Zalo Shop bắt đầu thu phí người dùng, mức thấp nhất gần 700.000 đồng/tài khoản

 Việc thu phí chỉ áp dụng đối với tài khoản của doanh nghiệp, tổ chức và nhãn hàng trên Zalo.

Mới đây, ứng dụng nhắn tin Zalo đã thông báo về việc thu phí OA doanh nghiệp (Official Account) có đăng sản phẩm trên nền tảng Zalo Shop. Mức phí này sẽ gồm 2 gói, gói thứ nhất có giá 660.000 đồng/6 tháng, đã bao gồm 10% VAT. Gói thứ hai là 1,3 triệu đồng cho mỗi tài khoản, có hiệu lực 14 tháng.



Thời gian bắt đầu thu phí từ 6/1/2021. Sau ngày 20/1/2021, Zalo sẽ tạm dừng dịch vụ trên nền tảng Zalo Shop đối với tài khoản doanh nghiệp có đăng sản phẩm nhưng chưa thực hiện nghĩa vụ thanh toán.

Mức phí trên chỉ áp dụng đối với tài khoản của doanh nghiệp, tổ chức và nhãn hàng có đăng sản phẩm trên Zalo Shop.

Nền tảng bán hàng Zalo Shop được Zalo ra mắt vào tháng 9/2016, dành cho doanh nghiệp và chủ buôn nhỏ, hỗ trợ việc mua và bán hàng trực tiếp trên ứng dụng nhắn tin này.

Theo đó, người bán có thể sử dụng Zalo Shop để trưng bày sản phẩm kèm theo mức giá và sắp xếp hàng hóa theo danh mục tùy ý, thậm chí thiết lập các chương trình khuyến mãi. Trong khi người mua nếu quan tâm đến sản phẩm bất kì, có thể tìm hiểu thông tin về sản phẩm đó thông qua chức năng nhắn tin được tích hợp sẵn.

Trước đó tính năng này là hoàn toàn miễn phí. Để sử dụng, người bán chỉ cần đăng ký Official Account "Cửa hàng - Dịch vụ", hệ thống sẽ mặc định chuyển sang nền tảng Shop.

Zalo tiếp tục đẩy mạnh nền tảng bán hàng này vào tháng 3/2019 khi bắt tay với Boxme - một đơn vị kho nhận hàng hóa và hoàn tất đơn hàng hoạt động xuyên quốc gia với 3,5 triệu đơn hàng mỗi năm, chính thức cho ra mắt tính năng kho vận và giao nhận hàng hóa.

Bằng việc hợp tác giữa hai nền tảng Zalo và Boxme giúp giải quyết quy trình bán hàng từ giao nhận hàng hóa, đóng gói, thu tiền hộ, lưu kho cho các chủ shop.

Ngoài ra, để phát triển mảng thương mại trên Zalo, thời gian gần đây, VNG - đơn vị sở hữu ứng dụng Zalo, đang tập trung vào hai nhóm sản phẩm mới là Thanh toán điện tử ZaloPay và Dịch vụ đám mây VNG CLOUD. Đến nay, 90% ngân hàng đã kết nối với ZaloPay.

Trước Zalo Shop, Zalo cũng đã giới thiệu hệ thống mua quảng cáo tự động, giúp các doanh nghiệp tự đặt giá quảng cáo, lựa chọn đối tượng khách hàng như ý, theo dõi hiệu quả và kiểm soát chi phí.

Zalo Shop chưa được cấp phép hoạt động?

Đáng chú ý, tuy đã tồn tại được 5 năm, nhưng vào tháng 7/2020 khi trả lời phỏng vấn Thông tấn xã Việt Nam, ông Đặng Hoàng Hải - Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết Zalo Shop chưa được cấp phép hoạt động.

Cụ thể, theo ông Hải, ung dụng Zalo là ứng dụng di động cho phép các thương nhân, tổ chức, cá nhân không phải chủ sở hữu ứng dụng có thể tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình mua bán hàng hóa, dịch vụ trên đó.

Do vậy, ứng dụng Zalo là ứng dụng sàn giao dịch thương mại điện tử theo quy định tại Khoản 4 Điều 3 Thông tư số 59/TT-BCT của Bộ Công Thương ban hành ngày 31/12/2015.

Đơn vị xây dựng, quản lý và vận hành ứng dụng Zalo có trách nhiệm đăng ký hoạt động ứng dụng này với Bộ Công Thương theo quy định tại Điều 6 Thông tư số 59/TT-BCT.

"Song đến nay, ứng dụng cung cấp dịch vụ thương mại điện tử Zalo chưa đăng ký với Bộ Công Thương theo quy định", Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết.

Tại Việt Nam, hiện ngoài Zalo Shop có thể kể đến các dịch vụ tương tự như Facebook Marketplace, Instagram,… của Facebook, thu hút hàng triệu người tham gia. Riêng Zalo, theo công bố tính đến cuối năm 2020, ứng dụng nhắn tin này đang sở hữu 100 triệu tài khoản người dùng trải rộng khắp các nhóm đối tượng.

Với con số này thì chắc chắn đây là thị trường rất rộng lớn, đảm bảo nguồn khách hàng khổng lồ cho những doanh nghiệp kinh doanh trên Zalo Shop và biến nó trở thành một trong những kênh bán hàng online với lượng người có tiềm năng tiếp cận lớn nhất ở Việt Nam lúc này.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Tại sao máy bay trực thăng có thể bay cao tới 6000 mét?

Thưởng thức mochi trà xanh ngon ngất ngây tại nhà

Panna Cotta thạch đào ngọt lịm cho mùa hè này