Masan tung 1.000 tỷ trái phiếu ra công chúng đợt 2
Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan (HoSE: MSN) cho biết thực hiện đợt chào bán trái phiếu ra công chúng đợt 2.
Trái phiếu có mệnh giá 100.000 đồng. Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không được đảm bảo và xác lập nghĩa vụ trả nợ trực tiếp với tổ chức phát hành.
Trái phiếu có thể tự thanh toán ít nhất ngang bằng với tất cả các nghĩa vụ chung khác không được đảm bảo, dù là nghĩa vụ hiện tại hay trong tương lai của tổ chức phát hành.
Tổng giá trị phát hành trong đợt phát hành lần 2 này là 1.000 tỷ đồng, chia làm 2 loại trái phiếu, mỗi loại có tổng giá trị 500 tỷ đồng.
Trước đó trong lần phát hành 1, Masan đã phát hành 4 loại trái phiếu, tổng giá trị lên tới 1.600 tỷ đồng.
Công ty còn có kế hoạch sẽ phát hành lần thứ 3 với quý mô lên tới 1.400 tỷ đồng, chia làm 3 loại trái phiếu.
Như vậy, tổng giá trị trái phiếu của Masan sau 3 lần phát hành lên tới 4.000 tỷ đồng.
Về hành lang pháp lý đối với trái phiếu doanh nghiệp hiện nay, Nghị định số 63/2018/NĐ-CP về phát hành trái phiếu doanh nghiệp ban hành cuối năm 2018 đã thuận lợi cho doanh nghiệp huy động vốn từ trái phiếu trong giai đoạn từ 2019 đến nay.
Theo Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), trong năm 2019, tổng số trái phiếu doanh nghiệp phát hành là 280.141 tỷ đồng, tăng 25% so với năm 2018. Lượng phát hành lớn trong năm cũng khiến quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng từ 9% GDP (2018) lên khoảng 11,3% GDP (2019), tổng lượng trái phiếu lưu hành đạt gần 670.000 tỷ đồng.
Tháng 7/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định 81/2020/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 163, theo đó, nền tảng pháp lý cho trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục được củng cố, tạo thuận lợi hơn cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Nghị định 81 có hiệu lực từ 1/9/2020.
Nghị định 81 đã có những nội dung mới, bao phủ những “khoảng trống” mà Nghị định 163 trước đó chưa bao quát hết. Theo Nghị định 81, đối với trái phiếu không chuyển đổi hoặc trái phiếu không kèm theo chứng quyền, doanh nghiệp phát hành phải có thời gian hoạt động tối thiểu từ 1 năm kể từ ngày được cấp lần đầu Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng phải có báo cáo tài chính năm trước liền kề của năm phát hành được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán đủ điều kiện; cùng một số điều kiện như thanh toán đầy đủ cả gốc và lãi của trái phiếu đã phát hành trong 3 năm liên tiếp trước đó, đáp ứng các tỷ lệ an toàn tài chính…
Đối với phát hành trái phiếu chuyển đổi hoặc trái phiếu kèm chứng quyền, doanh nghiệp phát hành phải là công ty cổ phần; đáp ứng quy định về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài, các đợt phát hành trái phiếu chuyển đổi phải cách nhau ít nhất sáu tháng. Trái phiếu chuyển đổi, chứng quyền phát hành kèm theo trái phiếu không được chuyển nhượng trong tối thiểu 1 năm kể từ ngày hoàn thành đợt phát hành…
Nhận xét
Đăng nhận xét