Mát xa hoa dừa, người phụ nữ Trà Vinh thu nửa tỷ mỗi tháng

 Từ cuộc gọi “cầu cứu” của cha, chị Chal Thi từ Sài Gòn về Trà Vinh bắt tay tìm ra loại mật để “giải cứu” những mùa dừa rớt giá.

Sáng sớm, ông Thạch Sa Rây (huyện Tiểu Cần, Trà Vinh) đeo chiếc bình, dao bên hông, bắt đầu leo lên cây dừa. Người đàn ông 53 tuổi dùng tay xoa lên hoa dừa. Lực mát xa phải vừa đủ để làm mềm dé hoa cho mật chảy ra. Nhưng nếu làm quá mạnh, dé hoa bị dập, hỏng cũng không thể thu mật. Khi hoa dừa nóng lên, ông bắt đầu gõ lên thân hoa.

Công đoạn này gọi là “mát-xa” cho hoa dừa. Sau hơn 2 phút, ông dùng dao cắt đầu hoa dừa đồng thời lấy chiếc bình rỗng ghé vào. Một dòng nước chảy từ hoa dừa vào chiếc bình. Đó là công đoạn của việc lấy mật hoa dừa tươi.

Công việc đều đặn diễn ra 2 lần/ngày vào sáng sớm và chiều muộn - thời điểm trời dịu mát bởi nếu thời tiết nóng, mật hoa dừa sẽ bị lên men.


Mỗi bông dừa cho 25 lít mật hoa dừa tươi trong 25 ngày. Mỗi năm việc thu mật hoa dừa tươi từ một cây sẽ cho người dân từ 2-2,5 triệu đồng. Trong khi đó, nếu trồng dừa lấy trái, dù được giá, người dân chỉ có thể thu lại 250 nghìn/cây.

Tuy nhiên tìm ra cách lấy mật hoa dừa tươi lại là một câu chuyện dài…

Nữ thạc sĩ bỏ phố về quê

Cuối năm 2017, một cuộc điện thoại của người cha ở Trà Vinh đã làm chị Thạch Thị Chal Thi (SN 1989, người Khmer) - Th.S công nghệ thực phẩm tại ĐH Bách Khoa TP HCM, vô cùng buồn bã.

Cha của chị Chal Thi có 2ha với 700 gốc dừa nhưng năm nay dừa rớt giá, thương lái không muốn mua. Dừa rụng lộp bộp xuống gốc không ai buồn thu hoạch.

Là người con sinh ra ở vựa dừa lớn thứ 2 cả nước, chị Chal Thi có tình yêu đặc biệt với loài cây này. Việc người dân thất thu sau khi đổ bao công sức cho vườn dừa đã khiến chị suy nghĩ nhiều. Từ Sài Gòn về quê, chị bắt tay tìm cách nâng cao giá trị cây dừa.

“Nếu tôi làm sản phẩm từ trái dừa, giá trị cây dừa sẽ không tăng được và cũng không cạnh tranh nổi với các tập đoàn lớn. Tôi nghĩ mình phải nghiên cứu ra một sản phẩm mới và khác biệt”.

Ngồi trước máy tính, chị gõ Coconut sugar (đường hoa dừa), những hình ảnh quảng cáo các sản phẩm về đường và mật từ hoa dừa của một công ty ở Philippines đã làm chị chú ý. “Làm gì có mật hoa dừa?”, đó là suy nghĩ đầu tiên của chị Chal Thi. Nhưng nó lại thôi thúc chị bắt đầu tìm hiểu về cụm từ “mật hoa dừa”.

Từ đó, chị Chal Thi mới biết, mật hoa dừa đã được sản xuất từ lâu ở các nước như Thái Lan, Philippines… Mật hoa dừa có vị ngọt thanh, thơm mùi hoa dừa, rất thích hợp cho những người ăn kiêng, người bị tiểu đường. Không những vậy, mật này còn giàu chất khoáng, dinh dưỡng.

“Mật hoa dừa giàu khoáng chất gấp 10 lần so với nước dừa, chứa sắt, chất xơ, protein… Nó là đường từ hoa không qua tinh luyện và hoàn toàn nguyên chất”, chị nói.

