Giá sách giáo khoa tăng cao, Bộ Tài chính nói gì?

 (HNMO) - Ngày 30-3, Bộ Tài chính đã thông tin về việc giá sách giáo khoa năm học 2021-2022 tăng cao. Cơ quan này cũng đưa ra quan điểm trước lo ngại của dư luận về giá xăng dầu tăng có dẫn đến tình trạng "té nước theo mưa" của một số loại hàng hóa khác.



Cụ thể, Bộ Tài chính cho biết, theo quy định về Luật Giá và các văn bản hướng dẫn, giá sách giáo khoa do doanh nghiệp (các nhà xuất bản) tự xây dựng, tự chịu trách nhiệm về giá bán, thực hiện kê khai giá và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính đúng đắn, phù hợp của phương án giá sách giáo khoa đã kê khai với cơ quan nhà nước có thẩm quyền; chịu trách nhiệm toàn diện về công tác tổ chức triển khai bộ sách giáo khoa mới theo chủ trương của Quốc hội, Chính phủ và các chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo.


Năm học 2020-2021, có 5 bộ sách giáo khoa lớp 1 mới được Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm định, cho phép các nhà xuất bản phát hành để học sinh, nhà trường sử dụng học tập, giảng dạy.


Để chuẩn bị cho năm học 2021-2022, các nhà xuất bản được phép phát hành sách giáo khoa đã thực hiện kê khai giá sách giáo khoa lớp 2 và lớp 6 mới về Bộ Tài chính (Cục Quản lý giá).


Trên cơ sở ý kiến của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính đã có công văn đề nghị các nhà xuất bản thực hiện kiểm soát, tiết giảm các chi phí trong cơ cấu giá thành sách giáo khoa để giảm giá sách giáo khoa lớp 2 và lớp 6 mới. Theo đó, 3 lần các nhà xuất bản đã kê khai lại giá sách giáo khoa, trong đó điều chỉnh giá giảm từ 3,3% đến 9% đối với sách lớp 2 và từ 2,4% đến 9% đối với sách lớp 6.


Cụ thể, giá bộ sách giáo khoa mới (179.000 đồng - 203.000 đồng/bộ sách lớp 2; 234.000 đồng - 259.000 đồng/bộ sách lớp 6) cao hơn giá bộ sách cũ (53.000 đồng/bộ sách lớp 2; 99.000 đồng/bộ sách lớp 6).


Tuy nhiên, khổ sách, số cuốn, số màu in các cuốn sách trong bộ sách mới đều cao hơn bộ sách cũ. Số lượng cuốn sách giáo khoa trong bộ sách giáo khoa mới (10-13 cuốn) cao hơn số lượng trong bộ sách giáo khoa cũ (6-11 cuốn), số lượng màu in nhiều hơn (sách cũ 2-4 màu, sách mới tất cả 4 màu), khổ sách rộng hơn (sách cũ 14cmx24cm, sách mới 19cmx26,5cm)...


Đồng thời, do thực hiện xã hội hóa nên một số chi phí như bản thảo, nhuận bút lần đầu... không được ngân sách nhà nước hỗ trợ. Vì vậy, việc so sánh giá sách cũ với sách mới chưa thực sự tương đồng. 


Cũng theo Bộ Tài chính, sách giáo khoa là vật tư, thiết bị giáo dục thiết yếu, giá sách giáo khoa có tác động lớn đến xã hội, đặc biệt đối với học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế khó khăn.


Thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ về giá sách giáo khoa, Bộ Tài chính đang rà soát đánh giá tổng thể quá trình triển khai, thực hiện Luật Giá, trong đó tiếp tục đánh giá, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét bổ sung sách giáo khoa vào danh mục Nhà nước định giá trong trường hợp cần thiết. 


Giá xăng dầu tăng, liệu có tình trạng “té nước theo mưa”? 


Trước băn khoăn trên, cũng trong ngày 30-3, Bộ Tài chính cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2-2021 tăng 1,52% so với tháng trước - là mức tăng cao của CPI tháng trong giai đoạn gần đây.


Một trong các nguyên nhân có thể kể đến do giá xăng dầu tăng trong các kỳ điều hành gần đây khiến gia tăng áp lực lên các dịch vụ giao thông, vận tải. Tuy nhiên, đóng góp chủ yếu trong mức tăng chung của CPI thực tế vẫn là tác động tăng theo quy luật của thị trường trong dịp cuối năm âm lịch, Tết Nguyên đán. Có thể kể đến như giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm tăng theo quy luật trong thời điểm người dân tăng cường mua sắm chuẩn bị Tết, một số loại vật liệu xây dựng như thép tăng theo nhu cầu xây dựng của người dân cũng như do các yếu tố chi phí tăng, đồng thời, dịch vụ ăn uống ngoài gia đình cũng tăng theo nhu cầu người dân trong các dịp nghỉ lễ.


“Nhìn chung, việc giá xăng dầu tăng sẽ có tác động gián tiếp nhất định đến giá một số hàng hóa, dịch vụ thông qua chi phí vận chuyển, vận tải hàng hóa nhưng đều nằm trong kịch bản đã được các bộ, ngành dự báo, tính toán. Với các biện pháp quyết liệt đã triển khai, về cơ bản không để xảy ra tình trạng “té nước theo mưa”, tăng giá bất hợp lý theo giá xăng dầu”, đại diện Bộ Tài chính nhấn mạnh.


Cũng theo cơ quan này, qua theo dõi, nắm bắt tình hình thị trường đến thời điểm hiện nay, về cơ bản các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu vẫn đang được cập nhật; một số hàng hóa, dịch vụ có mặt bằng giá thấp như dịch vụ hàng không; lương thực, thực phẩm.


Để bảo đảm kiểm soát chung mặt bằng giá cả thị trường, nhất là để hạn chế tác động trước diễn biến giá xăng dầu có xu hướng tăng, Bộ Tài chính đã phối hợp với các bộ, ngành chủ động trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ - Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá các kịch bản cụ thể cho thời gian trọng điểm quý I cũng như cho cả năm 2021.


Trên cơ sở đó, các biện pháp về quản lý, điều hành giá cũng được các bộ, ngành triển khai toàn diện nhằm không để xảy ra tình trạng lợi dụng tăng giá bất hợp lý khi giá xăng dầu tăng hoặc trong các dịp cao điểm lễ, Tết. 


Theo đó, công tác bảo đảm nguồn cung hàng hóa cũng được các địa phương chủ động triển khai tốt, hàng hóa phong phú, đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người dân; công tác kiểm tra, kiểm soát về giá, thuế, phí cũng như chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng được các cơ quan chức năng triển khai toàn diện, hiệu quả, cùng với việc chú trọng công tác thông tin, tuyên truyền, công khai minh bạch thông tin về giá để kiểm soát lạm phát kỳ vọng, hạn chế những thông tin thất thiệt gây hoang mang cho người tiêu dùng gây bất ổn thị trường.


“Thời gian tới, Bộ Tài chính cùng các bộ, ngành, địa phương sẽ tiếp tục triển khai tốt việc theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường, thực hiện nghiêm các giải pháp về quản lý, điều hành giá đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ - Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá đề ra để tiếp tục kiểm soát tốt mặt bằng giá, góp phần ổn định đời sống người dân, hỗ trợ cho tăng trưởng và điều hành kinh tế vĩ mô”, đại diện Bộ Tài chính khẳng định.


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

1.300 CBCS Công an tham gia diễn tập thực binh phòng, chống khủng bố

Câu nói nào nghe xong khiến bạn bật khóc?

Món bò Beefsteak sốt tiêu sọ và nấm