Khối ngoại bán ròng nhưng không rút tiền

 Các chuyên gia cho rằng nhà đầu tư nước ngoài bán ròng để cơ cấu danh mục, giảm bớt rủi ro, nhưng tiền vẫn để trên tài khoản chờ cơ hội mới.



Vấn đề khối ngoại bán ròng liên tục từ đầu năm nay, với giá trị hơn 14.000 tỷ đồng, được các nhà đầu tư đặt ra trong một tọa đàm về chứng khoán sáng nay (31/3). Ông Nguyễn Sơn, Chủ tịch Trung tâm Lưu ký Chứng khoán (VSD) nói đây là "chuyện dễ hiểu" khi khối ngoại cần cơ cấu, đảo danh mục.


"Thời điểm khối ngoại đầu tư mạnh là cách đây một năm, lúc VN-Index khoảng 600-700 điểm. Hiện tại thị trường đã lên gần 1.200 điểm, định giá P/E xấp xỉ 18 lần, việc rút ra để cơ cấu, đảo danh mục là chuyện dễ hiểu", ông Sơn nói và cho biết thêm, các sự kiện như Chính phủ Mỹ xếp Việt Nam vào danh sách có biểu hiện thao túng tiền tệ và triển vọng phục hồi kinh tế cũng khiến nhà đầu tư nước ngoài thận trọng hơn.


Lãnh đạo VSD thông tin thêm, ở giai đoạn tích cực mua vào, khối ngoại sở hữu khoảng 21-22% lượng cổ phiếu đang lưu hành trên thị trường. Dữ liệu gần đây cho thấy, họ đã giảm tỷ lệ này còn 18%, tức chỉ rút khoảng 3%. Ngoài ra, khối ngoại bán ròng dù rất mạnh, nhưng không rút hoàn toàn tiền mặt ra khỏi tài khoản mà đang chờ cơ hội mới.


Ông Vũ Bằng, nguyên Chủ tịch Ủy ban chứng khoán nói thêm, lượng tiền mặt của nhà đầu tư ngoại trên tài khoản hiện khoảng 2,7 tỷ USD, trong khi con số cuối năm 2020 là 1,2 tỷ USD. Nghĩa là nhà đầu tư ngoại bán ra nhiều nhưng tiền vẫn ở trên tài khoản để chờ cơ hội mới, thay vì rút ra.


"Tôi cho rằng chúng ta đừng quan ngại về giao dịch của khối ngoại, đó chỉ là một tiêu chí. Nên nhớ, không phải quỹ nào cũng thành công tại Việt Nam, có những quỹ thoát hàng từ rất sớm, bỏ lỡ cơ hội, thậm chí lỗ", Chủ tịch VSD nhận xét.


Ông Nguyễn Sơn, Chủ tịch Trung tâm Lưu ký Chứng khoán (VSD).

Ông Nguyễn Sơn, Chủ tịch Trung tâm Lưu ký Chứng khoán (VSD).


Cũng đánh giá về động thái bán ròng của khối ngoại, chuyên gia phân tích từ các công ty chứng khoán cho rằng một phần nguyên nhân còn do kỳ vọng vào sự phục hồi nhanh hơn từ các thị trường phát triển khi các gói cứu trợ quy mô lớn được triển khai.


Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng dòng tiền đang dịch chuyển sang những thị trường có sức bật tốt hơn sau đại dịch, nhất là khi những nước này đang chủ động đẩy nhanh tiêm vaccine. "Khi nền kinh tế toàn cầu hồi phục thì các nước phát triển sẽ hồi phục, tăng trưởng tốt và sớm hơn, do đó dòng tiền dịch chuyển sang những khu vực này", ông Minh đánh giá.


Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc chiến lược MBS cũng cho rằng nguyên nhân khối ngoại rút tiền, một phần là sự phục hồi của các thị trường phát triển.


Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng gần đây khiến tỷ giá ở các thị trường mới nổi mất giá nhanh, giá USD tăng cao trở lại. Rủi ro tỷ giá khiến nhà đầu tư ngoại nhanh chóng rút vốn ra để bảo toàn vốn. Ở Hàn Quốc, USD tăng giá gần 4% nên quỹ đầu tư lớn của Hàn Quốc đã rút tới hơn 60 triệu USD khỏi thị trường Việt Nam.


Một lý do nữa là dòng tiền đang quyết định xu hướng. Chính phủ các nước tung các gói hỗ trợ chưa từng có, Mỹ đã bơm 3.000 tỷ USD, khiến thị trường chứng khoán tăng kỷ lục. Việt Nam giữ lãi suất thấp nhất trong chu kỳ 10 năm nhưng chính sách tài khoá hỗ trợ chưa thấy rõ. Dòng tiền, vì thế, hướng vào những thị trường được kỳ vọng sẽ phục hồi nhanh hơn.


Lý do khác là mức định giá P/E của thị trường toàn cầu và thị trường Việt Nam đang ở đỉnh. Động lực tăng một phần nhờ cung tiền nên nếu cung tiền chững lại nhà đầu tư sẽ quay sang bán.


Để hấp dẫn nhà đầu tư trong thời gian tới, ông Sơn cho rằng yếu tố níu chân là chất lượng lợi nhuận doanh nghiệp. Các công ty được định giá cao hơn sẽ đẩy thị trường qua mốc kháng cự khi lợi nhuận, chất lượng doanh nghiệp cải thiện tốt.


Trong khi đó, ông Thế Minh cho rằng thị trường cần có thêm các sản phẩm, đặc biệt là đẩy mạnh Quỹ hoán đổi danh mục (ETF) nhằm thu hút thêm nhà đầu tư lớn. Đối trọng với khối ngoại trong giai đoạn vừa qua là dòng tiền từ cá nhân. Từ đầu năm 2020, nhà đầu tư nhỏ lẻ chiếm một tỷ lệ lớn thanh khoản hàng ngày, nhưng rủi ro là dòng tiền vào nhanh nhưng nếu rút cũng rất nhanh.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Những món ăn đường phố Thượng Hải gây nhức nhối

Tại sao máy bay trực thăng có thể bay cao tới 6000 mét?

Bún bò xào đậm chất Nam Bộ