Hàng xách tay 'nở rộ' trên mạng xã hội - Kỳ 1: Nhà nhà livestream, người người livestream

 Các trang livetream bán hàng xách tay online mọc lên như nấm sau mưa. Đó là chưa kể sự tham gia của nghệ sĩ, những người hoạt động nghệ thuật. Kênh livestream bán hàng xách tay nhộn nhịp khi nhà nhà livestream, người người livestream.



"Mở Facebook lên là thấy người người livestream bán hàng. Từ hàng xách tay các nước cho đến cái nghiến (thớt), con dao, mớ rau nhà trồng, rau sạch thịt sạch... Riết hổng thấy bạn bè viết cái gì vì tường facebook nhà mình tràn ngập news feed từ những người livestream bán hàng", anh Huy Đăng, một người dùng mạng xã hội cảm thán. 

Chỉ cần gõ tìm cụm từ “Hàng xách tay” trên mạng xã hội Facebook, ngay lập tức, hàng trăm Trang của các nhóm chuyên bán hàng xách tay hiện lên ngay ở phần gợi ý. Nào là Bán hàng xách tay từ Mỹ, Bán hàng Mỹ và ship hàng Mỹ về Việt Nam, Hàng nội địa Nhật xách tay chính hãng, rồi Hội buôn hàng xách tay Úc, Pháp, Mỹ, Nga, Ba Lan, Nhật, Hàn, Hội chuyên ship hàng chính hãng...

Livestream bán hàng bủa vây người dùng Facebook

Lướt qua một số nhóm rao chuyên bán hàng xách tay trên mạng xã hội Facebook, chúng tôi ghi nhận mỗi trang có từ vài trăm đến vài chục ngàn thành viên tham gia. Những mặt hàng xách tay được rao bán chủ yếu là thực phẩm chức năng, sữa bột, mỹ phẩm, nước hoa, đồng hồ, túi xách, giày dép và cả những mặt hàng phục vụ cho sinh hoạt gia đình như kem đánh răng, nước giặt quần áo...

Có những tài khoản livestream bán hàng mà ngoài người trực tiếp livestream giới thiệu hàng hóa thì có đến hàng chục nhân viên phụ kiểm tra tin nhắn, kiểm tra và chốt đơn hàng. Đó là chưa kể dịch vụ ship hàng cũng như các dịch vụ đi kèm livestream bán hàng online. 

Thị trường hàng xách tay không chỉ có cuộc chiến về xuất xứ hàng hóa khi người bán nào cũng tuyên bố "hàng cho ba, mẹ, chồng/vợ mua tận tay, mang về", "hàng em bay và mua tận nơi" mà còn là cuộc đua về giá cả.

Trong vai khách hàng đang tìm mua túi xách của một thương hiệu cao cấp với giá từ vài chục đến hơn một trăm triệu cho một chiếc túi xách, chúng tôi tìm đến trang Facebook “Bán hàng xách tay từ Mỹ” để hỏi mua. Tư vấn cho chúng tôi, người bán cho biết dòng này cao cấp quá nên không đủ chi phí nhập về Việt Nam bán. Thay vào đó, người bán chào một số mẫu giỏ của các thương hiệu khác với giá... sốc. Đơn cử, túi xách hiệu T.H. có giá nêm yết là 1.700.000 đồng trong khi giá niêm yết trên túi gần 200 đô la Mỹ, túi xách hiệu M.K. có giá chỉ... 850.000 khi giá niêm yết đính kèm là 189 đô la Mỹ... Khi chúng tôi hỏi về hóa đơn, chứng từ xuất xứ của hàng thì người bán bảo không thể cung cấp.

Chúng tôi bày tỏ sự hoài nghi về chất lượng sản phẩm thì người bán cho biết: “Thứ nhất, chị bán hàng do chồng chị mua từ Mỹ về. Thứ hai, chị bán tại nhà (Q.Gò Vấp, TP.TP.HCM) không tốn tiền mặt bằng. Thứ ba, chị bán tự do, tự kê giá nên giá này là còn ... thấp so với thị trường. Bên chị không có hàng số lượng lớn nhưng dám đảm bảo là hàng thật”.

Theo công bố tại Hội thảo Toàn cảnh thương mại điện tử Việt Nam năm 2020 được tổ chức vào ngày 5.6.2020, khảo sát của Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam cho thấy mức độ tăng trưởng trung bình của các doanh nghiệp thương mại điện tử trong giai đoạn cao điểm của đại dịch (tháng 2 - tháng 4.2020) là 14% so với cùng kỳ năm 2019. Đây là con số rất ấn tượng trong bối cảnh khủng hoảng chung và nhiều doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực khác phải đóng cửa, giải thể hay phá sản.

Cũng theo Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam, năm 2019, tốc độ tăng trưởng của ngành này đạt 32% và đạt quy mô khoảng 11,5 tỉ USD. Hiệp hội cũng dự báo tốc độ tăng trưởng năm 2020 tiếp tục duy trì trên 30% và quy mô thương mại điện tử cả nước sẽ vượt con số 15 tỉ USD.

Còn Báo cáo Thương mại điện tử các nước Đông Nam Á năm 2019 của Google, Temasek và Bain & Company dự đoán tốc độ tăng trưởng trung bình cho cả giai đoạn 2015 - 2025 của thương mại điện tử Việt Nam là 29%. Khi đó, quy mô thương mại điện tử của Việt Nam sẽ vươn tới ngưỡng 43 tỉ USD và đứng vị trí thứ 3 trong khối ASEAN.

Chúng tôi liên hệ với tài khoản Facebook tên “Hoa Mỹ Ngọc” để hỏi mua sữa xách tay từ Mỹ thì người bán cho biết sữa Ensure giá 260.000 đồng/lốc 6 lon, sữa hộp giá 270.000 đồng/hộp, còn sữa Enfa giá 735.000 đồng/hộp. Thấy chúng tôi lưỡng lự, người bán cho biết: “Hàng em đi đường máy bay nên không so sánh với hàng đi đường biển được. Đợt hàng về Việt Nam, em còn bỏ sỉ cho các cửa hàng, sau đó họ bán ra với giá cao hơn”.

Trong khi đó, tài khoản Facebook “Ngọc Bích” rao bán sữa Ensure với giá 230.000 đồng/10 lốc và 250.000 đồng/lon với lý do nhập số lượng lớn nên giá thành rẻ.

Những người chuyên livestream bán hàng đều khẳng định "hàng người nhà em mua tại cửa hàng ở Mỹ, Úc..." nên cuộc chiến về giá cả là cuộc chiến so kè của chính người bán, còn chất lượng và xuất xứ thì không có hóa đơn, chứng từ nào ngoài khẳng định: "Cam kết hàng chính hãng, xách tay về..."

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Những món ăn đường phố Thượng Hải gây nhức nhối

Tại sao máy bay trực thăng có thể bay cao tới 6000 mét?

Bún bò xào đậm chất Nam Bộ