Lợi nhuận Vingroup giảm, VinFast và VinSmart khởi sắc
Với doanh thu và biên lãi gộp giảm, Vingroup ghi nhận mức lãi ròng gần 4.400 tỷ đồng cả năm 2020, chỉ bằng 57% năm liền trước. Dù vậy, mảng sản xuất của Vingroup khởi sắc.
Tập đoàn Vingroup (VIC) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV và cả năm 2020 với đà sụt giảm tại cả chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận ròng so với cùng kỳ năm 2019.
Trong đó, tính riêng 3 tháng cuối năm 2020, Vingroup ghi nhận hơn 35.900 tỷ đồng doanh thu, thấp hơn 4% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân do năm 2020 Vingroup không còn ghi nhận doanh thu lĩnh vực bán lẻ như 2019.
Nếu loại trừ doanh thu hoạt động này trong quý IV/2019, doanh thu quý gần nhất của tập đoàn vẫn tăng 21% so với cùng kỳ.
Giảm sau 4 năm tăng liên tiếp
Trong cơ cấu doanh thu quý IV/2020, mảng bất động sản mang về cho Vingroup 22.157 tỷ đồng, tăng 47% so với cùng kỳ nhờ việc 3 đại dự án Vinhomes bước vào giai đoạn bàn giao nhà. Bên cạnh đó, số thu từ hoạt động cho thuê bất động sản đầu tư và các dịch vụ liên quan cũng tăng 36%, đạt 1.846 tỷ đồng.
Trong quý, thu từ hoạt động du lịch và vui chơi giải trí của tập đoàn đạt 1.052 tỷ, thấp hơn 40% so với cùng kỳ chủ yếu do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Còn lại, số thu từ hoạt động sản xuất trong kỳ cũng tăng 40%, đạt 6.903 tỷ đồng.
Mức doanh thu hợp nhất quý IV/2020 giảm trong khi tỷ lệ giá vốn/doanh thu tăng khiến lãi gộp của Vingroup giảm tới 36% quý vừa qua. Ngược lại, nhờ việc gia tăng hoạt động bán các khoản đầu tư và một phần của dự án bất động sản ghi nhận như một khoản doanh thu tài chính, tập đoàn này ghi nhận gần 11.800 tỷ doanh thu từ hoạt động này.
Ở chiều chi phí, trong khi Vingroup tiết giảm được gần 1.100 tỷ chi phí bán hàng thì khoản chi phí tài chính và chi phí quản lý doanh nghiệp lại tăng lần lượt 1.400 tỷ và 2.000 tỷ đồng. Kết quả, tập đoàn của tỷ phú Phạm Nhật Vượng thu về khoản lợi nhuận trước thuế 4.231 tỷ riêng quý IV, giảm 32% so với cùng kỳ.
Lợi nhuận sau khi trừ thuế Thu nhập doanh nghiệp tại đây đạt 1.551 tỷ, giảm 57%.
Tính chung cả năm 2020, cả chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận của Vingroup đều giảm so với 2019 vì không còn ghi nhận doanh thu hoạt động bán lẻ của 2 chuỗi VinMart và VinMart+.
Trong đó, tổng doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ năm vừa qua của tập đoàn đạt 110.736 tỷ đồng, thấp hơn 15% so với 2019. Tỷ lệ giá vốn/doanh thu tăng đáng kể khiến biên lãi gộp giảm về 15,6% từ mức 28,9% năm liền trước. Điều này khiến lãi gộp cả năm của Vingroup giảm hơn một nửa so với năm trước, đạt 17.281 tỷ đồng.
Tuy nhiên, doanh thu hoạt động tài chính tăng hơn gấp đôi nhờ các hoạt động chuyển nhượng khoản đầu tư giúp lợi nhuận trước thuế của Vingroup chỉ giảm 13% và đạt 13.962 tỷ đồng.
