Động lực giúp FLC có lãi trong năm 2020
Bên cạnh các mảng kinh doanh cốt lõi như hàng không, bất động sản và du lịch, hoạt động tài chính cũng mang lại nguồn thu lớn cho Tập đoàn FLC trong năm 2020.
Trong quý IV vừa qua, Tập đoàn FLC ghi nhận doanh thu thuần từ bán hàng và cung cấp dịch vụ 3.466 tỷ đồng, giảm 32% so với cùng kỳ năm trước. Công ty giải trình nguyên nhân là do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Lỗ gộp trong quý cuối năm 2020 là 670 tỷ đồng, tăng 82% so với số lỗ 368 tỷ đồng trong quý IV/2019. Tuy nhiên, FLC ghi nhận doanh thu hoạt động tài chính lên tới 3.686 tỷ đồng, cao hơn doanh thu hoạt động kinh doanh cốt lõi và tăng 149% so với quý cuối năm 2019.
Nhờ vậy, tập đoàn của Chủ tịch Trịnh Văn Quyết báo lãi trước thuế 2.500 tỷ đồng, gấp 5 lần cùng kỳ và gấp hơn 4 lần quý liền trước.
Lũy kế cả năm 2020, doanh thu thuần của FLC giảm 16% xuống còn 13.394 tỷ đồng; lỗ gộp 3.246 tỷ đồng, gấp 3,2 lần năm 2019; doanh thu tài chính tăng 44% lên hơn 5.457 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế năm vừa qua đạt 183 tỷ đồng, giảm 74% so với năm 2019 nhưng khả quan hơn nhiều so với kế hoạch lỗ 1.957 tỷ đồng mà đại hội cổ đông thông qua hồi tháng 6.
Trong phần thuyết minh báo cáo tài chính, FLC cho biết trong 5.457 tỷ đồng doanh thu hoạt động tài chính năm vừa qua có hơn 360 tỷ đồng đến từ lãi tiền gửi, tiền cho vay; hơn 4.700 tỷ đồng đến từ lãi bán các khoản đầu tư và trên 370 tỷ đồng doanh thu tài chính khác.
Trong năm 2020, Tập đoàn FLC không thông báo thoái vốn khỏi công ty con hay công ty liên kết nào, danh sách công ty con và liên kết tại ngày 31/12 không đổi so với ngày đầu năm. Như vậy, khoản lợi nhuận 4.700 tỷ đồng nói trên đến từ việc mua bán cổ phiếu các doanh nghiệp khác.
Chẳng hạn, trong 6 tháng đầu năm, FLC đã thoái vốn khỏi Công ty cổ phần FLC Travel và Công ty cổ phần Xây dựng FLC Faros (Mã: ROS) với giá vốn của các khoản đầu tư lần lượt là 328 tỷ đồng và 213 tỷ đồng.
Trong quý IV/2020, Tập đoàn FLC tiếp tục bán 1,24 triệu cổ phiếu GAB tại CTCP Đầu tư khai khoáng và Quản lý tài sản FLC. Số cổ phiếu này được FLC ghi nhận theo giá trị gốc 12,4 tỷ đồng nhưng tính theo giá thị trường trong thời gian thoái vốn, FLC đã thu về khoảng 230 tỷ đồng.
Tại ngày 30/9/2020, Tập đoàn FLC đang nắm giữ 2.630 tỷ đồng chứng khoán kinh doanh. Đến ngày cuối năm 31/12, giá trị khoản mục này chỉ còn 87 tỷ đồng. Như vậy, ngoài việc thoái vốn khỏi FLC Travel, FLC Faros và FLC GAB như nói ở trên, tập đoàn của Chủ tịch Trịnh Văn Quyết còn thực hiện nhiều giao dịch mua bán chứng khoán khác trong năm 2020.
FLC không thuyết minh cụ thể khoản mục "Chứng khoán kinh doanh" gồm các cổ phiếu nào.
Trong lĩnh vực hàng không, hãng bay Bamboo Airways của FLC là hãng duy nhất tại Việt Nam đạt được tăng trưởng công suất khai thác, đội bay, đường bay, nhân lực so với cùng kỳ năm trước.
Trong hai năm đầu hoạt động 2019 - 2020, Bamboo Airways đều dẫn đầu toàn ngành về tỷ lệ cất cánh đúng giờ. Hiện nay hãng đang khai thác khoảng 140 – 150 chuyến bay/ngày. Đội tàu bay của Bamboo Airways hiện nay có 30 chiếc, bao gồm những dòng máy bay hiện đại như Boeing 787-9 Dreamliner, Embraer E195.
Trong lĩnh vực bất động sản, FLC gần đây đã thực hiện nhiều hoạt động đáng chú ý như khai trương khách sạn quy mô lớn nhất Việt Nam FLC Grand Hotel Quynhon, bàn giao tổ hợp văn phòng, căn hộ khách sạn và trung tâm thương mại FLC Sea Tower Quynhon…
Cùng với đó, FLC cũng khởi công giai đoạn 2 quần thể du lịch FLC Vĩnh Phúc và giai đoạn 2 quần thể du lịch FLC Quảng Bình (Quảng Bình).
Năm 2021, FLC dự kiến sẽ phát triển và ra mắt gần 20 dự án tại các thị trường Hà Nội, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Thanh Hoá, Bình Định, Quảng Bình, Gia Lai, Kon Tum, Đồng Tháp… thuộc hai phân khúc chiến lược là bất động sản nghỉ dưỡng và đô thị.
Nhận xét
Đăng nhận xét