Vì sao dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng ngừng thi công?

 Dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng của TP HCM đã đạt 96% khối lượng nhưng phải ngừng thi công vì vướng mắc liên quan đến phương án thanh toán cho nhà đầu tư.



Thông tin trên được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nêu tại cuộc họp thường kỳ tháng 3 của Thường trực Chính phủ chiều 31/3, khi đề cập đến vướng mắc tại dự án Giải quyết ngập do triều có xét đến yến tố biến đổi khí hậu - giai đoạn 1 tại TP HCM.


Dự án do Công ty TNHH Trung Nam BT 1547 đầu tư, được khởi công giữa năm 2016 nhằm kiểm soát ngập do triều, chủ động ứng phó biến đổi khí hậu cho diện tích 750 km2 với khoảng 6,5 triệu dân thuộc khu bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm thành phố.


Công trình gồm 6 cống ngăn triều lớn (khẩu độ 40-160 m) là Bến Nghé, Tân Thuận, Phú Xuân, Mương Chuối, Cây Khô, Phú Định và 7,8 km đê kè ven sông Sài Gòn từ Vàm Thuật đến Sông Kinh với các cống nhỏ khẩu độ dưới 10 m. Địa điểm xây dựng thuộc quận 1, 4, 7, 8, huyện Nhà Bè và Bình Chánh.


Sau lần phải dừng thi công tháng 4/2018, giữa tháng 11/2020 dự án tiếp tục phải ngưng thi công do UBND thành phố chưa ký phụ lục hợp đồng gia hạn thời gian hoàn thành (hợp đồng đã hết hạn từ tháng 6/2020). Chủ đầu tư cho biết dự án thiệt hại hơn 45 tỷ đồng ở tháng đầu tiên.


Hai cống ngăn triều khổng lồ thuộc dự án Giải quyết ngập do triều được lắp đặt tại cống Cây Khô ngày 22/8/2020. Ảnh: TNG.

Hai cống ngăn triều khổng lồ thuộc dự án Giải quyết ngập do triều được lắp đặt tại cống Cây Khô ngày 22/8/2020. Ảnh: TNG.


Theo ông Dũng, vướng mắc chính hiện nay của dự án liên quan đến phương án thanh toán cho nhà đầu tư. Cụ thể, các quy định của Chính phủ quy định thanh toán dự án BT (xây dựng - chuyển giao) bằng quỹ đất theo nguyên tắc ngang giá, bù trừ chênh lệch giữa giá trị dự án BT và giá trị quỹ đất thanh toán.


"Các văn bản của Chính phủ không quy định cụ thể tỷ lệ thanh toán bằng quỹ đất và bằng tiền, nhưng việc UBND TP HCM ký hợp đồng BT với nhà đầu tư với tỷ lệ giá trị quỹ đất chỉ bằng 16% giá trị dự án BT là chưa hoàn toàn phù hợp", ông Dũng nói.


Ngoài ra, theo ông Dũng, Nghị định 15 của Chính phủ quy định phải báo cáo cơ quan có thẩm quyền về đầu tư công để quyết định chủ trương sử dụng vốn nhà nước trước khi phê duyệt đề xuất dự án PPP. Thời điểm đó, UBND thành phố có báo cáo và được HĐND TP HCM chấp thuận nhưng chưa được Thủ tướng đồng ý.


"Để tháo gỡ vướng mắc dự án, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Chính phủ ban hành Nghị quyết để cho phép tiếp tục triển khai thực hiện dự án theo kiến nghị của UBND TP HCM", ông Dũng nói và cho rằng nếu để chậm có thể ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế - xã hội, nhất là môi trường, lãng phí nguồn lực đã đầu tư.


Liên quan đến dự án này, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long thống nhất với các ý kiến của các bộ, ngành liên quan mà Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đã báo cáo. "Trong đó, có nội dung thời gian qua một số cơ quan, một số đồng chí ở TP HCM đã thực hiện chưa đúng quy định pháp luật. Cụ thể là Nghị định 15 và Quyết định 23 năm 2015 của Chính phủ", ông Long nói.


Theo ông Long, dự án đã diễn ra trong một thời gian dài, nếu xem xét lại toàn bộ quyết định và ra các quyết định hồi tố về mặt hành chính là không khả thi. Trước tình hình này buộc Chính phủ phải có một giải pháp tình thế để xử lý những vướng mắc là phù hợp về mặt thẩm quyền.


"Tuy nhiên, chúng tôi đề xuất trong Nghị quyết của Chính phủ có nội dung xem xét trách nhiệm của những người có liên quan trong việc làm các thủ tục thông qua, ban hành dự án cho đến thời điểm hiện nay", ông Long nói.


Kết luận về phương hướng tháo gỡ khó khăn cho dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng của TP HCM, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết sẽ xem xét, xử lý trách nhiệm cá nhân, tổ chức có liên quan dự án. Ngoài ra, TP HCM phải thanh toán, quyết toán đối với toàn bộ dự án để loại bỏ những bất hợp lý, chống thất thoát, lãng phí.


"Đừng đổ lỗi cho Chính phủ nếu dự án này không phát huy hiệu quả vì thành phố đã phê duyệt dự án này. Chính phủ sẽ tháo gỡ khó khăn nhưng TP HCM phải thực hiện thanh toán, quyết toán đúng quy định pháp luật", thủ tướng nói.


Dự kiến, ngày 1/4 thủ tướng ký Nghị quyết để dự án Giải quyết ngập do triều có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu - giai đoạn 1 được tiếp tục triển khai.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

1.300 CBCS Công an tham gia diễn tập thực binh phòng, chống khủng bố

Câu nói nào nghe xong khiến bạn bật khóc?

Món bò Beefsteak sốt tiêu sọ và nấm