“Nóng” thị trường bất động sản cho… người âm

 Thị trường bất động sản trên dương gian “nóng” từ bao lâu nay là chuyện ai cũng biết. Thế nhưng có một điều thú vị có thể nhiều người chưa biết, là từ nhiều năm nay, thị trường bất động sản cho… “người âm” cũng nóng không kém, đặc biệt tại khu vực TP HCM và các tỉnh lân cận.



Có cả… thị trường “sản phẩm bất động sản huyệt mộ”


Theo số liệu trong một văn bản do Sở Quy hoạch Kiến trúc TP HCM ban hành, năm 2020, dân số TP HCM đạt 10 triệu người. Ước tính số người qua đời là khoảng 40.000 người/năm (chiếm 0,4%), trong đó 20% được đưa về mai táng tại quê, 80% mai táng ở TP HCM và các vùng lân cận.


Tại hàng ngàn nghĩa trang cũ ở TP HCM và Bình Dương, Biên Hòa (Đồng Nai), không ít đã đóng cửa không nhận thêm người mai táng từ nhiều năm nay. Còn đa số nghĩa trang mới cũng đã gần như kín chỗ, hoặc được đặt mua trước.


Thực tế ấy đã hình thành nên “phân khúc” bất động sản cho người chết. Với những gia đình có điều kiện kinh tế, sẽ tìm đến những nghĩa trang “tư nhân”, thậm chí đặt trước, chấp nhận bỏ ra số tiền từ 50 triệu cho đến cả tỷ bạc mỗi mộ phần.


Những gia đình chưa dư dả, hoặc muốn nhanh gọn, thuận tiện, tiết kiệm, chọn phương án hỏa táng người thân qua đời, gửi hũ tro cốt vào các nghĩa trang, hoặc gửi vào chùa, cơ sở tôn giáo.


Tuy nhiên sau vụ thất lạc hàng trăm hũ tro cốt tại một ngôi chùa ở quận Gò Vấp (TP HCM) hồi cuối tháng 8/2020 vừa qua, nhiều người cũng cân nhắc lại. Thị trường bất động sản cho người âm vì vậy lại càng thêm “nóng”.


Có thể nói đã hình thành một hệ thống nghĩa trang tư nhân, thường được gọi gắn với những danh từ như “nghĩa trang sinh thái”, “hoa viên”… quanh TP HCM, trong đó lượng khách hàng đến từ TP chiếm đa số. Có thể kể đến “Hoa viên nghĩa trang Bình Dương” tại TX Bến Cát, Bình Dương; “Nghĩa trang Sơn Trang Tiên Cảnh” tại Tây Ninh; tại Long An có “Nghĩa trang Sài Gòn Thiên Phúc”… Gần TP HCM bậc nhất, cách khoảng 35km với hơn nửa giờ xe chạy là Sala Garden tại xã Tân Hiệp, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai…


Theo tìm hiểu, để có được một mộ phần tại các nghĩa trang này, gia đình người qua đời phải bỏ ra số tiền từ 50 triệu đồng, chưa bao gồm chi phí xây mộ. Những người có điều kiện kinh tế cũng có thể lựa chọn những vị trí huyệt mộ có giá lên tới cả tỷ đồng, trong đó mộ phần phải tuân thủ quy định diện tích đất tối đa cho phần mộ cá nhân theo Nghị định 23/2016/NĐ-CP “về xây dựng, quản lý, sử dụng nghĩa trang và cơ sở hỏa táng” (phần mộ hung táng và chôn cất một lần tối đa không quá 5m2; phần mộ cát táng tối đa không quá 3m2), nhưng kèm diện tích cảnh quan bao quanh phần mộ cùng những dịch vụ chăm sóc được khẳng định “mãi mãi”…


Thậm chí, ở một số nghĩa trang, đã hình thành thị trường “sản phẩm bất động sản huyệt mộ”. Không ít người nhìn thấy “tiềm năng” trong lĩnh vực này, đã đầu tư vào các nghĩa trang, “ôm” các phần mộ, rồi có thể bán lại sinh lời.


Một nhà đầu tư đề nghị giấu tên chia sẻ: “Kể ra thì rất ngại bị cho rằng đầu tư như vậy là “kiếm tiền trên cái chết của người khác”. Nhưng thực tế luật không cấm và việc chúng tôi đầu tư vào nghĩa trang cũng giúp chủ đầu tư có ngay nguồn vốn để có thể triển khai dự án một cách bài bản quy mô, tạo cảnh quan đẹp; như vậy cũng là một việc làm tốt”.

