Chuyên gia đề xuất Việt Nam 'thí điểm hộ chiếu vaccine'

 Việt Nam nên thí điểm áp dụng hộ chiếu vaccine Covid-19 với một số nhóm người nhập cảnh trước khi áp dụng rộng rãi, theo PGS Nguyễn Viết Nhung.



Trước thông tin các bộ ngành liên quan đang có những bước chuẩn bị ban đầu liên quan đến "visa vaccine", PGS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Viện phổi Trung ương, cho rằng lúc này Việt Nam có thể bắt đầu xây dựng cơ chế áp dụng thí điểm công nhận và cấp hộ chiếu vaccine.


"Trước mắt áp dụng với các nước hoặc khu vực đã có tỉ lệ tiêm phòng cao, có chính sách cấp hộ chiếu vaccine" PGS Nhung nói. Ông phân tích, một số nghiên cứu gần đây cho thấy nếu một người tiêm đủ hai liều vaccine thì "có rất ít nguy cơ trở thành nguồn lây lan dịch bệnh cho người khác". Vì vậy, xét trên khía cạnh khoa học, những người đã tiêm đủ liều vaccine có thể coi là "an toàn".


Tuy nhiên, các nghiên cứu ban đầu cho thấy mỗi loại vaccine Covid-19 có hiệu lực khác nhau, dao động từ 60 đến 90%; không loại trừ một số biến chủng virus sẽ kháng vaccine, "vì vậy vẫn có xác xuất nhỏ sẽ xảy ra rủi ro".


PGS Nguyễn Viết Nhung. Ảnh: Giang Huy


PGS Nhung đề xuất, khi thí điểm hộ chiếu vaccine, Việt Nam cần xây dựng cơ chế yêu cầu xét nghiệm bắt buộc với những người nhập cảnh, nghĩa là họ phải đáp ứng đủ hai điều kiện là có hộ chiếu (hoặc giấy chứng nhận) đã tiêm đủ liều vaccine Covid-19 và có kết quả xét nghiệm khẳng định âm tính trước và sau khi vào Việt Nam.


"Những trường hợp này sẽ không phải cách ly y tế 14 ngày như hiện nay", ông nói thêm.  


PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Y tế dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp Sự kiện Y tế công cộng Việt Nam (Bộ Y tế), cho rằng trong khi các nước trên thế giới đang tích cực chuẩn bị điều kiện để cấp và công nhận hộ chiếu vaccine, "Việt Nam cũng nên có sự chuẩn bị".


Theo ông, trước mắt Việt Nam cần xây dựng cơ sở dữ liệu và hạ tầng phục vụ việc theo dõi và cấp giấy chứng nhận cho những người đã được tiêm vaccine Covid-19. Thông qua hệ thống cơ sở dữ liệu này, các cơ quan có thể tra cứu lịch sử tiêm chủng, lịch sử dịch tễ của những người đã được tiêm. Đồng thời, Chính phủ cũng cần giao đơn vị chức năng nghiên cứu một số mẫu giấy chứng nhận đã tiêm chủng vacine Covid-19 của các nước, để tạo sự thống nhất với quốc tế. Cách thuận tiện nhất, theo ông Phu là thông qua quét mã QR để tra cứu lịch sử tiêm chủng.


"Việc cấp hộ chiếu hoặc giấy chứng nhận tiêm vaccine Covid-19 cho những người đã được tiêm chủng đủ liều là bước chuẩn bị cần thiết, để sau này công dân Việt Nam có thể ra nước ngoài, hoặc đi lại ở trong nước đảm bảo thuận lợi và an toàn", ông Phu nêu quan điểm.


PGS Trần Đắc Phu. Ảnh: VT

PGS Trần Đắc Phu. Ảnh: VT


Về việc chuẩn bị những bước ban đầu để xem xét công nhận hộ chiếu vaccine của người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam, PGS Trần Đắc Phu cho rằng cần thận trọng, làm kỹ lưỡng từng bước.


