Vietjet Air đạt 274 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong quý 4/2020

 Vietjet được đánh giá có nội lực mạnh mẽ để sẵn sàng tăng trưởng trở lại trong năm 2021, mang tới cơ hội bay với chi phí tiết kiệm, linh hoạt, cung cấp đa dạng dịch vụ cho hành khách.



Công ty Cổ phần Hàng không Vietjet đã công bố báo cáo tài chính với kết quả doanh thu hợp nhất quý 4/2020 đạt 4.430 tỷ đồng và doanh thu hợp nhất cả năm 2020 đạt 18.210 tỷ đồng.

Kết thúc quý 4/2020, Vietjet đạt lợi nhuận sau thuế của Công ty mẹ là 274 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất là 995 tỷ đồng. Tính cả năm 2020, Vietjet đạt lợi nhuận sau thuế hợp nhất là 70 tỷ đồng, là một trong số ít các hãng hàng không trên thế giới không sa thải nhân viên và hoạt động có lợi nhuận trong năm 2020.

Báo cáo tài chính của Vietjet cũng ghi nhận cơ cấu doanh thu phụ trợ đạt gần 50% cho thấy hãng đã tăng cường các dịch vụ phụ trợ để bù đắp doanh thu vé máy bay.

Cũng theo báo cáo, Vietjet có tổng tài sản 47.036 tỷ đồng, nguồn vốn chủ sở hữu đạt 17.326 tỷ đồng bao gồm cổ phiếu quỹ, chỉ số nợ vay/vốn chủ sở hữu rất thấp, chỉ 0,66 lần và chỉ số thanh khoản hiện hành tiếp tục duy trì ở mức 1,2 lần, mức tốt trong ngành hàng không thế giới.

[Vietjet giảm tới 50% giá vé toàn mạng nội địa suốt năm 2021]

Trong năm 2020, Vietjet đã chuyển đổi cấu hình một số tàu bay thành vận tải hàng hóa, áp dụng phương thức khai thác mới để tăng cường năng lực vận tải hàng hoá cho đội bay. Hãng cũng là hãng hàng không đầu tiên được nhà chức trách phê chuẩn phương thức chở hàng trên khoang hành khách.

Hãng đã vận chuyển hơn 60.000 tấn hàng hoá quốc tế. Doanh thu bán vận chuyển hàng hoá trong và ngoài nước trong quý 4/2020 tăng nhanh, đạt 75%, cả năm tăng trưởng 16%. Thông qua các thoả thuận liên danh, hàng hóa của Vietjet đã đi tới châu Mỹ, châu Âu - những điểm đến mà trước đó hãng chỉ mới lên kế hoạch.

Những kết quả này đã giúp Vietjet được Tạp chí về vận tải hàng không Payload Asia vinh danh là “Hãng hàng không vận chuyển hàng hoá trong khoang hành lý tốt nhất của năm” và “Hãng hàng không chi phí thấp có hoạt động vận chuyển hàng hoá tốt nhất năm.”

Năm 2020 cũng đánh dấu việc đưa vào vận hành Trung tâm khai thác mặt đất Vietjet (VJGS) tại sân bay quốc tế Nội Bài. VJGS giúp Vietjet nâng cao chất lượng, dịch vụ, đồng bộ nhận diện thương hiệu và quản lý tốt chi phí vận hành.

Vietjet đã cho ra mắt những sản phẩm, dịch vụ giúp hành khách lựa chọn hành trình linh hoạt hơn như thẻ bay không giới hạn Power Pass, nâng cấp với Power Pass Skyboss hoặc tiện ích nhiều hơn với hạng vé Skyboss và Deluxe.

Vietjet quyết liệt triển khai các chương trình tiết kiệm chi phí, như tối ưu hoá khai thác đội tàu bay giảm 10% chi phí, đàm phán giảm đơn giá 20% - 25% với nhà cung cấp, cắt giảm 10% chi phí hoạt động thông thường… Ngoài ra, hãng triển khai thành công chương trình mua trữ xăng dầu, giúp giảm chi phí 25% so với thị trường.

Vietjet quyết định chuyển nhượng danh mục đầu tư và một số tài sản đã tích luỹ trong thời gian trước đó để tập trung nguồn vốn, tập trung tiền mặt và nuôi dưỡng nguồn lực để phục hồi khi hàng không bật tăng trở lại.

Trong năm 2020, hãng đã khai thác 78.462 chuyến bay với 120.093 giờ bay an toàn, vận chuyển hơn 15 triệu lượt khách. Với việc triệt để áp dụng các quy định về an toàn phòng chống dịch của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các nhà chức trách, trong năm 2020, toàn bộ nhân viên và hành khách của Vietjet được an toàn.

Vietjet ghi nhận những kết quả khai thác tích cực như hệ số sử dụng ghế đạt trên 80%, tỷ lệ đúng giờ đạt trên 90% - tỷ lệ cao trên thế giới. Vietjet là hãng hàng không có độ tin cậy kỹ thuật đạt 99,64%, xếp hạng 7/7 sao về an toàn, được Airlineratings bình chọn là hãng hàng không chi phí thấp an toàn nhất thế giới năm 2020.

[Những nhân vật làm thay đổi kinh tế thế giới trong dịch COVID-19]

Bên cạnh hoạt động thương mại, Vietjet tham gia nhiều hoạt động thiện nguyện, hỗ trợ hành khách và cộng đồng, lan tỏa tinh thần sống tốt, sống đẹp của người Vietjet đến với cộng đồng trong nước và quốc tế. Doanh nhân Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng giám đốc Vietjet đã được vinh danh là 1 trong 110 nhân vật có ảnh hưởng nhất tại châu Á trong công tác thiện nguyện.

Hiện nay, Vietjet đã khôi phục hoàn toàn mạng bay nội địa với hơn 47 đường bay. Với sự hỗ trợ của Chính phủ về việc giảm thuế, giãn thuế, giảm chi phí hạ cất cánh, phục vụ mặt đất và điều hành bay…, cùng với kế hoạch hỗ trợ về mặt tài chính của chính phủ cho các hãng hàng không, bên cạnh khả năng quản lý chi phí, khai thác, vận hành tốt và sự dẫn đầu đổi mới sáng tạo trong ngành hàng không, Vietjet được đánh giá có nội lực mạnh mẽ để sẵn sàng tăng trưởng trở lại trong năm 2021, mang tới cơ hội bay với chi phí tiết kiệm, linh hoạt, cung cấp đa dạng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của khách hàng và tăng doanh thu cho hãng hàng không./.


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

1.300 CBCS Công an tham gia diễn tập thực binh phòng, chống khủng bố

Câu nói nào nghe xong khiến bạn bật khóc?

Món bò Beefsteak sốt tiêu sọ và nấm