Biến động ngành bia: Zorok về chung nhà với Busweiser và Hoegaarden

 Kể từ tháng 1/2021, Công ty Bia SAB Việt Nam sẽ chấm dứt sự tồn tại và công ty AB InBev Việt Nam sẽ kế thừa toàn bộ quyền và lợi ích hợp pháp cũng như chịu trách nhiệm hoàn toàn các hợp đồng và nghĩa vụ tài sản của công ty Bia SAB Việt Nam. Theo đó, bia Zorok đã chính thức về chung nhà cùng Busweiser và Hoegaarden.



Vừa qua, được sự chấp thuận của Bộ Công thương và AB InBev Asia B.V. (Hà Lan) là chủ sở hữu đồng thời và là nhà đầu tư duy nhất của cả Anheuser-Busch InBev Việt Nam (AB InBev Việt Nam) và Bia SAB Việt Nam, việc sáp nhập hai công ty đã có hiệu lực chính thức. Theo đó, kể từ tháng 1/2021, Công ty Bia SAB Việt Nam sẽ chấm dứt sự tồn tại và công ty AB InBev Việt Nam sẽ kế thừa toàn bộ quyền và lợi ích hợp pháp cũng như chịu trách nhiệm hoàn toàn các hợp đồng và nghĩa vụ tài sản của công ty Bia SAB Việt Nam.

Thông tin này chẳng có gì bất ngờ với những người trong ngành bia, vì năm 2016 - sau thương vụ thế kỷ giữa Anheuser-Busch InBev và SABMiller (côn ty mẹ của Bia SAB Việt Nam), công ty Anheuser-Busch InBev trở thành công ty sản xuất bia lớn nhất toàn cầu, sở hữu 8 trên 10 nhãn hiệu bia hàng đầu thế giới. Thế nên, việc Bia SAB Việt Nam sáp nhập với AB InBev Việt Nam chỉ là vấn đề thời gian.

Cũng theo tiết lộ từ Anheuser-Busch InBev, về mặt nhân sự, toàn bộ nhân viên của Bia SAB sẽ trở thành nhân viên Anheuser-Busch InBev Việt Nam, với cùng vị trí làm việc, quyền và lợi ích hợp pháp của nhân viên không thay đổi. Công ty Anheuser-Busch InBev Việt Nam sẽ chịu trách nhiệm kế thừa thực hiện toàn bộ các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ và/hoặc liên quan đến hợp đồng lao động mà Công ty Bia SAB đã ký kết trước đó với người lao động.

Ông Trương Văn Toàn – Giám đốc Pháp lý, Truyền thông và Đối ngoại khu vực Đông Nam Á, cho biết: "Đây thật sự là một dấu ấn đáng nhớ của toàn bộ nhân viên, khi Bia SAB sáp nhập vào AB InBev Việt Nam để trở thành một công ty duy nhất là Anheuser-Busch InBev Việt Nam. Công ty mới sẽ sở hữu quy mô, cơ sở vật chất và nguồn lực để hoạt động với năng suất cao hơn và nâng cao năng lực cạnh tranh, chất lượng tại thị trường Việt Nam".

Ngoài ra, Anheuser-Busch InBev cho rằng việc sáp nhập của 2 doanh nghiệp này tại thị trường Việt Nam sẽ phù hợp với quy mô phát triển mới, huy động tối đa các nguồn lực để tăng năng lực sản xuất cũng như đơn giản hóa các nguồn lực về chuỗi cung ứng, logistics và quan trọng nhất là mở rộng thị trường.

AB InBev mở rộng phân khúc bia cấp trung

Với những thông báo từ AB InBev Việt Nam, có vẻ họ sẽ không triệt tiêu những thương hiệu bia chính mà Bia SAB Việt Nam đang sở hữu là Zorok và Miller. Theo đó, xem như bia Zorok, Miller đã chính thức về chung nhà cùng Busweiser và Hoegaarden.

Cùng những kết quả mà Bia SAB Việt Nam đạt được sau 14 năm gia nhập thị trường Việt Nam, có thể xem đây là một thương vụ đầu tư thất bại của SABMiller trước đây.