Năm 2020 cũng chứng khiến chi phí thuế Thu nhập doanh nghiệp Vingroup phải chịu cũng cao hơn 2019 do tỷ trọng các mảng kinh doanh chịu thuế suất cao tăng. Vì vậy, sau khi trừ thuế thu nhập, hoạt động kinh doanh năm vừa qua của Vingroup mang về cho các cổ đông 4.388 tỷ đồng lãi ròng, thấp hơn 43% năm 2019.
Mức sụt giảm lãi ròng kể trên cũng chấm dứt đà tăng trưởng 4 năm liên tiếp của tập đoàn này.
Mảng sản xuất tiến gần tới điểm hòa vốn
Ngoài mảng bất động sản vẫn ghi nhận tăng trong năm vừa qua, hoạt động sản xuất (bao gồm VinFast và VinSmart) của Vingroup cũng cho thấy bức tranh khởi sắc.
Trong đó, VinFast đã bán ra tổng cộng 31.500 xe ôtô trong năm vừa qua, trong đó VinFast Fadil, VinFast Lux A và VinFast Lux SA đều là mẫu xe bán chạy nhất trong các phân khúc tương ứng.
Trong quý IV, nhà sản xuất xe hơi của Vingroup cũng đã mở rộng mạng lưới phân phối và bảo hành, bảo dưỡng với 50 showroom/xưởng dịch vụ và 28 đại lý ủy quyền ôtô và 70 showroom/xưởng dịch vụ cùng 50 đại lý ủy quyền xe máy điện.
Trong mảng điện thoại, VinSmart vẫn nằm trong nhóm thương hiệu điện thoại bán chạy nhất quý IV/2020.
Tại buổi gặp mặt nhà đầu tư mới đây, lãnh đạo Vingroup cho biết công ty phụ trách mảng sản xuất ôtô và xe điện của tập đoàn - VinFast dự kiến tung ra các mẫu xe điện vào thị trường Mỹ từ đầu năm 2022, và đã có kế hoạch hòa vốn EBITDA (lợi nhuận trước lãi vay, thuế và khấu hao) trong 5 năm tới.
Tập đoàn này kỳ vọng VinFast sẽ nắm được 30% thị phần ôtô trong nước và xuất khẩu các mẫu xe điện ra nước ngoài.
Tuy nhiên, hiện tại, hoạt động của VinFast và VinSmart vẫn chưa thể tiến tới điểm hòa vốn. Năm vừa qua, Vingroup vẫn phải bù lỗ hàng chục nghìn tỷ trước thuế cho bộ phận kinh doanh này.
Cụ thể, báo cáo kết quả kinh doanh bộ phận năm 2020 của tập đoàn này cho biết chuyển nhượng bất động sản và cho thuê bất động sản đầu tư vẫn là 2 bộ phận kinh doanh có lãi. Ngược lại, toàn bộ mảng kinh doanh còn lại như dịch vụ khách sạn du lịch, vui chơi giải trí; y tế; giáo dục; sản xuất… vẫn lỗ trước thuế bộ phận.
Trong đó, mảng sản xuất với doanh thu thuần cao thứ 2 toàn tập đoàn (chỉ sau chuyển nhượng bất động sản) nhưng cũng là mảng lỗ trước thuế nặng nhất với hơn 13.964 tỷ đồng.
Mức lỗ này đã tăng hơn 40% so với số lỗ năm liền trước nhưng so với đà tăng gấp đôi của doanh thu bộ phận sản xuất năm 2020 thì mức lợi nhuận âm kể trên vẫn là con số tích cực. Kết quả này cho thấy mảng sản xuất của Vingroup đang tiến gần hơn với điểm hoàn vốn EBITDA như ban lãnh đạo kỳ vọng.
Ngoài mảng sản xuất lỗ trước thuế gần 14.000 tỷ, Vingroup cũng phải bù lỗ cho các bộ phận kinh doanh khác như hơn 9.000 tỷ tại mảng dịch vụ khách sạn và vui chơi giải trí; bù lỗ hơn 1.400 tỷ cho mảng y tế; hơn 200 tỷ cho mảng giáo dục; và hơn 1.800 tỷ cho hoạt động kinh doanh khác.
Nhận xét
Đăng nhận xét