GDP đạt mức tăng trưởng 2,91%, thuộc nhóm cao nhất thế giới

 Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực tới các lĩnh vực kinh tế - xã hội, tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2020 ước tính tăng 2,91% so với năm trước, được xem là nỗ lực lớn của Việt Nam với mức tăng trưởng năm 2020 thuộc nhóm cao nhất thế giới.



Cụ thể: Quý I/2020 tăng 3,68%; quý II/2020 tăng 0,39%; quý III/2020 tăng 2,69%; quý IV/2020 tăng 4,48%. “Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực tới kinh tế - xã hội thì mức tăng trưởng kinh tế dương được coi là thành công lớn của Việt Nam. Điều này cho thấy tính đúng đắn trong chỉ đạo, điều hành khôi phục kinh tế, phòng chống dịch bệnh và sự quyết tâm, đồng lòng của toàn bộ hệ thống chính trị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự nỗ lực, cố gắng của người dân và cộng đồng doanh nghiệp để thực hiện có hiệu quả mục tiêu ‘vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế - xã hội”, Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương nói.

Theo Tổng cục Thống kê, trong mức tăng chung của nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,68%, đóng góp 13,5% vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 3,98%, đóng góp 53%; khu vực dịch vụ tăng 2,34%, đóng góp 33,5%.

Trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, sản lượng của một số cây lâu năm, sản phẩm chăn nuôi chủ yếu và sản lượng tôm năm 2020 tăng khá nên tốc độ tăng của khu vực này đạt cao hơn năm 2019. Trong đó, ngành nông nghiệp tăng 2,55%, chỉ thấp hơn mức tăng của các năm 2011, năm 2012 và năm 2018 trong giai đoạn 2011 - 2020; ngành lâm nghiệp tăng 2,82% nhưng chiếm tỷ trọng thấp; ngành thủy sản tăng 3,08%, cao hơn mức tăng 2,8% của năm 2015 và năm 2016 trong giai đoạn 2011 - 2020. 

Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp năm 2020 tăng 3,36% so với năm trước; trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo đóng vai trò chủ chốt dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế với mức tăng 5,82%; sản xuất và phân phối điện tăng 3,92%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 5,51%; khai khoáng giảm 5,62% (do sản lượng khai thác dầu thô giảm 12,6% và khí đốt tự nhiên giảm 11,5%).

Liên quan đến chất lượng tăng trưởng kinh tế, đại diện Tổng cục Thống kê cho hay: Năng suất lao động của toàn nền kinh tế theo giá hiện hành năm 2020 ước tính đạt 117,9 triệu đồng/lao động (tương đương 5.081 USD/lao động, tăng 290 USD so với năm 2019 ). Theo giá so sánh, năng suất lao động tăng 5,4% do trình độ của người lao động ngày càng được nâng cao. Chỉ số hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (Hệ số ICOR) giảm từ 6,42 năm 2016 xuống 6,11 năm 2017; 5,98 năm 2018 và 6,08 năm 2019.

https://baotintuc.vn/kinh-te/gdp-dat-muc-tang-truong-291-thuoc-nhom-cao-nhat-the-gioi-20201227150825929.htm#:~:text=Trong%20b%E1%BB%91i%20c%E1%BA%A3nh%20d%E1%BB%8Bch%20COVID,nh%C3%B3m%20cao%20nh%E1%BA%A5t%20th%E1%BA%BF%20gi%E1%BB%9Bi.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Tại sao máy bay trực thăng có thể bay cao tới 6000 mét?

Thưởng thức mochi trà xanh ngon ngất ngây tại nhà

Panna Cotta thạch đào ngọt lịm cho mùa hè này