Kết thúc vụ ly hôn ngàn tỉ của vợ chồng Trung Nguyên

 (PL)- Vụ ly hôn của vợ chồng vua cà phê kéo dài từ năm 2015. Nay với kết quả giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao vừa tuyên, xem như cuộc chiến pháp lý này khép lại.

Mới đây, TAND Tối cao đã mở phiên tòa giám đốc thẩm vụ ly hôn giữa ông Đặng Lê Nguyên Vũ (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Trung Nguyên) và bà Lê Hoàng Diệp Thảo.


Không hủy án, chỉ sửa một phần


Thuận theo đề nghị của ông Vũ về việc rút yêu cầu chia 70 tỉ đồng trong tài khoản mang tên anh bà Thảo, TAND Tối cao đã sửa án phần này. Các quyết định khác được giữ nguyên.


Trước đó, VKSND Tối cao đã kháng nghị giám đốc thẩm, đề nghị hủy bản án sơ thẩm và phúc thẩm về phần hôn nhân và chia tài sản chung, giao hồ sơ cho TAND TP.HCM xét xử lại.


Bà Thảo và ông Vũ kết hôn hơn 20 năm trước, có bốn con chung. Sau thời gian dài xảy ra nhiều mâu thuẫn, năm 2015, bà Thảo gửi đơn ra tòa xin ly hôn. Từ đây, cuộc chiến ly hôn bắt đầu.


Kết thúc vụ ly hôn ngàn tỉ của vợ chồng Trung Nguyên - ảnh 1

Ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo sau phiên tòa phúc thẩm. Ảnh: TRƯỜNG GIANG


Kết quả giám đốc thẩm này xem như khép lại một cuộc chiến pháp lý đình đám liên quan đến hôn nhân, nuôi con chung và chia tài sản chung thời kỳ hôn nhân của ông Vũ, bà Thảo.

Bản án phúc thẩm ngày 5-12-2019 của TAND Cấp cao tại TP.HCM đã tuyên xử công nhận thuận tình ly hôn giữa bà Thảo và ông Vũ. Về cấp dưỡng, tòa công nhận sự tự nguyện của bà Thảo về việc nuôi bốn người con, ông Vũ cấp dưỡng 2,5 tỉ đồng mỗi người con/năm từ năm 2013 đến khi học xong đại học.


Quảng Cáo

Về tài sản, tòa giao ông Vũ sở hữu các bất động sản và toàn bộ cổ phần tại các công ty trong Tập đoàn Trung Nguyên, gồm toàn bộ số cổ phần của ông bà trong công ty thuộc Tập đoàn Trung Nguyên, tương đương với hơn 5.700 tỉ đồng…


Về bất động sản, tòa giao ông Vũ sở hữu toàn bộ sáu căn nhà và đất mà ông Vũ đang quản lý và sử dụng có giá trị 350 tỉ đồng tại TP.HCM, TP Nha Trang (Khánh Hòa) và TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk). Tòa giao bà Thảo sở hữu số bất động sản trị giá gần 376 tỉ đồng tại TP.HCM và TP Đà Nẵng, cùng số tài sản là tiền, vàng, các loại ngoại tệ đang gửi ngân hàng, tổng cộng là 1.764 tỉ đồng. Ông Vũ phải thanh toán chênh lệch tài sản cho bà Thảo gần 1.224 tỉ đồng.


Ngoài ra, tòa phúc thẩm ghi nhận sự tự nguyện của ông Vũ để lại tài sản của mình tại Công ty TNHH Trung Nguyên International - TNI tại Singapore cho bà Thảo.


