Kinh doanh mì gói, dầu ăn thăng hoa nhờ COVID-19

 Từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất mì gói, dầu ăn luôn ghi nhận tăng trưởng ở mức 2 con số, bất chấp những ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19.

Đầu tháng 2, khi dịch bệnh COVID-19 bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam, trong các siêu thị, cửa hàng tạp hoá người ta đã chứng kiến một cảnh tượng trước đây chưa từng có: những kệ hàng bán mì gói đều trống rỗng.

Tại một siêu thị lớn trên đường Trần Duy Hưng, Hà Nội, dù nguồn hàng mới liên tiếp được bổ sung nhưng vẫn thể theo kịp sức mua "khủng" của thị trường. Trên các xe đẩy hàng, vị khách nào cũng phải cố gắng ních thêm 1-2 thùng mì gói. Không phân biệt thương hiệu, giá cả, miễn là mì gói thì đều được mua sạch.

Cuộc khủng hoảng mì gói lên đến đỉnh điểm khi một số siêu thị phải ra thông báo giới hạn số lượng thùng mì mà khách hàng được phép mua trong ngày.


Thời điểm đó, trao đổi với tờ Nhịp cầu đầu tư, đại diện siêu thị Lotte Mart cho biết doanh số các mặt hàng mì gói đã tăng 27% so với tháng liền trước đó. Trong khi một doanh nghiệp sản xuất mì gói là Acecook tiết lộ, công suất nhà máy tăng lên theo từng ngày và doanh thu tăng gần 30% so với cùng kì năm trước đó.


Không chỉ mì gói, các loại thực phẩm tiện lợi, đồ tươi sống, gia vị,… cũng là những mặt hàng hot trong mùa dịch được nhiều người tiêu dùng săn đón.


Masan Consumer tăng trưởng hai chữ số nhờ mì gói, nước tương

Báo cáo kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm của Tập đoàn Masan cho biết, Masan Consumer Holdings (Mã: MCH) - đơn vị sản xuất hàng tiêu dùng (thực phẩm và đồ uống) đã tăng trưởng hai chữ số trong 3 quí liên tiếp, tăng xấp xỉ 30% so với cùng thời điểm năm ngoái.

Masan Consumer được biết tới với các sản phẩm hàng tiêu dùng nổi tiếng như mì gói Omachi, Kokomi, nước chấm Nam Ngư, Chinsu, Tam Thái Tử,… cùng các thương hiệu đồ uống như Vinacafe, Phil Café, Wake-up, Wake-up 247.

Kinh doanh mì gói, dầu ăn thăng hoa nhờ COVID-19 - Ảnh 1.

9 tháng đầu năm nay, ngành hàng tiêu dùng đã mang về cho Masan Group gần 16.000 tỉ đồng, tăng 33% so với cùng kì và chiếm gần 30% tổng doanh thu toàn tập đoàn, chỉ sếp sau chuỗi bán lẻ VinCommerce.

Trong đó, danh mục các sản phẩm thực phẩm tiện lợi, chủ yếu là mì gói có tốc độ tăng trưởng ấn tượng, tăng 27,5% trong quí III và 41,3% trong 9 tháng đầu năm so với cùng kì năm trước. Đây cũng là quí thứ 3 liên tiếp ngành hàng này đạt mức tăng trưởng doanh thu trên 25%.

Theo Masan, hiện mảng kinh doanh này đang chiếm thị phần 25% ngành thực phẩm tiện lợi, so với chỉ 17% thị phần trong quí III/2019.

Danh mục nước mắm tăng trưởng 23,8% trong quí III/2020 so với cùng kì năm trước. Việc cao cấp hóa danh mục sản phẩm chính với các thương hiệu nước mắm phổ thông được tái tung là động lực tăng trưởng chính. Nước tương tăng 15,9% và tương ớt tăng 18,1%.

Sản phẩm hạt nêm cũng ghi nhận tốc độ gia tăng qui mô nhanh chóng, đạt 2,3 lần vào quí III so với cùng kì, và tăng 5,9% so với quí liền trước đó, đóng góp 7% vào doanh thu của toàn ngành gia vị.

Lí giải về mức tăng trưởng ấn tượng trong ngành hàng tiêu dùng 9 tháng đầu năm, báo cáo của Masan cho rằng, xu hướng xu hướng tiêu dùng đang thay đổi trước ảnh hưởng của COVID-19, thay vì ăn tại hàng quán, người tiêu dùng có xu hướng ăn tại nhà.

Masan nhận định, ngành thực phẩm tiện lợi tiếp tục là động lực tăng trưởng bền vững cho doanh nghiệp trong thời gian tới.

Trong khi đó, Nikkei Asia dẫn số liệu thống kê từ Hiệp hội mì ăn liền thế giới (WINA) cho thấy, Việt Nam hiện đang đứng thứ năm trên thế giới về tiêu thụ mì ăn liền, sau Trung Quốc, Indonesia, Nhật Bản và Ấn Độ.

Hiện tại, có khoảng 50 doanh nghiệp sản xuất mì ăn liền tại Việt Nam. 70% thị phần thuộc về Vina Acecook, Masan và Asia Food, ba nhà sản xuất mì ăn liền lớn nhất.