Cuộc “ganh đua” ngấm ngầm


Một điều thú vị khác, ngay giữa các nghĩa trang tư nhân, cũng có một cuộc “cạnh tranh” ngấm ngầm, nhằm thu hút người sử dụng dịch vụ. Theo đánh giá của một người nhiều năm trong nghề, các doanh nghiệp quản lý các nghĩa trang từ nhiều năm nay cạnh tranh trên hai lĩnh vực: Chú trọng đầu tư vào cảnh quan… cùng các dịch vụ tiện ích đi kèm.


Ở khía cạnh thứ nhất, các nghĩa trang này đều đầu tư dạng mô hình nghĩa trang kết hợp cơ sở tôn giáo, nghĩa trang kết hợp công viên. Các nghĩa trang đều theo “mô tuýp” có rừng cây, có cơ sở tôn giáo chùa chiền, khuôn viên đặt nhiều tượng Phật…


Sau này, để tạo sự khác biệt, tại một số nơi như Sala Garden, còn táo bạo áp dụng quy chế học từ quy định pháp luật dành cho bất động sản “dương gian”: Đó là đầu tư cực kỳ quy mô vào cảnh quan, nhưng với mộ phần cá nhân thì chỉ được xây theo mẫu mộ đã được duyệt sẵn, đúng kiểu nhà phố, nhà liền kề trong các khu đô thị.


Đại diện BQL nghĩa trang này giải thích: “Chúng tôi đã tham khảo nhiều khu nghĩa trang nổi tiếng thế giới, cũng như nghiên cứu kỹ quy định pháp luật và tâm lý người Việt chúng ta. Quy định xây mộ theo mẫu có sẵn không chỉ tránh tình trạng mộ lớn, mộ nhỏ lô xô, mà còn đảm bảo được cái đẹp đồng nhất đồng bộ, phù hợp với ý tưởng quy hoạch đây là một công viên – nghĩa trang”.


Ở khía cạnh dịch vụ, có đi tới nơi mới hay nhiều nghĩa trang tư nhân không chỉ có chức năng đào mộ hạ huyệt người đã khuất, mà có thể còn “kiêm nhiệm” các khâu từ tổ chức tang lễ, an táng, làm các nghi lễ cúng bái thay gia chủ, đến chăm sóc mộ phần “vĩnh viễn”.


Như tại Sala Garden, có thể gọi là “tổ hợp tang lễ”, khi có đủ các công trình trong khuôn viên để phục vụ người chết, từ tẩm liệm, làm tang lễ, cải táng, lò hỏa táng… và có cả nơi lưu trú cho người đến thăm viếng mộ, nhà hàng chay phục vụ những người đến dự tang lễ…


Công nghệ thời 4.0 cũng được đưa vào nghĩa trang: Sau khi người đã khuất “mồ yên mả đẹp”, người thân sẽ được cung cấp phần mềm điện thoại cùng địa chỉ website để có thể tra cứu phần mộ với hình ảnh được liên tục cập nhật cùng đầy đủ thông tin về người đã khuất, tình trạng chăm sóc mộ phần, thậm chí người thân sẽ được nhắc ngày cúng giỗ…


Để tạo sự khác biệt, có chủ dự án nghĩa trang còn có những quyết định “chơi lớn”. Nhiều người đầu tư vào mảng bất động sản huyệt mộ tới nay vẫn nhắc tới chuyện một nghĩa trang tư nhân tại Đồng Nai đã đổ 120 tỷ đồng chỉ để thực hiện hệ thống xử lý nước và khí thải tại từng mộ phần theo tiêu chuẩn châu Âu.


Số tiền 120 tỷ chỉ là một vấn đề. Để làm được hệ thống này, nghĩa trang trên trước tiên phải xây dựng đồng bộ toàn bộ hàng chục ngàn kim tĩnh, mới có thể lắp đặt hệ thống ống thu gom nước và khí thải tới từng ngôi mộ được kết nối với hệ thống trung tâm xử lý, sau khi đạt chuẩn an toàn mới thải ra ngoài.


Theo nhiều ý kiến, xã hội càng phát triển, đời sống kinh tế càng đi lên, thì việc tìm nơi an nghỉ đẹp hơn, hiện đại hơn, ý nghĩa hơn cho người đã khuất cũng là điều rất cần thiết. Tuy nhiên theo một chuyên gia pháp lý, Nhà nước cũng cần nghiên cứu quan tâm tới lĩnh vực này hơn nữa, có thêm những quy định pháp luật cụ thể để khuyến khích phát triển những mô hình nghĩa trang thân thiện môi trường, cảnh quan đẹp, tiết kiệm đất đai mà vẫn bảo đảm ý nghĩa kính trọng người đã khuất.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Tại sao máy bay trực thăng có thể bay cao tới 6000 mét?

Thưởng thức mochi trà xanh ngon ngất ngây tại nhà

Panna Cotta thạch đào ngọt lịm cho mùa hè này