Du lịch Việt Nam thiệt hại 23 tỷ USD trong năm 2020

 Năm 2020, du lịch Việt Nam thất thu 23 tỷ USD khi khách quốc tế giảm hơn 80%, trong nước giảm 50%, theo Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện.

Chiều 9/11, tại phiên chất vấn của Quốc hội, đại biểu Trần Văn Mão đặt câu hỏi về các giải pháp để thực hiện chiến lược phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện cho hay, mục tiêu trên dự kiến cơ bản đạt được vào năm 2020. Theo đó, Việt Nam sẽ đón từ 17 đến 20 triệu lượt khách quốc tế; 82 triệu lượt khách nội địa; đóng góp hơn 10% GDP; doanh thu 35 tỷ USD.

Năm 2019, Việt Nam đón 18 triệu lượt khách quốc tế, 85 triệu lượt khách nội địa, tăng 1,3 lần so với năm 2016; tổng thu đạt 35 tỷ USD; đóng góp 9,2% GDP. "So với các mục tiêu mà nghị quyết của Bộ Chính trị đề ra thì du lịch cơ bản đạt được, trừ mục tiêu đóng góp GDP", ông Thiện nói.

Theo ông, đến cuối năm ngoái, Việt Nam có hơn 30.000 cơ sở lưu trú, năng lực cạnh tranh du lịch tăng 12 bậc so với năm 2015, đoạt nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế. Việt Nam vươn lên đứng thứ 4 ở khu vực Đông Nam Á về du lịch, lọt top 10 nước phát triển du lịch nhanh nhất châu Á và thế giới.

Tuy nhiên, ông Thiện cho biết, năm 2020, du lịch Việt Nam dự kiến thất thu 23 tỷ USD khi khách quốc tế giảm hơn 80%, trong nước giảm 50%. "Đây là năm vô cùng khó khăn với du lịch thế giới và Việt Nam", ông nói.

Về giải pháp phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, ông Thiện nhấn mạnh cần tập trung phát triển nguồn nhân lực, hạ tầng hàng không; tăng cường quảng bá, xúc tiến; đổi mới chính sách visa; tái cơ cấu ngành du lịch; tăng cường quản lý điểm đến...

Bộ trưởng Văn hóa Thể thao Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện. Ảnh: Hoàng Phong

Bộ trưởng Văn hóa Thể thao Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện. Ảnh: Hoàng Phong

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé nêu chất vấn về việc, cử tri phản ánh họ chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế (BHYT), nhưng vẫn phải ra hiệu thuốc mua theo đơn của bác sĩ điều trị.

Trả lời, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói có hai nguyên nhân chính. Đầu tiên, nhiều ý kiến trong đó có các bác sĩ cho rằng chính sách thanh toán của BHYT không phù hợp. Hiện nay, mệnh giá đóng BHYT trung bình một người đã tăng lên, nhưng mới đạt 1,1 triệu đồng/người/năm, so với các nước trong khu vực như Philippines thì Việt Nam chỉ bằng 1/3, so với Thái Lan bằng 1/4.

Trong khi đó, giá thuốc theo mặt bằng quốc tế vì 90% nguyên liệu nhập từ nước ngoài. Việt Nam đã cố gắng giảm giá thuốc rẻ hơn các nước trong ASEAN, nhưng chỉ rẻ hơn 10-15%, vì vậy, BHYT không thể thanh toán tất cả các loại thuốc, thường chỉ thanh toán những loại thuốc thông thường, còn những loại thuốc đắt tiền thì phải bỏ tiền túi. Hàng năm người Việt chi phí khoảng 120.000 tỷ đồng tiền thuốc, thì BHYT thanh toán khoảng 36-37%.

Để khắc phục vấn đề trên, theo Phó thủ tướng, Việt Nam phải duy trì, tăng tỷ lệ bao phủ BHYT (hiện là 90,7%) và phải tăng mệnh giá. Muốn vậy, thu nhập người dân phải tăng lên, phần ngân sách nhà nước hỗ trợ cũng phải có nguồn thu nhiều hơn. "Đây là một quá trình dài hơi, liên tục", ông nói.

