TP Hồ Chí Minh: 433 khu vực trọng điểm cần tập trung phòng, chống ngập lụt

 (ĐCSVN) - UBND TP Hồ Chí Minh xác định trên địa bàn có 433 khu vực trọng điểm cần tập trung phòng chống, ứng phó khi xảy ra mưa lớn kéo dài, triều cường, xả lũ.



 Trên địa bàn TP Hồ Chí Minh có 433 khu vực trọng điểm cần tập trung phòng chống, ứng phó khi xảy ra mưa lớn kéo dài, triều cường, xả lũ. (Ảnh: Tường Vy)

Theo UBND TP một số địa phương có nhiều điểm  cần tập trung phòng, chống ngập lụt như: Quận 1 (49 điểm), quận 8 (48 điểm), quận 3 (43 điểm), thành phố Thủ Đức (44 điểm), quận 12 (23 điểm), Bình Thạnh (22 điểm).


Nhằm chủ động phòng, chống để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại khi xảy ra ngập lụt do mưa lớn, triều cường kết hợp xả lũ, UBND TP yêu cầu tất cả các ngành, các cấp quán triệt và thực hiện nghiêm túc phương châm bốn tại chỗ " (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ) và "ba sẵn sàng" (phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả) trong quá trình tổ chức thực hiện công tác phòng, chống, ứng phó và khắc phục hậu quả tình trạng ngập lụt do mưa lớn, triều cường và xả lũ ngay tại cơ sở.


Cùng với đó, để chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống hiệu quả, UBND TP yêu cầu vào trước mùa mưa, triều cường (từ tháng 1 đến tháng 6 hằng năm), UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng, sửa chữa, nâng cấp và gia cố các công trình phòng, chống ngập lụt, cống ngăn triều, bờ bao, tiêu thoát nước. Đồng thời, UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện tổ chức nạo vét, khai thông hệ thống kênh, mương, cống tiêu thoát nước trên địa bàn theo kế hoạch ngay từ đầu năm; chủ động kiểm tra rà soát, xác định bổ sung các khu vực xung yếu cần phải sơ tán, di dời dân, các địa điểm tạm cư an toàn để tiếp nhận số dân được dự kiến sẽ sơ tán, di dời trong thời gian xảy ra ngập lụt, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân.


Để đảm bảo lực lượng khi ứng phó tình trạng ngập lụt do mưa lớn, triều cường và xả lũ trên địa bàn, UBND TP dự kiến huy động gần 30.000 người từ các sở, ngành, đơn vị đến quận - huyện, phường - xã - thị trấn tham gia. Trong đó, lực lượng nòng cốt của TP là 4.240 người; lực lượng của quận - huyện là 9.356 người và lực lượng của các xã - phường - thị trấn là 16.020 người. Tùy theo tình hình diễn biến mưa lớn, triều cường, xả lũ và mức độ ảnh hưởng ngập lụt, thiệt hại xảy ra ở từng khu vực, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố quyết định việc điều động và phân công, bố trí lực lượng để chi viện cho các địa phương theo yêu cầu.


Trước đó, TP đã ban hành phương án chủ động phòng, chống, ứng phó tình trạng ngập lụt do mưa lớn, triều cường và xả lũ trên địa bàn TP, khi có dự báo mưa lớn diện rộng (tổng lượng mưa đạt trên 50mm trong 24 giờ) và đỉnh triều cường (mực nước đo tại trạm Phú An) vượt mức báo động II (từ 1,50 m trở lên), xả lũ của hồ Dầu Tiếng > 200 m/s; Cơ quan Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP phối hợp với Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP trực thuộc Sở Xây dựng) xác định các khu vực sẽ bị ảnh hưởng ngập để thông tin cảnh báo đến các cơ quan, đơn vị và nhân dân biết nhằm chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống, ứng phó./.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Những món ăn đường phố Thượng Hải gây nhức nhối

Tại sao máy bay trực thăng có thể bay cao tới 6000 mét?

Bún bò xào đậm chất Nam Bộ