặt, hoa mắt kéo dài hoặc bị ngất, mẹ cần đi kiểm tra sức khỏe kịp thời.
Ngủ ngon giấc khi mang thai
Để có giấc ngủ chất lượng, mẹ bầu nên thường xuyên tập thể dục, tham gia hoạt động nhẹ nhàng vào ban ngày. Buổi tối là lúc thư giãn và nghỉ ngơi nên để cho tâm trạng mẹ luôn vui vẻ, tránh lo lắng. Thời gian này mẹ có thể bắt đầu thiết kế phòng ngủ xịn xò vừa giúp mẹ nghỉ ngơi thoải mái vừa chuẩn bị đón em bé chào đời. Tư thế ngủ cũng rất quan trọng, có thể ảnh hưởng tới nhịp tim, hơi thở của mẹ và bé. Nếu mẹ thích thích nằm nghiêng, thêm một chiếc gối ngủ đặt cạnh lưng, gối kê mông là vừa đủ. Nếu mệt mỏi mà không ngủ được, thiền trước khi đi ngủ và sau khi thức dậy giúp lưu thông khí huyết, giải tỏa tâm trí của mẹ.
Khó thở, thở gấp
Đôi khi mẹ bầu cảm thấy khó thở do áp lực về trọng lượng của em bé, vậy nên mẹ hãy đứng ngồi thẳng lưng; khi nằm, mẹ nên nằm nghiêng hoặc nếu nằm ngửa thì đặt gối nâng đầu và ngực lên cao để không khí lưu thông. Những bài tập điều hòa hơi thở sẽ là người bạn đồng hành cùng mẹ trong suố thời kì mang thai. Nếu khó thở kéo dài, mẹ bầu nên đi khám kịp thời.
Chuột rút đột ngột
Khi bị chuột rút, mẹ bầu duỗi thẳng chân rồi từ từ hướng ngón chân về phía trước, cơ sẽ giãn ra. Muốn tránh chuột rút, mẹ đừng đứng quá lâu; luôn thay đổi tư thế và đổi chân nghỉ.
Cơ quan sinh dục ướt át khó chịu
Mẹ bầu hãy cố gắng giữ vùng sinh dục khô ráo, nên mặc quần áo lót bằng vải bông, mặc quần rộng cho thoáng khí. Nếu âm đạo tiết dịch nhiều, hãy lót vải thấm hoặc băng vệ sinh mỏng và thay rửa hàng ngày. Sau khi đi vệ sinh, mẹ lau rửa từ phía trước ra phía sau, tránh chất bẩn từ hậu môn đưa lên âm đạo. Nếu dịch âm đạo hôi, có màu vàng, hồng, nâu, hoặc ngứa nhiều ở cửa mình, mẹ bầu nên đi khám để được điều trị ngay.
Em bé là món quà từ bố và mẹ nhưng mẹ lại là người cùng em bé sinh hoạt và phát triển trong chín tháng mười ngày. Đây là thời kỳ vô cùng nhạy cảm nên sẽ phải trải qua những dấu hiệu đặc trưng của thai kỳ, mẹ cứ bình tĩnh đón nhận và vượt qua để chào đón em bé ra đời.
Trong kỳ tiếp theo, Wikicabinet sống khỏe trân trọng mời độc giả đón đọc chủ đề Chuyện sinh nở của các mẹ bỉm sữa.
Nếu có những thắc mắc hay muốn tìm hiểu về bất kỳ chủ đề nào, hãy liên hệ với Wikicabinet sống khỏe bằng cách bình luận ở phía dưới nhé.
Nhận xét
Đăng nhận xét