Dầu ăn giúp doanh nghiệp đi qua cửa khó

Tương tự mì gói, nước tương đem về doanh thu "khủng" cho cả doanh nghiệp sản xuất lẫn nhà phân phối, trong 9 tháng đầu năm nay, các doanh nghiệp sản xuất dầu ăn vẫn "ăn nên làm ra" nhờ sản phẩm chủ lực.

Hiểu được nhu cầu cải thiện sức khoẻ của người dân, đặc biệt trong mùa dịch, CTCP Dầu thực vật Tường An (Mã: TAC) đã tung ra hàng loạt sản phẩm chuyên biệt dành cho sức khoẻ như dầu hướng dương, dầu đậu phộng, dầu hạt cải,… được quảng cáo là chứa vitamin A giúp "tăng cường miễn dịch".


Theo Tường An, nhờ tập trung phát triển các sản phẩm như vậy, cả doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp đều tăng mạnh trong 9 tháng đầu năm, hoàn thành 95% kế hoạch đề ra trong năm 2020.

Hết quí III/2020, Tường An đạt doanh thu thuần hơn 1.404 tỉ đồng, tăng hơn 38% so với cùng kì. Khấu trừ giá vốn, công ty thu về 220 tỉ lợi nhuận gộp, cùng kỳ đạt 160,6 tỉ đồng.

Trong kỳ, chi phí quản lí được tiết giảm mạnh, từ 22 tỉ về còn 8 tỉ đồng. Kết quả, công ty báo lãi sau thuế hơn 79 tỉ đồng, tăng cao hơn 2 lần con số quí III/2019.

Luỹ kế 9 tháng đầu năm, Tường An ghi nhận doanh thu 3.658 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế 147 tỉ đồng, lần lượt tăng 32% và 81% so với cùng kì. So với kế hoạch 4.558 tỉ doanh thu và 193 tỉ lợi nhuận sau thuế, 9 tháng doanh nghiệp đã thực hiện được hơn 80% chỉ tiêu doanh thu và hơn 95% chỉ tiêu lợi nhuận.

Kinh doanh mì gói, dầu ăn thăng hoa nhờ COVID-19 - Ảnh 4.

Một "ông trùm" trong lĩnh vực sản xuất dầu thực vật là Tổng công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam (Vocarimex - Mã: VOC) cũng chứng kiến mức doanh thu và lợi nhuận tăng đột biến, trong đó doanh thu đạt 650 tỉ đồng trong quí III/2020, tương đương mức tăng 25,6% so với cùng kì năm trước. Biên lợi nhuận đạt 8,16%.

Khấu trừ các chi phí, cuối kì lợi nhuận sau thuế của Vocarimex đạt 53 tỉ đồng, tăng gần 43% so với cùng thời điểm năm 2019.

Luỹ kế 9 tháng đầu năm, doanh nghiệp sản xuất dầu ăn này đạt 2.022 tỉ đồng doanh thu thuần và 164 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế, tương ứng với mức tăng 10% và 20% so với cùng kì năm trước.

Kết quả kinh doanh khả quan, năm 2020, Vocarimex mạnh dạn đặt tham vọng đạt 2.910 tỉ đồng doanh thu thuần, tăng trưởng 13,86% so với doanh thu thực hiện năm 2019. Kế hoạch lợi nhuận trước thuế đi ngang với 243 tỉ đồng. 

Như vậy, sau 9 tháng, doanh nghiệp đã thực hiện được 70% kế hoạch doanh thu cả năm và 67% kế hoạch lợi nhuận năm.

Tính đến ngày 30/9/2020, tổng tài sản của Vocarimex 2.521 tỉ đồng, giảm nhẹ 103 tỉ đồng so với đầu năm. Trong đó, tiền mặt và đầu tư tài chính ngắn hạn là 458 tỉ đồng, chiếm 18%; khoản phải thu dài hạn là 1.634 tỉ đồng, chiếm gần 65% tổng tài sản doanh nghiệp.

Cuối kì, nợ phải trả của doanh nghiệp 376 tỉ đồng, giảm 115 tỉ đồng so với đầu năm 2020. Trong đó, các khoản đi vay, chủ yếu là vay ngân hàng là 324 tỉ đồng, chiếm 86% cơ cấu nợ doanh nghiệp.

Cổ đông lớn nắm giữ trên 5% vốn cổ phần của Vocarimex gồm CTCP Tập đoàn KIDO (nắm giữ 51%), SCIC (36,3%).

Hiện Vocarimex nắm cổ phần chi phối (51,05%) tại CTCP Bao bì Dầu thực vật VPK, sở hữu 24% vốn điều lệ của Dầu thực vật Cái Lân, 26,54% vốn điều lệ tại Dầu thực vật Tường An (TAC), 40% tại Công ty Dầu ăn Golden Hope Nhà Bè và 40% tại Công ty TNHH Mỹ phẩm LG Vina.

Đây đều là doanh nghiệp quan trọng trong ngành dầu ăn và thực phẩm.

Kinh doanh mì gói, dầu ăn thăng hoa nhờ COVID-19 - Ảnh 5.


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Tại sao máy bay trực thăng có thể bay cao tới 6000 mét?

Thưởng thức mochi trà xanh ngon ngất ngây tại nhà

Panna Cotta thạch đào ngọt lịm cho mùa hè này