Chủ đa cấp Liên Kết Việt: 'Tôi không phải lưu manh'

 HÀ NỘIBị cáo Lê Xuân Giang, cựu chủ tịch Công ty Liên Kết Việt, xin lỗi các bị hại song vẫn khẳng định kinh doanh chân chính, "là người đàng hoàng, không phải lưu manh".

Trưa 24/12, sau hơn 3 ngày xét xử sơ thẩm vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại công ty đa cấp Liên Kết Việt, 7 bị cáo được HĐXX cho phép nói lời sau cùng trước khi nghị án.

Bị cáo Giang, bị đề nghị án chung thân, trong gần 11 phút trình bày đã xin lỗi, thanh minh và xin giảm nhẹ hình phạt. "Tôi là người lính xuất ngũ, mong muốn tạo công ăn việc làm, phát triển quê hương và giúp đồng đội, cộng đồng. Chỉ do thiếu hiểu biết pháp luật, công ty phát triển quá nhanh, biến tướng xấu. Tôi không chủ động lừa đảo, tôi là người đàng hoàng, không phải lưu manh".

Giang nói 11 năm phục vụ quân đội được trao tặng huân chương chiến sĩ vẻ vang hạng 3, trong quá trình điều tra đã nộp toàn bộ tài sản hưởng lợi bất chính. Bị cáo xin HĐXX cân nhắc các yếu tố giảm nhẹ như khai báo thành khẩn và có mẹ 80 tuổi, con trai mắc hội chứng "tự huỷ hoại bản thân". Bị cáo cam kết "khi đòi được nợ, sẽ xin và vay gia đình để trả hết tiền cho bị hại".

Bị cáo Thuỷ, cựu phó tổng giám đốc, bị đề nghị mức án từ 17-19 năm tù, khóc và gửi lời xin lỗi tới các bị hại có mặt tại phiên toà và cả người không thể tới dự. Thuỷ xuất thân là thợ cắt tóc, gội đầu, thừa nhận phạm tội do thiếu hiểu biết. "Chỉ khi nghe các bị hại phát biểu mấy ngày qua, tôi mới biết mình có lỗi với họ rất nhiều", Thuỷ nói.

Bị cáo Lê Thanh Sơn, 32 tuổi, bật khóc khi nói "tuổi đời còn quá trẻ" mà án đề nghị đến 14-15 năm tù. Sơn gửi lời xin lỗi tới gia đình và các bị hại, mong có cơ hội trở về làm người tốt đóng góp cho xã hội.

"Tôi hứa làm ăn chân chính", Sơn nói và thừa nhận, "không cần đến bản án của HĐXX thì cũng tự có bản án lương tâm đeo nặng suốt cuộc đời".

Các bị cáo còn lại đều bày tỏ ân hận, mong muốn được tuyên mức án thấp hơn đề nghị của VKS. Bị cáo Vũ Thị Hồng Dung, đọc một bài thơ tự sáng tác ở trong trại giam, mong muốn có ngày, sớm được nhìn thấy "mùa xuân ngoài trại".

Theo cáo buộc, Giang thành lập Công ty Cổ phần tập đoàn thiết bị y tế BQP năm 2004, chuyên sản xuất máy khử độc ozone, thực phẩm chức năng. Năm 2010, bị cáo tiếp tục thành lập Công ty Liên Kết Việt, xin cấp giấy phép kinh doanh đa cấp các sản phẩm của BQP.

Tháng 3/2013, Giang chỉ đạo in trên tất cả máy khử độc ozone của BQP dòng chữ "Sản phẩm này của Công ty BQP hợp tác sản xuất với Công ty Thanh Hà, Bộ Quốc phòng", dù thực tế không liên doanh, liên kết với đơn vị này.

Chiêu này cũng được áp dụng để lừa đảo, quảng bá cho hàng loạt thực phẩm chức năng là sản phẩm "liên kết hợp tác nghiên cứu khoa học" với các bệnh viện quân đội tuyến trung ương. Thực tế, cơ quan điều tra xác định, các giấy xác nhận đều do ông Giang tự soạn thảo nhằm gây nhầm lẫn về nguồn gốc xuất xứ.

Các bị cáo lôi kéo khách nộp tiền, hứa hẹn không cần mua sản phẩm vẫn có thể trở thành nhà phân phối, được trả hoa hồng cao thông qua 15 chương trình khuyến mại. Từ tháng 4/2014 đến tháng 11/2015, Liên Kết Việt có mạng lưới 34 chi nhánh, lôi kéo được hơn 68.000 bị hại tại 49 tỉnh tham gia, lừa đảo gần 2.100 tỷ đồng.

15h ngày mai, HĐXX sẽ tuyên án.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Những món ăn đường phố Thượng Hải gây nhức nhối

Tại sao máy bay trực thăng có thể bay cao tới 6000 mét?

Bún bò xào đậm chất Nam Bộ