Vẫn phải luôn cảnh giác

 Sau hơn một tháng tập trung cao độ, với sự tham gia của nhiều lực lượng, đợt dịch Covid-19 thứ ba tại 13 tỉnh, thành phố cơ bản được kiểm soát. Tuy nhiên, tình hình thực tế cho thấy, các địa phương vẫn luôn phải cảnh giác, chuẩn bị các phương án, sẵn sàng ứng phó tình huống khi có ca bệnh Covid-19 mới xuất hiện. Có như vậy, chúng ta mới đạt được mục tiêu kép, vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế.



Tín hiệu tích cực…

Theo báo cáo của Bộ Y tế, tình hình dịch bệnh trên cả nước cơ bản được kiểm soát tốt. Đến nay tại 10 tỉnh, thành phố đã qua gần 20 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới trong cộng đồng (Hòa Bình, Điện Biên, Hà Giang, Bình Dương, Hưng Yên, Bắc Giang, Gia Lai, Bắc Ninh, Quảng Ninh, thành phố Hồ Chí Minh). Hà Nội cũng có 16 ngày không có ca bệnh mắc mới tại cộng đồng; Hải Phòng là gần 10 ngày không có ca bệnh mắc mới tại cộng đồng.

Trong đợt dịch Covid-19 thứ ba này, tỉnh Hải Dương là tâm dịch với 689 ca trong tổng số 873 ca mắc Covid-19 ở 13 tỉnh, thành phố. Đây cũng là địa phương duy nhất phải cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 ngày 30-3-2020 của Thủ tướng Chính phủ. Kết thúc 15 ngày thực hiện cách ly xã hội, từ 0 giờ ngày 3-3, lệnh phong tỏa đã được gỡ bỏ đối với TP Chí Linh và huyện Cẩm Giàng. Toàn tỉnh Hải Dương chuyển sang trạng thái mới về phòng, chống dịch Covid-19. Cụ thể, tại TP Hải Dương, thị xã Kinh Môn, huyện Cẩm Giàng và huyện Kim Thành cơ bản thực hiện theo Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27-3-2020 của Thủ tướng Chính phủ về quyết liệt thực hiện đợt cao điểm phòng, chống dịch Covid-19 cho tới ngày 17-3; tám đơn vị cấp huyện còn lại: Bình Giang, Thanh Hà, Ninh Giang, Gia Lộc, Tứ Kỳ, Nam Sách, Thanh Miện và TP Chí Linh cơ bản thực hiện theo Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 24-4-2020 của Thủ tướng Chính phủ cho tới khi dập dịch hoàn toàn. Từ ngày 3-3, tỉnh Hải Dương chuyển sang trạng thái mới, vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa thực hiện các mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội.


Kết quả phân tích của Tổ thông tin đáp ứng nhanh phòng, chống dịch Covid-19 (Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19) cho thấy, với ổ dịch Đà Nẵng (tháng 7-2020) phải mất 11 ngày thì ổ dịch tại Hải Dương (tháng 1-2021) chỉ cần sau ba ngày đã đuổi kịp dịch. Ổ dịch ở Hải Dương diễn ra trong 30 ngày với 645 ca mắc Covid-19, liên quan đến 13 tỉnh, thành phố; ổ dịch tại Đà Nẵng, sau 36 ngày không có thêm ca mắc mới trong cộng đồng, ghi nhận 389 ca mắc Covid-19, liên quan đến 15 tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, dịch bệnh ở Hải Dương xảy ra tại những cụm công nghiệp có số lượng công nhân rất lớn. Biến chủng vi-rút SARS-CoV-2 tại Hải Dương có khả năng lây lan nhanh hơn vi-rút gây dịch bệnh tại Đà Nẵng. PGS, TS Trần Đắc Phu nhận định có nhiều nguyên nhân gây nên đợt dịch vừa qua nhưng có điều trùng hợp là các biến thể vi-rút đều từ bên ngoài xâm nhập vào và có phần trùng với khoảng thời gian nhiều chuyên gia nước ngoài vào Việt Nam làm việc, cách ly ngắn hạn.

