Không gian 4 quận nội đô 'chủ yếu là công trình thấp tầng'

 Không gian đô thị 4 quận trung tâm Hà Nội được xác lập chủ yếu là công trình thấp tầng, trong đó khu vực Hồ Gươm và phụ cận chỉ được xây không quá 16 m.



Sau gần 10 năm nghiên cứu, TP Hà Nội vừa phê duyệt 6 đồ án quy hoạch phân khu nội đô bao phủ diện tích hơn 3.000 ha tại 4 quận: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa và Hai Bà Trưng.


Hai trong số các yêu cầu chính của 6 đồ án này là cải thiện hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, bổ sung tiện ích đô thị cho khu vực nội đô; đồng thời, kiểm soát dân số, giảm từ gần 900.000 xuống còn 670.000 vào năm 2030.


Về tổ chức không gian kiến trúc - cảnh quan, đồ án cấu trúc 4 quận nội đô thành các ô phố chủ yếu là công trình thấp tầng. Trong đó, công trình ở phố cổ chỉ được phép cao từ 3 đến 4 tầng (12-16 m); khu vực Hồ Gươm và phụ cận không quá 16 m; khu phố cũ từ 4 đến 6 tầng (16-22 m); các khu vực hạn chế phát triển còn lại được xây nhà cao từ 5 đến 7 tầng (20-25 m)...


Khu vực Hồ Gươm nhìn từ trên cao. Ảnh: Giang Huy

Khu vực Hồ Gươm nhìn từ trên cao. Ảnh: Giang Huy


Theo GS Nguyễn Lân, nguyên Kiến trúc sư trưởng TP Hà Nội, chủ trương xây dựng các công trình thấp tầng ở khu vực trung tâm Hà Nội, thay vì phát triển đô thị nén với các cao ốc hiện đại là để "giữ gìn nét đặc sắc riêng của thành phố".


Ông giải thích, Hà Nội với lịch sử lâu đời có sự khác biệt với các thành phố mới trên thế giới, trong khu vực trung tâm có phố cổ, phố cũ, xen lẫn là những biệt thự được xây dựng từ thời Pháp thuộc. Đây là nét văn hóa, lịch sử đặc trưng cần cần bảo tồn. Vì vậy, nếu cho phép xây dựng công trình cao tầng ở khu vực này sẽ phá vỡ cảnh quan và không gian chung, và làm mất đi nét đặc sắc của thủ đô.


"Thành phố phải có biện pháp quyết liệt để các nhà đầu tư tuân thủ quy định, ngăn chặn các ý định xây nhà cao tầng ở đây. Những biệt thự từ thời Pháp còn lại cũng cần được bảo tồn càng nhiều càng tốt", GS Lân nói.


Cùng với việc quản lý chiều cao công trình, 4 quận trung tâm sẽ phát triển không gian ngầm theo mô hình TOD - phát triển đô thị gắn với hệ thống giao thông công cộng, gồm 5 tuyến đường sắt đô thị chạy qua và 22 nhà ga đã được quy hoạch trên địa bàn 4 quận.


Trong phạm vi 500 m từ đầu mối ga ngầm, các đồ án đưa ra định hướng sử dụng tối đa chiều sâu để hình thành không gian công cộng ngầm tại khu vực hạn chế chiều cao công trình, giúp giảm mật độ xây dựng phần nổi; khuyến khích tạo lập tuyến đi bộ ngầm để kết nối các khu vực này.


Để góp phần giải bài toán giao thông công cộng, thành phố cũng sẽ xây dựng 89 bãi đỗ xe, trong đó 38 bãi cao tầng, 51 bãi xe ngầm.


Với 130 chung cư, tập thể cũ trên địa bàn quy hoạch, các đồ án nêu giải pháp cải tạo theo hướng tái định cư tại chỗ, tăng chiều cao, giảm mật độ xây dựng; tăng diện tích cây xanh tạo tiện ích cho người dân. Việc cải tạo tất cả các chung cư sẽ được thực hiện theo từng dự án riêng.


Bản đồ vị trí quy hoạch phân khu các quận nội đô. Đồ họa: Tạ Lư - Võ Hải

Bản đồ vị trí quy hoạch phân khu các quận nội đô. Đồ họa: Tạ Lư - Võ Hải


Về mục tiêu giảm khoảng 215.000 người ở 4 quận nội thành trong 10 năm tới, các đồ án nêu rõ giảm gần 120.000 người thông qua giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng; 100.000 người giảm cơ học khi di dời trụ sở các bộ, ngành, khi xây dựng đô thị mới để thu hút người dân ra bên ngoài...


"Việc di dời trụ sở bộ, ngành ra khỏi nội đô sẽ tạo ra quỹ đất khoảng 176 ha, ưu tiên giải quyết các vấn đề như trường học, nhà trẻ, công viên, cây xanh", ông Nguyễn Đức Hùng - Viện phó Quy hoạch xây dựng Hà Nội, cho hay.


Theo GS Nguyễn Lân, mục tiêu giảm 215.000 dân nội thành đòi hỏi nỗ lực rất lớn của chính quyền và sự đồng thuận xã hội. "Thành phố cần tạo điều kiện để người dân có chỗ ở mới đảm bảo cuộc sống tốt hơn. Bởi nếu không, đa số người dân sẽ tìm cách trở lại phố cổ vì nhu cầu mưu sinh", ông nhận định và nêu dẫn chứng chủ trương giãn dân phố cổ được Hà Nội đặt ra từ hơn 20 năm trước, với mục tiêu di chuyển trên 6.500 hộ dân, khoảng 27.000 người, dự kiến kết thúc vào năm 2020 song đến nay không đạt mục tiêu đề ra.


Cũng theo GS Nguyễn Lân, sau khi công bố đồ án, chính quyền cần hướng dẫn chi tiết để hiện thực hóa các ý tưởng và tạo thuận lợi cho cuộc sống người dân, đơn cử nếu nhà ở phố cổ, phố cũ xuống cấp thì "cần tu sửa như thế nào, xây lại với kiến trúc ra sao...".


Góp ý thêm, ông Trần Huy Ánh (Hội kiến trúc sư Hà Nội) cho rằng thành phố cần tính đến yếu tố nguồn lực nào để hiện thực hóa đồ án.


"Các ý tưởng tái thiết đô thị trung tâm, giãn dân, di dời trụ sở bộ ngành ra khỏi nội đô... đều phải có nguồn lực lớn mới đảm bảo khả thi", ông Ánh nói.


6 đồ án chia 4 quận nội đô thành các khu vực theo tính chất và chức năng, gồm:


Khu phố cổ là đô thị có giá trị về lịch sử và văn hóa; chức năng chủ yếu là thương mại, dịch vụ, du lịch kết hợp với nhà ở, các công trình công cộng phục vụ cho cộng đồng dân cư.


Khu vực Hồ Gươm và phụ cận là vùng thắng cảnh nổi tiếng của Hà Nội. Các chức năng chủ yếu là trung tâm văn hóa, hành chính, thương mại, dịch vụ, du lịch kết hợp với nhà ở...


Khu phố cũ là khu đô thị cũ với nhiều công trình có giá trị lịch sử và văn hóa, kiến trúc.


Khu vực hạn chế phát triển là phần còn lại của các quy hoạch phân khu với các chức năng chủ yếu là nhà ở, cơ quan, di sản, di tích, du lịch, dịch vụ thương mại, tiện ích đô thị.


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Những món ăn đường phố Thượng Hải gây nhức nhối

Bún bò xào đậm chất Nam Bộ

Tại sao máy bay trực thăng có thể bay cao tới 6000 mét?