Ông Vũ đã chủ động thi hành án hơn 1.220 tỉ đồng


Sau khi tòa xét xử phúc thẩm, VKSND Tối cao có quyết định yêu cầu hoãn thi hành án về phần tài sản để có thời gian giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm của bà Thảo. Phía ông Vũ đã chủ động nộp hơn 1.220 tỉ đồng cho cơ quan thi hành án trước một ngày nhận quyết định hoãn thi hành án…


Sau đó, VKSND Tối cao ban hành quyết định giám đốc thẩm vụ án ly hôn này. Kháng nghị đã chỉ ra những vi phạm và sai sót của án sơ thẩm và phúc thẩm như: Các chứng thư và báo cáo kết quả thẩm định giá đối với Công ty cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên phát hành ngày 25-6-2018, đến ngày xét xử sơ thẩm (ngày 20-2-2019) đều đã hết hiệu lực. Nguyên đơn kháng cáo án sơ thẩm nhưng tòa phúc thẩm không định giá lại mà vẫn lấy kết quả thẩm định giá hết hiệu lực để chia tài sản. Tòa sơ thẩm và tòa phúc thẩm không đưa những người đang quản lý các bất động sản vào tham gia tố tụng nhằm giải quyết triệt để vụ án.


Mặt khác, tòa hai cấp không làm rõ nguồn gốc số tiền trong ngân hàng đứng tên anh bà Thảo gồm 1.400.269 GBD và 7.350.000 USD; không làm rõ quá trình quản lý, sử dụng số tiền này; không làm rõ hiện tại tiền còn bao nhiêu, do ai quản lý… Tuy chưa làm rõ những vấn đề liên quan đến số tiền này nhưng tòa đã xác định đây là tài sản chung vợ chồng và đem chia.


Kháng nghị cũng nêu nhận định rằng tòa hai cấp chia khối tài sản chung là cổ phần trong Tập đoàn Trung Nguyên cho bà Thảo ít hơn ông Vũ 20% là không đảm bảo quyền lợi của bà Thảo…


Trước đó, VKSND TP.HCM đã có quyết định kháng nghị án sơ thẩm và chỉ ra 11 điểm sai phạm nghiêm trọng, đề nghị cấp phúc thẩm hủy án sơ thẩm.


Tạm đình chỉ vụ án hình sự liên quan đến Trung Nguyên


Ngoài vụ ly hôn đình đám này, thời gian qua hai bên xảy ra hàng loạt vụ kiện và cả vụ án hình sự làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức xảy ra tại Công ty cổ phần Cà phê hòa tan Trung Nguyên (Bình Dương). Tuy nhiên, vụ án hình sự này đang được tạm đình chỉ do hết thời hạn điều tra mà chưa xác định được bị can.


Theo hồ sơ ban đầu, bà Lê Hoàng Diệp Thảo tố cáo ông trưởng phòng pháp lý Công ty cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên làm giả biên bản và quyết định của đại hội đồng cổ đông nhằm tước đoạt quyền sở hữu và quyền quản lý của bà tại Công ty cổ phần Cà phê hòa tan Trung Nguyên (Trung Nguyên IC), gây thiệt hại hơn 4.000 tỉ đồng.


Cụ thể, tháng 3-2016, Trung Nguyên IC tổ chức họp HĐQT bãi nhiệm chức danh chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc và người đại diện theo pháp luật của bà Thảo, sau đó cho ông Vũ là người đại diện.


Bà Thảo khởi kiện, yêu cầu hủy các quyết định này. Trong quá trình tòa giải quyết, bà Thảo nghi ngờ các tài liệu mà ông trưởng phòng pháp lý cung cấp cho tòa có dấu hiệu cắt ghép và làm giả nên yêu cầu giám định.


Kết luận giám định cho rằng các chữ “công ty cổ phần cà phê Trung Nguyên” trên tài liệu có dấu vết cắt ghép. Đại diện phía Trung Nguyên cho rằng tài liệu giám định có dấu hiệu cắt ghép là tài liệu do bà Thảo đã ủy quyền cho nhân viên nộp tại Sở KH&ĐT tỉnh Bình Dương. Đồng thời, phía Trung Nguyên xác định vào thời điểm trên thì ông trưởng phòng pháp lý chưa làm việc tại Trung Nguyên. PL 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Tại sao máy bay trực thăng có thể bay cao tới 6000 mét?

Thưởng thức mochi trà xanh ngon ngất ngây tại nhà

Panna Cotta thạch đào ngọt lịm cho mùa hè này