Chị Chal Thi xem các video trên mạng để tìm cách lấy mật hoa dừa tươi. Dù cắt hoa dừa như trong video nhưng chị không hề thu được giọt mật nào.

Trong suốt 6 tháng trời mày mò, số mật cô gái Trà Vinh thu được vẫn là con số 0. “Không chỉ vậy, ý tưởng của tôi gặp rất nhiều lời dị nghị vì ai trồng dừa lại đi cắt hoa lấy nước? Nhiều người nói tôi học nhiều quá nên khùng”, chị kể.

Mệt mỏi và buồn nhưng người phụ nữ này không bỏ cuộc. Sau này, chị Chal Thi phát hiện ra, muốn thu được mật phải “mát xa” cho hoa dừa.

“Nhờ bí quyết này, tôi thu được nửa lít mật đầu tiên sau nửa năm trắng tay. Tôi bật khóc vì quá vui mừng, cả đêm không ngủ nổi”, chị nhớ lại.

Sản phẩm từ vựa dừa quê vươn ra quốc tế

Thu được mật hoa dừa tươi, chị Chal Thi lại bắt tay vào nghiên cứu các công đoạn chế biến thành phẩm, bảo quản.

Làm việc liên tục từ 8h sáng đến 12h đêm, hàng trăm mẻ thất bại phải đổ đi, cuối cùng mật hoa dừa cô đặc nguyên chất 100%, không chất bảo quản cũng được ra lò. Ngoài ra, chị còn có sản phẩm đường hoa dừa, mứt, siro từ mật hoa dừa…

Chị đăng ký thương hiệu và cùng chồng mở xưởng sản xuất. Hiện, công ty của chị có 18 người làm việc, trong đó có ông Thạch Sa Rây. Ông chia sẻ: “Tôi hạnh phúc với việc lấy mật dừa bởi đây công việc không quá nặng nhọc, không phải lo nắng mưa khi làm việc dưới tán lá dừa”.

Họ có 4 ha đất trồng dừa nguyên liệu. Các cây dừa lấy mật có độ tuổi từ 5 đến 15 năm bởi tuổi này dừa vừa độ cao để công nhân có thể leo lên thu hoạch mật.

Chị Chal Thi cũng đang trồng thử nghiệm giống dừa chuyên thu mật, nếu đạt năng suất tốt nó sẽ được nhân rộng.

Tháng 9/2019, vợ chồng chị Chal Thi bán những chai mật hoa dừa đầu tiên ra thị trường sau 1 năm 9 tháng tìm tòi, nghiên cứu, hoàn thiện sản phẩm.

Đến nay, mỗi tháng gia đình chị nhập vào 12 tấn mật tươi, cho ra 1,5 tấn mật thành phẩm. Doanh thu mỗi tháng 500 triệu.

Chị Chal Thi chia sẻ, cây dừa có khả năng chống hạn mặn miền Tây và sức sống mãnh liệt. Ngành thu mật dừa cũng tạo kế sinh nhai bền vững cho người dân, giúp họ cải thiện cuộc sống. Bên cạnh đó, mật hoa dừa tươi là sản phẩm sạch, có thể thay thế cho đường tinh luyện.

“Điều khó khăn nhất với chúng tôi là mở rộng thị trường. Bởi nhiều người chưa biết đến loại mật dừa này. Tuy nhiên hiện sản phẩm này đã có mặt tại Hà Nội, Sài Gòn… và được bán trên trang thương mại điện tử quốc tế của Mỹ”, chị nói thêm.

Chị Thạch Thị Chal Thi được Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Trà Vinh tặng bằng khen đạt giải nhất Hội thi phát triển ý tưởng khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp vào năm 2018.

Tháng 11/2020, dự án "Mát xa hoa dừa lấy mật" của chị và chồng là anh Phạm Đình Ngãi, giảng viên một trường CĐ tại TPHCM, cũng giành giải nhất Chung kết cuộc thi Dự án Khởi nghiệp sáng tạo Thanh niên nông thôn 2020 do T.Ư Đoàn tổ chức.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

1.300 CBCS Công an tham gia diễn tập thực binh phòng, chống khủng bố

Câu nói nào nghe xong khiến bạn bật khóc?

Món bò Beefsteak sốt tiêu sọ và nấm