EVN ước lợi nhuận công ty Mẹ đạt 1.527 tỷ đồng, vượt kế hoạch

 Chiều ngày 12/01/2021 Tập đoàn đã tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021.



Tại hội nghị, Phó Tổng giám đốc EVN Nguyễn Tài Anh cho biết, đến cuối năm 2020, tổng công suất lắp đặt nguồn điện toàn hệ thống đạt 69.300MW, tăng gần 14.000MW so với năm 2019. Quy mô hệ thống điện Việt Nam đứng thứ 2 khu vực Đông Nam Á và thứ 23 thế giới.

Sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống năm 2020 là 247,08 tỷ kWh, tăng 2,9% so với năm 2019.

Điện thương phẩm toàn Tập đoàn đạt 216,95 tỷ kWh, tăng 3,42% so với năm 2019 và bằng 94,73% kế hoạch năm.Trong đó,Tổng công ty Điện lực miền Bắc tăng trưởng cao nhất 6,76%; Tổng công ty Điện lực miền Nam tăng trưởng 3,81% và Tổng công ty Điện lực thành phố Hà Nội tăng trưởng 2,63%.

EVN ghi nhận năm 2020, công ty mẹ và các đơn vị đều có lãi. Riêng lợi nhuận công ty mẹ ước đạt 1.527 tỷ đồng, vượt kế hoạch năm và tăng hơn 60% so với thực hiện năm 2019.

Tập đoàn nộp ngân sách 27.800 tỷ đồng. Chỉ tiêu tổn thất điện năng năm 2020 ước đạt 6,42% vượt chỉ tiêu đề ra (dưới 6,5%).

Về công tác dịch vụ khách hàng, tính đến nay, EVN đã cung cấp 12/12 dịch vụ điện và chiếm trên 77% giao dịch qua Cổng dịch vụ công quốc gia. Các dịch vụ điện thuộc nhóm các dịch vụ nổi bật, được nhiều người sử dụng nhất, chiếm tỷ lệ 77,16% số yêu cầu cung ứng dịch vụ trên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Đáng chú ý, EVN đã tiếp nhận trên 547.000 yêu cầu cung cấp dịch vụ điện qua Cổng DVCQG, vượt 13,88% kế hoạch.

Trong năm 2021, Tập đoàn cũng đặt ra các chỉ tiêu điện thương phẩm đạt 228,156 tỷ kWh, tăng 5,16% so với năm 2020; tỷ lệ tổn thất điện năng toàn Tập đoàn dưới 6,35. Ngoài ra, EVN dự kiến giá trị đầu tư xây dựng trong năm nay đạt 97.124 tỷ đồng.

EVN cho biết, trong năm 2021 sẽ hoàn thành các dự án Thủy điện Thượng Kon Tum, Thủy điện Đa Nhim mở rộng, các dự án Điện mặt trời Phước Thái 2 và 3, cụm công trình cửa xả dự án Thủy điện tích năng Bắc Ái.

Đồng thời, EVN cũng khởi công 4 dự án, gồm Thủy điện Hòa Bình mở rộng, Nhiệt điện Quảng Trạch I, Thủy điện Ialy mở rộng, Nhiệt điện Ô Môn IV và dự án cơ sở hạ tầng Trung tâm Điện lực Dung Quất.

Ngoài ra, để chuẩn bị cho giai đoạn 2021-2025 tới, EVN sẽ đẩy nhanh thực hiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư 6 dự án nguồn điện trọng điểm, gồm: Nhiệt điện Dung Quất I và III, Thủy điện Trị An mở rộng, Nhiệt điện Ô Môn III, Nhiệt điện Quảng Trạch II và Thủy điện Tích năng Bắc Ái giai đoạn 2.

Với các dự án lưới điện, trong năm 2021, EVN sẽ nỗ lực hoàn thành 256 công trình, khởi công 227 công trình lưới điện 110-500 kV; trong đó, tập trung đầu tư các công trình trọng điểm, như: đường dây 500 kV Vũng Áng – Dốc Sỏi – Pleiku 2; các công trình đồng bộ các nguồn điện lớn; các công trình giải tỏa công suất các nguồn năng lượng tái tạo, các nhà máy thủy điện khu vực phía Bắc; các công trình nhập khẩu điện từ Lào; các công trình cấp điện cho Tp. Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh và các khu vực phụ tải lớn.

Theo Hoàng Quyên/ Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Tại sao máy bay trực thăng có thể bay cao tới 6000 mét?

Thưởng thức mochi trà xanh ngon ngất ngây tại nhà

Panna Cotta thạch đào ngọt lịm cho mùa hè này