Kiến nghị không cắt margin cổ phiếu hàng không, du lịch dù báo lỗ

 Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam (VABA) kiến nghị không cắt margin cổ phiếu hàng không trong giai đoạn này dù làm ăn thua lỗ.

Đề xuất này nằm trong nhóm kiến nghị mà Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Trong đó có đề nghị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước không cắt margin với cổ phiếu các công ty bị ảnh hưởng trực tiếp bởi COVID-19, đặc biệt là các doanh nghiệp hàng không và du lịch , cho dù doanh nghiệp báo cáo kết quả kinh doanh thua lỗ.



Lập luận về đề xuất này, VABA cho rằng các công ty chứng khoán, nhà đầu tư có thể tự đánh giá tiềm năng của doanh nghiệp và rủi ro trong sử dụng margin khi quyết định đầu tư trên thị trường chứng khoán.


Theo quy định tại Khoản 6, Điều 3, Quyết định số 87/QĐ-UBCK năm 2017, những doanh nghiệp có lợi nhuận sau thuế hợp nhất là số âm trên báo cáo tài chính năm kiểm toán hoặc báo cáo bán niên soát xét sẽ không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ.


Sở giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) và Hà Nội (HNX) sẽ ra thông báo về việc chứng khoán không được phép giao dịch ký quỹ và các công ty chứng khoán sẽ phải cắt margin.


Trong khi, ở thời điểm hiện tại các doanh nghiệp hàng không và du lịch đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch COVID-19 nên khó có thể duy trì điều kiện về giao dịch ký quỹ theo Quyết định 87 nói trên.


Trao đổi với BizLIVE, TS. Bùi Doãn Nề, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VABA cho rằng, mặc dù doanh nghiệp hàng không, du lịch đang "báo lỗ" trong thời điểm này nhưng tiềm năng của họ vẫn còn rất lớn.


Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, ước tính năm 2020, các hãng hàng không Việt Nam đã phải gánh khoản lỗ trên 18.000 tỷ đồng từ hoạt động vận tải hàng không và doanh thu giảm khoảng 100.000 tỷ đồng so với năm 2019. Dự báo năm 2021, doanh thu các hãng hàng không vẫn tiếp tục giảm sâu so với năm 2019 và các hãng vẫn lỗ trên 15.000 tỷ đồng từ vận tải hàng không.


Tuy nhiên, đây là bối cảnh đặc biệt nên khó có thể duy trì điều kiện về giao dịch ký quỹ như thông thường. Nếu "cứng nhắc" áp dụng thì sẽ càng gây khó cho ngành hàng không, du lịch nói chung và các công ty nói riêng.


Bên cạnh đề xuất về việc không cắt margin của các doanh nghiệp hàng không, du lịch. VABA cũng đã đề nghị Nhà nước tăng cường thúc đẩy sản phẩm du lịch cách ly tại cơ sở cư trú, phát triển những sản phẩm mang tính trải nghiệm du lịch tại chỗ, giúp du khách trong nước và ngoài nước tìm hiểu văn hóa, du lịch các vùng miền Việt Nam ngay trong thời gian cách ly tạm thời.


Đồng thời, từng bước mở cửa, nối lại đường bay quốc tế, chấp nhận cho khách nước ngoài vào Việt Nam khi có chứng nhận tiêm vắc-xin, đặc biệt là khách từ các quốc gia có lượng hành khách lớn hoặc có tiềm năng, đã kiểm soát được dịch bệnh cho hành trình Việt Nam và ngược lại như: Châu Âu, Úc, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản…


HIẾM HOI CÓ DOANH NGHIỆP BÁO LÃI


Năm 2020, Tổng công ty Hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines (mã HVN) báo lỗ 11.000 tỷ đồng . Tại báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2020 và cả năm 2020, Vietnam Airlines ghi nhận doanh thu quý 4/2020 là 8.202 tỷ đồng, giảm 65% so với cùng kỳ năm 2019. Lợi nhuận gộp 515 tỷ đồng, giảm 63%.


Mặc dù chi phí vận hành đã được cắt giảm mạnh, nhưng Vietnam Airlines ghi nhận lợi nhuận sau thuế -422 tỷ đồng, lỗ của công ty mẹ 372 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi 55 tỷ đồng.


Luỹ kế năm 2020, doanh thu 40.613 tỷ đồng, giảm 69%; lỗ sau thuế 11.098 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi 2.500 tỷ đồng. Vietnam Airlines lỗ luỹ kế gần 9.260 tỷ đồng.


Tương tự VNA, "ông lớn" ngành du lịch - Vietravel cũng báo lỗ 90 tỷ đồng trong năm 2020. Trong năm qua, các hoạt động kinh doanh cốt lõi của Vietravel đều bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch COVID-19 khiến doanh thu của Vietravel giảm tới 73% so với năm trước, đạt 1.936 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu dịch vụ du lịch lữ hành chỉ bằng 1/5 năm trước, đạt 1.215 tỷ đồng trong khi hoạt động bán vé máy bay cũng chỉ mang về 463 tỷ đồng, giảm một nửa so với năm trước.


Lỗ ròng cả năm 2020 bị đào sâu xuống mức 90 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm 2019 vẫn lãi 40 tỷ đồng. Kết quả này khiến Vietravel lỗ lũy kế hơn 15 tỷ đồng thời điểm 31/12/2020.


Mặc dù doanh thu cả năm 2020 giảm 64% xuống 18.210 tỷ đồng song Hãng hàng không tư nhân Vietjet Air (Mã: VJC) vẫn thu về lợi nhuận 995 tỷ đồng trong quý 4 , lợi nhuận sau thuế hợp nhất cả năm đạt 70 tỷ đồng và là lọt vào danh sách một trong số ít các hãng hàng không trên thế giới có lãi trong năm 2020.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Những món ăn đường phố Thượng Hải gây nhức nhối

Bún bò xào đậm chất Nam Bộ

Tại sao máy bay trực thăng có thể bay cao tới 6000 mét?