Theo ông, trước hết phải nghiên cứu hiệu lực của từng loại vaccine, thời gian sau tiêm vaccine bao nhiêu ngày mới hình thành kháng thể... "Hiện nay các biến thể của virus chưa làm mất hiệu lực vaccine, nhưng nếu xuất hiện biến thể khiến một vaccine nào đó không còn tác dụng thì cần phải chú ý", PGS Trần Đắc Phu phân tích và lưu ý cơ quan chức năng cũng cần có biện pháp phát hiện, chống làm giả hộ chiếu vaccine.


"Chúng ta có thể kết hợp các biện pháp phòng dịch khác nhau, để cấp hộ chiếu cho những người đã được tiêm vaccine, được phép đi lại giữa các quốc gia có sự thỏa thuận giữa hai bên", ông Phu đề xuất.


Lực lượng chống dịch tại Hải Dương được tiêm vaccine Covid-19 đợt đầu, ngày 8/3. Ảnh: Gia Chính

Lực lượng chống dịch tại Hải Dương được tiêm vaccine Covid-19 đợt đầu, ngày 8/3. Ảnh: Gia Chính


PGS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Y tế dự phòng, tiếp cận vấn đề theo hướng thận trọng. Ông bày tỏ băn khoăn bởi các nghiên cứu khoa học cho thấy nhiều loại vaccine chưa đạt hiệu quả tuyệt đối.


"Hiệu quả vaccine mà các nghiên cứu ban đầu công bố là dựa trên lý thuyết, trong thực tế có thể thấp hơn bởi còn phụ thuộc vào kỹ thuật tiêm. Vì vậy, nguy cơ lây lan dịch bệnh từ những người đã được tiêm vaccine dù thấp, nhưng vẫn có", ông nói.


Từ cách tiếp cận này, ông Nga cho rằng Việt Nam cần chờ đợi thêm các nghiên cứu khoa học liên quan trước khi áp dụng hộ chiếu vaccine.


Trước đó, tại cuộc họp ngày 12/3, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống Covid-19 đã giao Bộ Y tế có những bước chuẩn bị ban đầu về các vấn đề liên quan đến hộ chiếu vaccine.


Trước mắt, Bộ Y tế cùng Bộ Thông tin và Truyền thông và các nhà mạng lớn sẽ tăng cường xây dựng, cố gắng hoàn thiện hệ thống giải pháp kỹ thuật liên quan dến "visa vaccine" trong thời gian sớm nhất, phấn đấu vào đầu tháng 4/2021. Thường trực Ban chỉ đạo nêu rõ chính sách cụ thể liên quan đến "visa vaccine" phải căn cứ vào những đánh giá tiếp theo về tính an toàn, khả năng miễn dịch của từng loại vaccine và ở từng nước, từ đó có cơ chế phù hợp, trên tinh thần tạo điều kiện thuận lợi để phục vụ "mục tiêu kép" nhưng phải đảm bảo an toàn.


Hộ chiếu vaccine là tài liệu kỹ thuật số chứng minh một cá nhân đã được tiêm phòng virus, trường hợp này là Covid-19 (còn được gọi là thẻ sức khỏe kỹ thuật số). Tài liệu này được lưu trữ trên điện thoại hoặc ví kỹ thuật số, dữ liệu hiển thị dưới dạng mã QR.


Một số nước đã phát hành hộ chiếu vaccine Covid-19, như Trung Quốc. Thái Lan cũng đã công bố kế hoạch cấp hộ chiếu vaccine và giảm thời gian cách ly bắt buộc những người đã tiêm chủng. Tuy nhiên, Tổ chức Y tế Thế giới kêu gọi thận trọng với các loại hộ chiếu y tế, yêu cầu các nhà chức trách và nhà điều hành du lịch không coi bằng chứng về việc tiêm chủng là điều kiện để du lịch quốc tế.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Những món ăn đường phố Thượng Hải gây nhức nhối

Bún bò xào đậm chất Nam Bộ

Tại sao máy bay trực thăng có thể bay cao tới 6000 mét?