Ngày 30/06/2006 công ty liên doanh SAB Miller Việt Nam được thành lập với sự kết hợp giữa tập đoàn SABMiller và Vinamilk cùng tổng vốn đầu tư là 45 triệu USD. Nhà máy của công ty liên doanh này có công suất 100 triệu lít mỗi năm, tọa lạc tại Khu công nghiệp Mỹ Phước II (Bình Dương) với thiết bị và dây chuyền tự động thuộc thế hệ mới nhất của thế giới. Tại thời điểm đó, đây được xem là một trong những nhà máy sản xuất bia hiện đại nhất Việt Nam.

Ngày 26/01/2007, Zorok - nhãn hiệu bia đầu tiên của SAB Miller tại Việt Nam đã được tung ra thị trường. Tháng 3/2009, với việc Vinamilk chuyển nhượng lại toàn bộ phần vốn của mình cho SAB Miller, doanh nghiệp này trở thành công ty có 100% vốn nước ngoài, với tên gọi chính thức là công ty TNHH SAB Miller Việt Nam.

Ngoài 2 sản phẩm bia chính là Zorok và Miller, nhà máy của SAB Việt Nam còn còn sản xuất một số các sản phẩm như Hopstar, Castle, CMS và sản phẩm nước giải khát có cồn như Zima, Redd’s; chủ yếu dùng để xuất khẩu đến các nước trong khu vực ASEAN và châu Á. Dù đã có mặt trên thị trường được khoảng hơn 10 năm, song độ nhận diện của bia Zorok và bia Miller hết sức khiêm tốn. Bây giờ, dường như họ chỉ còn sản xuất bia Zorok, còn cái tên Miller gần như đã biến mất khỏi thị trường.

Phần mình, dù đang sở hữu tới 500 nhãn bia và phủ sóng khắp 150 quốc gia, song tại Việt Nam, Anheuser-Busch InBev chỉ sản xuất đúng 2 loại bia chủ lực là Busweiser và Hoegaarden, cũng như tập trung đánh vào phân khúc cao cấp.

Và nếu Anheuser-Busch InBev Việt Nam chỉ làm tiêu biến đi doanh nghiệp Bia SAB Việt Nam mà vẫn giữ thương hiệu Zorok và hồi sinh Miller, thì họ sẽ có ‘vũ khí’ để đánh thị trường cấp trung với 2 đối thủ là Huda hay Sabeco. Tuy nhiên, Anheuser-Busch InBev Việt Nam cần phải làm mới 2 thương hiệu này cũng như thay đổi chiến lược marketing – bán hàng, mới có thể tạo được cú hích trên thị trường.

Như thế, Anheuser-Busch InBev Việt Nam sẽ có thêm 1 nhà máy tại Khu công nghiệp Mỹ Phước II, ngoài 2 nhà máy sản xuất bia của mình đã đầu tư trước đó.

Anheuser-Busch InBev gia nhập thị trường Việt Nam từ năm 2012 và đến tháng 5/2015 mới chính thức khánh thành nhà máy bia tại Khu công nghiệp (KCN) VSIP II-A - Bình Dương. Đến năm 2016, nhà máy thứ hai của họ được xây dựng tại KCN Mỹ Phước cũng ở Bình Dương. Tổng mức đầu tư của 2 nhà máy tầm 250 triệu USD, với tổng công suất khoảng 1 triệu Hectolitre (1HL=100L).

Nhà máy bia đầu tiên ở VSIP Bình Dương - một trong số 55 nhà máy tiên tiến nhất trên toàn thế giới, hiện đang sản xuất nhãn hiệu toàn cầu Budweiser và nhãn hiệu quốc tế Beck’s; nhà máy tại Mỹ Phước sẽ tiếp tục sản xuất bia Hoegaarden cùng một số thương hiệu bia xuất khẩu cho thị trường Nhật Bản và Đông Nam Á.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Những món ăn đường phố Thượng Hải gây nhức nhối

Bún bò xào đậm chất Nam Bộ

Tại sao máy bay trực thăng có thể bay cao tới 6000 mét?