NSND Trần Hạnh - ông già đau khổ, thiện lương của màn ảnh Việt - qua đời ở tuổi 92

 TTO - Tin từ gia đình NSND Trần Hạnh cho biết, người nghệ sĩ 'chuyên trị' vai đau khổ của màn ảnh Việt, vừa qua đời hôm nay, 4-3. Ông hưởng thọ 92 tuổi. Chị Hồng - con dâu trưởng của nghệ sĩ Trần Hạnh - cho biết ông mất lúc 2h50.

Chị Hồng nói: "Tối qua, sức khỏe cha tôi đã có dấu hiệu yếu dần, yếu dần. Ông ra đi giữa đêm đột ngột nhưng rất thanh thản, có con cháu ở bên. Gia đình tôi có nhờ người tụng kinh niệm Phật bên cạnh ông cho đến lúc ông ra đi. Ông đi nhẹ nhàng, không đau đớn. Cuối đời, ông sống hiền lành. Ông không mấy khi bày tỏ nguyện vọng với con cháu. Ông bằng lòng với cuộc sống".



Trước tình cảm của khán giả đối với nghệ sĩ Trần Hạnh, người được hầu hết khán giả cả nước biết đến qua những vai diễn trên màn ảnh, chị Hồng nói: "Tôi rất cảm ơn các nhà báo và khán giả cả nước đã biết đến và yêu quý cha tôi. Khi ông ra đi, ai cũng thương tiếc. Tre già măng mọc, các thế hệ luôn tiếp nối".

"NSND Trần Hạnh là người sống rất khiêm nhường, giản dị, không thích phô trương và rất ngại phiền lụy đến người khác. Ông thực sự là một nghệ sĩ chân chính, chỉ sống bằng những vai diễn trong kịch, phim và làm việc một cách say sưa, trọn vẹn với vai diễn của mình, kể cả chỉ là vai phụ cũng luôn để lại ấn tượng tốt đối với khán giả" - là nhận xét của ông Trương Nhuận - nguyên giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ - nói với Tuổi Trẻ năm 2019.

Nghệ sĩ Trần Hạnh sinh năm 1930 tại Hà Nội. Là một nghệ sĩ sân khấu của Nhà hát Kịch Hà Nội, có một sự nghiệp sân khấu lẫy lừng nhưng ông được khán giả biết đến nhiều hơn qua các vai diễn những ông già khắc khổ trên phim truyền hình.

Trên sân khấu Nhà hát Kịch Hà Nội, ông đã có được những vai diễn xuất sắc với nhiều giải vàng, bạc ở các liên hoan sân khấu toàn quốc. Thời hoàng kim của ông là cuối những năm 1970, đầu 1980. Thời kỳ này, vai Nguyễn Trãi trong vở kịch thơ Lam Sơn tụ nghĩa đã mang đến cho ông huy chương vàng Liên hoan kịch toàn quốc.

Nhận xét về vai diễn này, Lưu Quang Vũ viết: "Bốn, năm người đóng vai Nguyễn Trãi, riêng Trần Hạnh có phong thái hào hoa của người Hà Nội".

Trần Hạnh còn được khán giả yêu thích và đồng nghiệp đánh giá cao qua một vai chính trong vở Tiền tuyến gọi hay trong Âm mưu và tình yêu do đạo diễn Nguyễn Đình Nghi dựng.

Là người gốc Hà Nội, thấm đẫm chất hào hoa của người trai phố cổ, nhưng Trần Hạnh lại đi vào lòng công chúng với những vai diễn nặng vẻ khổ hạnh, đáng thương, những vai nông dân hiền lành, chất phác.

Trần Hạnh nghỉ hưu năm 1989 nhưng cũng từ đó được công chúng biết đến nhiều hơn qua các vai diễn trong các bộ phim điện ảnh và truyền hình. Vai diễn điện ảnh đầu tiên của ông là vai nam chính cho phim Chiếc bình tiền kiếp của đạo diễn Nguyễn Hữu Phần.

Sau đó là hàng loạt phim khác, như Tướng về hưu, Hãy tha thứ cho em, Cỏ lau, Người đàn bà thứ hai, Làng nổi,... Bộ phim điện ảnh cuối cùng mà ông tham gia là phim Cha cõng con, vai ông già mù.

Vai diễn truyền hình đầu tiên, và cũng là vai mà nghệ sĩ Trần Hạnh tâm đắc nhất là vai ông Cần trong phim Cuốn sổ ghi đời của đạo diễn Tất Bình.

Trần Hạnh được phong tặng danh hiệu NSƯT năm 1994, NSND năm 2019.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Những món ăn đường phố Thượng Hải gây nhức nhối

Tại sao máy bay trực thăng có thể bay cao tới 6000 mét?

Bún bò xào đậm chất Nam Bộ