…nhưng không chủ quan 

Dịch được kiểm soát, các địa phương từng bước nới lỏng các quy định về phòng, chống dịch để phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, phải luôn cảnh giác vì không ai có thể chắc chắn ở Việt Nam không có mầm bệnh, thậm chí ổ dịch tiềm tàng trong cộng đồng. Chúng ta cảnh giác nhưng không run sợ vì đã quen với “kẻ địch Covid-19”. Các bộ, ngành, địa phương kiên trì chiến lược chống dịch duy trì từ ngày đầu, đó là: Ngăn chặn; phát hiện; cách ly; khoanh vùng dập dịch; điều trị hiệu quả, nhưng cũng vận dụng linh hoạt, sáng tạo, trên hết là sự ủng hộ của toàn thể nhân dân. Qua mỗi đợt dịch, các chuyên gia kiến nghị phải khẩn trương đúc rút kinh nghiệm để bổ sung cách thức phòng, chống dịch tốt hơn. Như đợt dịch ở Đà Nẵng ghi nhận ca bệnh trong bệnh viện trở thành kinh nghiệm để Hải Phòng có thể xử lý triệt để ca bệnh nhiễm được phát hiện trong bệnh viện. Tương tự, dịch bệnh xảy ra trong các khu công nghiệp ở Hải Dương là kinh nghiệm lớn để đúc rút lại, bổ sung các hướng dẫn, đặc biệt liên quan đến việc cách ly hàng nghìn người khi có dịch bệnh… Những bài học trong các đợt chống dịch vừa qua cho thấy chúng ta phải kiên trì và tiếp tục hoàn thiện chiến lược này. Trong mọi trường hợp, cố gắng phát hiện nhanh nhất, theo các bước truy vết thần tốc, truy đến đâu khoanh đến đó.

Đáng chú ý, nhằm chủ động bảo vệ sức khỏe cho nhân dân, Chính phủ đã ban hành riêng một nghị quyết về mua và sử dụng vắc-xin phòng Covid-19. Theo đó sẽ mua khoảng 150 triệu liều vắc-xin để tiêm miễn phí cho người dân. Hiện Bộ Y tế cũng đang tích cực thực hiện nhập khẩu và công tác chuẩn bị để triển khai tiêm vắc-xin trong thời gian sớm nhất. Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn khuyến cáo, có vắc- xin nhưng không được chủ quan. Vì sau khi tiêm, vắc-xin chưa thể sinh kháng thể chống lại vi-rút ngay; mặt khác do nhiều yếu tố chưa thể tiêm vắc-xin cho tất cả người dân… Do vậy cần thực hiện vắc-xin +5K (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tụ tập - Khai báo y tế) và các biện pháp chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Tại tâm dịch Hải Dương, lãnh đạo địa phương cũng đã yêu cầu mỗi huyện, thị xã, thành phố, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp… phải xây dựng, hoàn thiện một kế hoạch tổng thể về phòng, chống dịch Covid-19. Mỗi địa bàn, phải có kịch bản xử lý các tình huống cụ thể, đi đôi với bảo đảm  nguồn nhân lực, kinh phí, cơ sở vật chất, phân công cụ thể theo phương châm “5 rõ” (rõ việc, rõ người, rõ tiến độ, rõ kết quả, rõ trách nhiệm) dựa trên việc tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm từ đợt chống dịch vừa qua. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp… phải chịu trách nhiệm về toàn bộ công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại địa phương, đơn vị mình. Tiếp tục “thần tốc” thực hiện các biện pháp giám sát phát hiện nhanh các ca nhiễm SARS-CoV-2, tiến hành khoanh vùng, truy vết, cách ly, lấy mẫu xét nghiệm, tổ chức điều trị hiệu quả, dập dịch dứt điểm, không để dịch có cơ hội lây lan với phương châm “dập dịch ngay từ đốm lửa nhỏ, không để lan thành ngọn lửa lớn”. Vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo khuyến cáo của Bộ Y tế, mỗi người dân “biết sợ dịch bệnh, nhưng không hoảng sợ” chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch cho bản thân, gia đình và cộng đồng…

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Tại sao máy bay trực thăng có thể bay cao tới 6000 mét?

Thưởng thức mochi trà xanh ngon ngất ngây tại nhà

Panna Cotta thạch đào ngọt lịm cho mùa hè này