Ba ngư dân tàu chìm 'ăn xốp, uống nước biển' để sống

 KHÁNH HÒAHơn hai ngày ôm bè gỗ lênh đênh trên biển khi tàu bị chìm, ba ngư dân Bình Định phải "ăn xốp, uống nước biển", cố gắng sinh tồn chờ tàu tới cứu.

Sáng 3/11, ba ngư dân gặp nạn gồm: Lê Minh Don, 20 tuổi, Huỳnh Xuân Phi, 35 tuổi và Võ Văn Hoài, 35 tuổi, được tàu của Chi đội kiểm ngư số 4 đưa về TP Cam Ranh, Khánh Hòa. Đây là ba người trên tàu cá Bình Định bị chìm hôm 27/10 khi vào bờ tránh bão Molave (bão số 9), được tàu Hong Kong cứu vào khuya 29/10.

Thuyền viên Ho

Thuyền viên Huỳnh Xuân Phi kể lại tình huống gặp nạn và trôi dạt trên biển, ngày 3/11. Ảnh: An Phước.

Sau khi trải qua biến cố lớn và hành trình đi biển dài ngày, sức khỏe cả ba thuyền viên còn khá mệt mỏi. Trên cơ thể ba người có nhiều vết lở loét, bong tróc da do ngâm nước mặn nhiều giờ. Dù vậy khi tàu vừa cập bờ ước mong của họ sớm được trở về Bình Định gặp người thân đang ngày đêm trông ngóng cũng như việc tìm kiếm 11 người trên con tàu bị nạn đạt kết quả tốt.

Trước đó, chiếc tàu cá chở 14 người bị chìm, do ông Võ Ngọc Đô, ở thị xã Hoài Nhơn, làm chủ kiêm thuyền trưởng, xuất bến cảng Tam Quan, Bình Định, hôm 5/10, hải trình dự kiến khoảng một tháng.

Tuy vậy, khi tàu đang đánh bắt ở ngư trường gần khu vực quần đảo Trường Sa (Khánh Hòa) nghe có tin bão. Chiều 27/10, tàu chạy vào hướng Nha Trang để tránh trú, mang theo 12-13 tấn cá ngừ đại dương đánh bắt được, nhưng khi cách Hòn Tre (Khánh Hòa) khoảng 310 km gặp thời tiết xấu không thể đi tiếp. Qua bộ đàm, thuyền trưởng Đô cầu cứu tàu bạn, đồng thời thả giàn dù (một loại dù bung ngầm dưới nước buộc mũi tàu) giữ cho tàu ổn định.

Lúc này, cơn bão Molave bắt đầu ập tới, sóng biển vỗ mạnh, sóng biển dâng cao 7-8 m khiến nước tràn vào tàu. Các thuyền viên cố tát nước ra, số khác lấy can nhựa chứa nước ngọt, kèm thức ăn đề phòng trường hợp xấu nhất. Nhưng mọi nỗ lực đều bất thành, sau 30 phút,tàu bị sóng đánh vỡ, chìm xuống biển cùng 14 thuyền viên.

Sự cố diễn ra quá nhanh không ai kịp trở tay. Thuyền viên Huỳnh Xuân Phi chỉ kịp vận được chiếc áo phao từ trước, cùng 7 người ôm tấm ván gỗ dài chừng 5 m, rộng khoảng 60 cm, bơi chung một hướng. Sáu người còn lại, người bám nắp hầm và phao, người đuối sức đều bị sóng đánh dạt ra xa, mất tích.

Trôi dạt trên biển, nhóm Phi thấy bình gas (loại 20 lít), thân tre và phao nên kết vào bè gỗ nổi trên mặt nước. Tám người cố gắng bám víu bè gỗ, phó mặc cho sóng gió đưa đẩy, trôi dạt giữa biển, nhưng rồi 5 người kiệt sức lần lượt buông tay. Giữa biển mênh mông, chỉ còn ba anh Phi, Don và Hoài còn sức nên ráng bám trụ.

Hơn hai ngày vật lộn với sóng dữ, cả ba người dần suy kiệt vì thiếu nước uống, thức ăn, nhưng vẫn động viên nhau chờ được cứu. "Những lúc như thế, chúng tôi chỉ ăn xốp, uống nước biển để cầm hơi", anh Phi kể.

Ngồi cạnh đó, thuyền viên Võ Văn Hoài (em trai thuyền trưởng Võ Ngọc Đô) cho biết tình cảnh đó buộc họ phải làm như vậy bởi chỉ còn cách này mới duy trì sự sinh tồn, chờ tàu đến cứu. Hơn 10 năm đi biển, đây là lần đầu tiên anh Hoài gặp phải biến cố lớn như vậy. Giữa biển đêm lạnh lẽo, cả ba người trôi dạt không có phương hướng.

Các thuyền viên được kiểm tra sức khỏe, trước khi trở về Bình Định, sáng 3/11. Ảnh: An Phước.

Các thuyền viên được kiểm tra sức khỏe, trước khi trở về Bình Định, sáng 3/11. Ảnh: An Phước.

Anh Lê Minh Don kể trong hai ngày trôi đạt trên biển, có những lúc ba người trông thấy một số tàu hàng chạy qua nhưng sóng to, gió lớn nên tiếng kêu cứu của họ lọt thỏm giữa sóng biển gầm gào. Đến tối 28/10, họ nhìn thấy một chiếc tàu lớn chạy ngang qua nên cố hết sức la hét nhưng người trên tàu không nghe thấy.

Đến chiều 29/10, điều kỳ diệu đã đến, ba thuyền viên phát hiện tàu nước ngoài đi qua liền vẫy tay, dùng áo phao ra hiệu. Tàu nước ngoài đã tiếp cận, đưa ba người lên sưởi ấm, chăm sóc, xử lý các vết thương do sóng biển, cho ăn uống. Sau đó họ được chuyển sang tàu Kiểm ngư.

"Sau khi được cứu, chúng tôi cùng tàu Kiểm ngư quay lại khu vực tàu cá bị chìm để tìm kiếm nhưng không thấy", anh Lê Minh Don nói và hy vọng các đồng nghiệp cũng may mắn như mình.

Ngoài tàu cá gặp nạn nói trên, cơn bão Molave cũng khiến một tàu cá Bình Định chở 12 người bị chìm chiều 27/10. Chiếc tàu đánh cặp với tàu này khi nghe cầu cứu đã quay lại tìm kiếm đã gặp sự cố hỏng máy, trôi dạt hơn một ngày, được tàu Kiềm ngư ra ứng cứu, lai dắt vào bờ sáng 31/10. Đến nay, 23 ngư dân đang mất tích.

Theo Sở chỉ huy tiền phương tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn tại Vùng 4 Hải quân (Khánh Hòa), ảnh hưởng bão Goni (bão số 10) khiến thời tiết xấu, sóng to, gió lớn và tầm nhìn hạn chế nên việc tìm kiếm 23 ngư dân trên hai tàu cá đang tạm ngừng sau 6 ngày triển khai.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Những món ăn đường phố Thượng Hải gây nhức nhối

Tại sao máy bay trực thăng có thể bay cao tới 6000 mét?

Bún bò xào đậm chất Nam Bộ