Trầy trật đòi bồi thường bảo hiểm vì sai chữ ký trên hợp đồng

 Bà Bình mất 6 năm theo đòi bồi thường bảo hiểm mua cho chồng, nhưng thua kiện vì hóa ra, bà từng để con trai ký thay lên hợp đồng.



Cách đây 6 năm, bà Nguyễn Thị Bình (sinh năm 1960, Bình Định) mua một hợp đồng bảo hiểm nhân thọ với người được bảo hiểm là chồng bà (ông Hải) của một doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ top 5 thị phần tại Việt Nam. Ít tháng sau khi tham gia hợp đồng bảo hiểm, ông Hải - chồng bà Bình không may qua đời tai nạn, ngã chấn thương sọ não.


Bà Bình yêu cầu doanh nghiệp bồi thường 400 triệu đồng nhưng bị từ chối chi trả do chữ ký trên hợp đồng không phải do chính bà và ông Hải trực tiếp ký.


Không đồng tình, bà Bình kiện ra tòa. Qua vài năm tranh chấp, sau phiên tòa sơ thẩm và phiên tòa phúc thẩm mới có kết quả cuối cùng: Bà thua kiện, mất thêm chục triệu đồng án phí.


Mấu chốt khiến cho bà Bình không được hưởng quyền lợi bảo hiểm là do cả bà và chồng đều không trực tiếp ký tên lên hợp đồng. Theo bản án sơ thẩm và phúc thẩm, khi ký kết hợp đồng, bà Bình và con trai, đại lý đều có mặt ngoại trừ ông Hải (do đang đi biển). Nhân viên đại lý viết thông tin, con trai của bà ký thay cho cả bà và ông Hải. Sau đó, đại lý dùng tiền cá nhân để ứng tiền nộp trước vào công ty bảo hiểm.


Ở đây, người được bảo hiểm là ông Hải không trực tiếp ký vào hợp đồng, do đó không có bằng chứng cho thấy ông đồng ý tham gia bảo hiểm trong trường hợp chết của mình, trái với quy định của Luật kinh doanh bảo hiểm.


Phần ký của các chủ thể tham gia bảo hiểm nhân thọ trên hồ sơ yêu cầu bảo hiểm. Ảnh: Quỳnh Trang

Phần ký của các chủ thể tham gia bảo hiểm nhân thọ trên hồ sơ yêu cầu bảo hiểm. Ảnh: Quỳnh Trang


Trước đó, cũng chính hãng bảo hiểm này đã từ chối chi trả quyền lợi cho một khách hàng đã tử vong, vì chữ ký trên hợp đồng bảo hiểm không khớp với chữ ký trên hóa đơn, giấy tờ tìm thấy trong 6 năm gần đó.


Còn gần đây nhất là vụ việc anh Nhân (đã đổi tên nhân vật) tử vong vì ung thư vào cuối năm ngoái, nhưng người nhà cũng phải trầy trật mới đòi được bồi thường do tranh cãi xoay quanh chữ ký của anh Nhân.


Mẹ ruột của anh Nhân vào đầu năm 2020 mua bảo hiểm nhân thọ cũng của một doanh nghiệp. Theo hợp đồng, bà là người mua và là người thụ hưởng, anh Nhân là người được bảo hiểm. Hãng bảo hiểm sẽ bồi thường vài trăm triệu đồng cho bà nếu không may anh Nhân tử vong.


Tuy nhiên sau khi anh Nhân qua đời vào cuối năm ngoái, ba tháng sau, doanh nghiệp đã từ chối chi trả bồi thường do chữ ký của người được bảo hiểm trên hợp đồng không phải là chữ ký "chính chủ".


Theo biên bản làm việc vào cuối năm 2020, mẹ ruột anh Nhân xác nhận, do con trai đang làm việc ở xa không về kịp nên đã không ký tên trên hồ sơ yêu cầu bảo hiểm. Dựa trên cơ sở này, doanh nghiệp từ chối bồi thường do không có bằng chứng người được bảo hiểm (là anh Nhân) đồng ý tham gia hợp đồng bảo hiểm.


Tuy nhiên, người nhà anh Nhân không đồng tình với kết quả này, tính tìm đến luật sư để theo đuổi vụ kiện nhằm đòi quyền lợi. Qua quá trình làm việc sau đó, hãng bảo hiểm này lại thay đổi quyết định và đồng tình chi trả do "xác định anh Nhân đã trực tiếp ký lên hợp đồng".


Còn nhiều vụ việc tranh chấp khác giữa doanh nghiệp và người tham gia bảo hiểm liên quan đến chữ ký trên hợp đồng. Một tư vấn viên trong ngành cũng cho biết chuyện người tham gia bảo hiểm (gồm người mua, người được bảo hiểm, người thụ hưởng) để người khác ký thay hợp đồng là chuyện thường gặp.


Một thực tế trong ngành bảo hiểm là nhiều tư vấn viên "tay ngang" bán bảo hiểm không nắm chắc nghiệp vụ hoặc bỏ qua một vài nguyên tắc khi làm việc với khách hàng để nhanh chóng "chốt đơn" hợp đồng bảo hiểm. Trong khi đó, người tham gia bảo hiểm chưa đủ nhận thức và tìm hiểu kỹ khi đặt bút ký. Tới khi phát sinh sự kiện bảo hiểm, tranh chấp nổ ra giữa người tham gia bảo hiểm với doanh nghiệp.


Người tham gia bảo hiểm cần nhớ rõ quy định, người mua bảo hiểm, người thụ hưởng và người được bảo hiểm phải trực tiếp ký tên vào hồ sơ yêu cầu bảo hiểm. Khi bên mua ký hợp đồng bảo hiểm con người trong trường hợp chết của người khác thì phải được người đó đồng ý bằng văn bản... Nếu người mua lập hợp đồng mà không có sự đồng ý bằng văn bản của người được bảo hiểm, hợp đồng vô hiệu.


Để tránh rủi ro không đòi được bồi thường, tuyệt đối đừng để bất kỳ ai ký thay lên hợp đồng bảo hiểm (trừ trường hợp người tham gia chưa đủ tuổi và có người giám hộ).


* Tên nhân vật đã thay đổi

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Cút lộn xào me đơn giản mà ngon hết ý

Câu nói nào nghe xong khiến bạn bật khóc?

1.300 CBCS Công an tham gia diễn tập thực binh phòng, chống khủng bố