Vinamilk lần đầu đạt lãi ròng trên 11.000 tỷ đồng
Nhờ việc hợp nhất báo cáo tài chính với GTNFoods, Vinamilk - hãng sữa lớn nhất Việt Nam - có năm tài chính đầu tiêu ghi nhận lợi nhuận ròng cao kỷ lục và vượt 11.000 tỷ đồng.
Công ty CP Sữa Việt Nam - Vinamilk (VNM) vừa công bố báo cáo tài chính quý IV và cả năm 2020 với khoản lợi nhuận năm cao kỷ lục và vượt 11.000 tỷ đồng.
Nếu tính riêng 3 tháng cuối năm 2020, nhà kinh doanh sữa lớn nhất Việt Nam ghi nhận 14.425 tỷ đồng doanh thu thuần hợp nhất, tăng 1,3% so với cùng kỳ 2019. Trong đó, mảng kinh doanh trong nước mang về 12.122 tỷ, chiếm 84% doanh thu hợp nhất và tăng 3,3% so với cùng kỳ. Số tăng chủ yếu ở mảng kinh doanh này đến từ việc hợp nhất kết quả kinh doanh của Công ty CP GTNFoods (GTN).
Trong quý cuối năm vừa qua, mảng kinh doanh sữa của GTN – Công ty CP Sữa Mộc Châu cũng đạt gần 700 tỷ đồng, tăng 12%.
Tại thị trường nước ngoài, Vinamilk thu về 2.303 tỷ đồng quý vừa qua, trong đó xuất khẩu trực tiếp chiếm tỷ lệ 67%, còn lại là đóng góp từ các chi nhánh nước ngoài.
Với việc giá vốn tăng mạnh hơn doanh thu, biên lợi nhuận gộp quý IV/2020 của doanh nghiệp này có xu hướng giảm nhẹ so với cùng kỳ 2019, đạt 46,2% và mang về 6.658 tỷ đồng, giảm so với cùng kỳ.
Theo lãnh đạo doanh nghiệp, nguyên nhân của đà sụt giảm này cũng đến từ việc hợp nhất báo cáo với GTNFoods, khi biên lãi gộp của Mộc Châu Milk thấp hơn so với Vinamilk.
Tuy vậy, nếu tính riêng tại Mộc Châu Milk, biên lợi nhuận của hãng sữa này quý vừa qua đã đạt 33%, tăng mạnh so với mức 21,3% của cùng kỳ 2019.
Trong khi lãi gộp sụt giảm thì doanh thu hoạt động tài chính của Vinamilk lại tăng gần gấp 3 lần so với cùng kỳ do công ty tăng hàng nghìn tỷ đồng tiền gửi ngân hàng lấy lãi trong năm.
Kết quả này giúp doanh nghiệp vẫn ghi nhận khoản lợi nhuận sau thuế tăng gần 3%, đạt 2.236 tỷ đồng sau khi trừ hết các chi phí phát sinh trong kỳ và chi phí thuế thu nhập. Biên lãi ròng hợp nhất nhờ đó cải thiện và đạt tỷ lệ 15,5%.
Tính chung cả năm 2020, nhà kinh doanh sữa nước lớn nhất Việt Nam đạt 59.723 tỷ đồng doanh thu hợp nhất, tăng gần 6% so với năm 2019 và hoàn thành 100% kế hoạch đề ra. Khoản doanh thu thuần hợp nhất công ty thu về là 59.636 tỷ đồng, bao gồm 85% từ thị trường trong nước và 15% từ thị trường nước ngoài.
Tương tự quý IV, biên lãi gộp của năm 2020 của Vinamilk cũng có xu hướng sụt giảm do hợp nhất kết quả kinh doanh của GTNFoods. Tỷ suất này hiện đạt 46,4%, giảm 0,78 điểm % so với cả năm 2019.
Tuy vậy, khoản doanh thu tăng mạnh nhất nhiều năm cùng việc thu về 1.600 tỷ đồng từ hoạt động tài chính (tăng gấp đôi cùng kỳ) đã giúp công ty sữa này thu về khoản lợi nhuận sau thuế gần 11.236 tỷ đồng, tăng 6,5% và vượt 5% kế hoạch đề ra cả năm. Đây cũng là năm đầu tiên Vinamilk ghi nhận lợi nhuận ròng vượt mốc 11.000 tỷ đồng, dù công ty đã có 3 năm liên tiếp lợi nhuận vượt 10.000 tỷ.
Tính chung cả năm 2020, biên lãi ròng của doanh nghiệp này vẫn đạt 18,8%, tăng nhẹ so với 2019.
Tính đến cuối năm 2020, Vinamilk có tổng tài sản đạt hơn 48.400 tỷ đồng, tăng 8% so với đầu năm và tiếp tục duy trì là doanh nghiệp ngành sữa có quy mô tài sản lớn nhất.
Đáng chú ý, hơn 40% tổng tài sản của doanh nghiệp này hiện tại là tiền mặt và các khoản tiền gửi ngân hàng có lãi.
Trong đó, Vinamilk hiện có trên 2.100 tỷ tiền mặt và tương đương tiền, cùng hơn 17.300 tỷ tiền gửi có kỳ hạn tại các ngân hàng. Số tiền gửi có kỳ hạn này đã tăng gần 5.000 tỷ so với năm 2019 và là nguyên nhân giúp doanh thu hoạt động tài chính tăng mạnh bất chấp mặt bằng lãi suất tiền gửi có xu hướng giảm.
Hiện Vinamilk vẫn là một trong những doanh nghiệp có lượng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng lớn nhất thị trường Việt Nam với xấp xỉ 20.000 tỷ đồng. Khoản tiền lớn này mỗi năm đều mang về cho doanh nghiệp hàng nghìn tỷ đồng lãi từ việc gửi ngân hàng.
Nhận xét
Đăng nhận xét