Ban quản lý đường sắt đô thị TP HCM bị phê bì

 UBND TP HCM phê bình nghiêm khắc tập thể lãnh đạo Ban quản lý đường sắt đô thị do chậm trễ ký hợp đồng tư vấn IC tuyến Metro Số 2 (Bến Thành - Tham Lương).



Động thái này được chính quyền TP HCM đưa ra theo đề xuất của Sở Nội vụ, sau khi xem xét trách nhiệm của tập thể, cá nhân tại Ban quản lý đường sắt đô thị thành phố (MAUR) giai đoạn 2018-2019. Việc chậm trễ ký hợp đồng khiến tiến độ, chất lượng dự án và uy tín của TP HCM với các nhà tài trợ bị ảnh hưởng.

Theo Sở Nội vụ, sau khi UBND thành phố chỉ đạo, MAUR rà soát và làm rõ trách nhiệm các cá nhân liên quan. Tuy nhiên ban "chưa phát hiện sai sót hoặc thiếu trách nhiệm của cá nhân trong quá trình thực hiện nhiệm vụ". Việc chậm trễ do "quá trình điều chỉnh dự án kéo dài, thương thảo phức tạp...".


Lãnh đạo MAUR giai đoạn 2018-2019 gồm: Lê Nguyễn Minh Quang (Trưởng ban từ tháng 6/2016 đến 1/2019); Bùi Xuân Cường (Trưởng ban từ tháng 1/2019 cho đến nay). Ba phó ban thời gian này là: Hoàng Như Cương (hiện đã nghỉ), Vũ Minh Huyền, Huỳnh Hồng Thanh.


Tập thể lãnh đạo MAUR được yêu cầu rút kinh nghiệm sâu sắc trong điều hành, quản lý dự án; thường xuyên kiểm tra, giám sát đảm bảo đúng quy định và chỉ đạo của UBND thành phố trong việc thực hiện các tuyến Metro. Trưởng ban MAUR tiếp tục theo dõi, chịu trách nhiệm với tư cách người đứng đầu có liên quan nếu thanh tra, kiểm toán phát hiện các cá nhân sai phạm trong ký kết hợp đồng với tư vấn IC, các dự án tuyến đường sắt đô thị khác.


Trước đó, trong quá trình thực hiện dự án Metro Số 2, MAUR ký hợp đồng với tư vấn IC (đứng đầu liên danh là công ty của Đức) vào tháng 1/2012 trị giá gần 44 triệu Euro. Kinh phí tư vấn sử dụng vốn tài trợ không hoàn lại của Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW).


Theo hợp đồng, thời gian thực hiện tư vấn chỉ trong 18 tháng nhưng bị kéo dài và từ tháng 10/2018 tư vấn IC dừng tham gia dự án. Việc đình trễ này khiến gói thầu tư vấn thiết kế, giám sát thi công dự án phát sinh 13 phụ lục hợp đồng, nâng tổng chi phí tư vấn tăng hơn 12,6 triệu Euro so với thỏa thuận trước đó.


Người dân mặt tiền đường Cách Mạng Tháng Tám, quận Tân Bình tháo dỡ nhà bàn giao mặt bằng cho dự án Metro Số 2, năm 2020. Ảnh: Hữu Khoa.

Người dân mặt tiền đường Cách Mạng Tháng Tám, quận Tân Bình tháo dỡ nhà bàn giao mặt bằng cho dự án Metro Số 2, năm 2020. Ảnh: Hữu Khoa.


Metro Số 2 tổng mức đầu tư hơn 47.800 tỷ đồng, dài hơn 11 km, trong đó 9,2 km đi ngầm, còn lại chạy trên cao và đường dẫn vào depot Tham Lương, quận 12. Dự án có 9 ga ngầm, một ga trên cao. Trong đó 4 ga đã có mặt bằng sạch gồm: S9 - Bà Quẹo (Tân Bình); S10 - Phạm Văn Bạch, S11 - Tân Bình (Tân Bình và Tân Phú); S5 - Lê Thị Riêng (quận 10). Dự án đã hoàn thành xây dựng toà nhà văn phòng và các công trình phụ trợ tại depot Tham Lương, chờ hoàn tất các thủ tục để đưa vào sử dụng.


Theo UBND thành phố, hơn 74% mặt bằng sạch (450/603 trường hợp) của dự án đã được bàn giao, có thể khởi công vào giữa năm tới. Dự kiến, công trình sẽ được khai thác vào năm 2026. Khi hoàn thành, tuyến này kết nối Metro Số 1 tại ga Bến Thành (quận 1) và tương lai là các tuyến Metro Số 5, 3b, Số 4 và 6, thuận lợi để trung chuyển khách theo trục Đông - Tây vào trung tâm TP HCM.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Cút lộn xào me đơn giản mà ngon hết ý

Câu nói nào nghe xong khiến bạn bật khóc?

1.300 CBCS Công an tham gia diễn tập thực binh phòng, chống khủng bố