Nguyên nhân thứ hai, rất nhiều bệnh nhân phản ánh và đánh giá rằng do có tiêu cực, sự móc nối giữa bác sĩ điều trị và các trình dược viên, các công ty thuốc, nhà thuốc, kê đơn ra để ăn "hoa hồng".

Phó thủ tướng nói, trong nhiều năm ngành y tế đã chỉ đạo rất quyết liệt để giải quyết vấn đề nêu tên, "hiện tượng đó là có nhưng không phải là tất cả". Để khắc phục, theo ông, "chỉ có một cách là công khai bằng công nghệ thông tin".

"Chúng ta có hơn 20.000 loại thuốc và dịch vụ, hành triệu lượt khám, chữa bệnh một năm thì không thể nào kiểm soát được nếu không tin học hóa. Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Y tế, những năm vừa rồi làm rất tốt", ông Đam nói.

Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ kết nối toàn bộ hệ thống quản lý của các cơ sở y tế, nhà thuốc, làm hóa đơn điện tử, bệnh án điện tử thì mới "kiểm soát tốt"; đồng thời, đẩy mạnh liên thông xét nghiệm để giảm lãng phí.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội

Về thực trạng đạo đức xã hội và ứng xử xuống cấp, biểu hiện ở một số giá trị văn hóa truyền thống mai một, như các đại biểu nêu trong chất vấn, Phó thủ tướng thừa nhận là đúng, nhưng mong mọi người đánh giá theo hai mặt. Bởi, đạo đức xã hội của Việt Nam được tổng hợp lên từ nhân dân.

Đơn cử như lòng yêu nước và tinh thần dân tộc, lãnh đạo Chính phủ cho rằng tinh thần này của người Việt Nam không kém nước khác. "Chúng ta không nói mình hơn thiên hạ, nhưng cũng không kém. Như thành công của đội tuyển U23 Việt Nam, cả dân tộc nao nức, đó là tinh thần yêu nước", Phó thủ tướng nói. Hoặc như tinh thần yêu thương đồng loại, thương người. "Có đất nước nào mà lũ lụt, dịch bệnh như vừa rồi, người dân thương nhau, giúp đỡ nhau đến như vậy", Phó thủ tướng đặt vấn đề.

"Chúng ta thấy hiện tượng xuống cấp là đáng báo động, nhưng không vì thế mà nhìn nhận đạo đức xã hội, con người Việt Nam không công bằng. Chúng ta nhìn thẳng khiếm khuyết mà khắc phục", Phó thủ tướng nói và cho rằng, nếu gần đây để ý, việc khắc phục đã được thực hiện rất tốt.

Về nguyên nhân, khách quan là mặt trái kinh tế của kinh tế trường, thông tin mạng; còn chủ quan là yếu kém về văn hóa, giáo dục... "Điều này không sai, nhưng vẫn còn những nguyên nhân sâu xa khác", Phó thủ tướng nói.

Về giải pháp, lãnh đạo Chính phủ cho rằng muốn góp phần cho điều tốt tăng lên và cái xấu giảm đi, quan trọng là toàn dân hiểu cái gì là tốt, cái gì là xấu. Thứ hai là tuyên truyền, vận động để mọi người tự điều chỉnh hành vi. Thứ ba, văn hóa đạo đức trong mọi thời kỳ đều cần sự nêu gương. Thứ tư, chú ý đến các ngành nghệ thuật, các hoạt động tín ngưỡng.

"Mong rằng, chúng ta dù còn nhiều khiếm khuyết nhưng nếu cố gắng, dân tộc Việt Nam sẽ tiếp tục tự hào truyền thống dân tộc văn hiến, xứng đáng với truyền thống của cha ông", Phó thủ tướng nói.

Ngày mai 10/11, Quốc hội tiếp tục chất vấn các thành viên Chính phủ.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Những món ăn đường phố Thượng Hải gây nhức nhối

Tại sao máy bay trực thăng có thể bay cao tới 6000 mét?

Bún bò xào đậm chất Nam Bộ