Đề xuất làm đường nối Hà Giang với cao tốc Hà Nội - Lào Cai

 Tuyến đường nối dài 83 km có kinh phí dự tính hơn 7.700 tỷ đồng, trong đó hơn 6.100 đồng là vốn vay ODA.


Ngày 5/4, đại diện Ban Quản lý dự án 2 cho biết đơn vị này vừa đề nghị Bộ Giao thông Vận tải có văn bản gửi Quỹ Hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc (EDCF), Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và đầu tư về Dự án xây dựng tuyến đường kết nối Hà Giang với tuyến cao tốc Hà Nội - Lào Cai.


Ban Quản lý dự án 2 đề xuất điểm đầu đường nối tại nút giao IC14 km 149+705 cao tốc Hà Nội - Lào Cai, điểm cuối tại thị trấn Việt Quang, huyện Bắc Quang (Hà Giang), đi qua địa phận tỉnh Yên Bái và Hà Giang.


Dự kiến tuyến đường nối dài 83 km, trong đó xây dựng mới 16 cầu có tổng chiều dài 2,24 km với hai cầu lớn kết cấu dầm liên tục vượt sông Hồng, sông Chảy; hai hầm đường bộ có chiều dài 1,12 km.


Cao tốc Hà Nội - Lào Cai. Ảnh: Anh Phú

Cao tốc Hà Nội - Lào Cai. Ảnh: Anh Phú


Dự án đầu tư theo hai giai đoạn, giai đoạn 1 đầu tư xây dựng theo quy mô mặt cắt ngang tương ứng với quy mô mặt cắt ngang của đường ôtô cấp III đồng bằng, gồm hai làn xe có bề rộng nền đường 12 m, với các yếu tố bình diện, trắc dọc theo tiêu chuẩn đường cao tốc nhằm tận dụng xây dựng đường cao tốc sau này.


Giai đoạn hai hoàn chỉnh (dự kiến sau năm 2040) sẽ xây dựng với quy mô đường cao tốc bốn làn xe, tốc độ thiết kế 80-100 km/h, chiều rộng nền đường từ 22-24,75 m.


Tổng vốn đầu tư của dự án khoảng 7.702 tỷ đồng. Dự kiến vay ODA theo dạng "Khoản vay bao gồm hợp phần có điều kiện và không có điều kiện" của EDCF khoảng 6.103 tỷ đồng cho chi phí xây dựng, thiết bị, thiết kế kỹ thuật, giám sát thi công và chi phí dự phòng tương ứng.


Vốn đối ứng của Chính phủ là 1.599 tỷ đồng cho thuế giá trị gia tăng (phần chi phí xây dựng, thiết bị, thiết kế kỹ thuật, giám sát thi công và chi phí dự phòng), chi phí giải phóng mặt bằng, chi phí quản lý dự án, tư vấn đầu tư xây dựng, chi phí khác và dự phòng tương ứng.


Nếu phê duyệt, Ban Quản lý dự án 2 dự kiến trong giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2023 sẽ chuẩn bị, thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án; từ năm 2023-2027 sẽ ký Hiệp định vay vốn và thực hiện.


Hà Giang là địa danh du lịch nhưng những năm qua không phát triển được hết tiềm năng một phần do đường xa hạn chế, đi lại khó khăn. Ngoài ra, việc xây dựng đường nối sẽ giúp giảm tải cho Quốc lộ 2 đang có lưu lượng xe cao.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Những món ăn đường phố Thượng Hải gây nhức nhối

Bún bò xào đậm chất Nam Bộ

Tại sao máy bay trực thăng có thể bay cao tới 6000 mét?