Các thị trường áp dụng lô giao dịch cổ phiếu thế nào

 Lô tối thiểu 1.000 cổ phiếu từng được nhiều thị trường lớn áp dụng, nhưng là 5 năm trước. Xu hướng hiện nay là giảm dần lô giao dịch để thu hút nhà đầu tư nhỏ lẻ.



Tăng lô giao dịch tối thiểu là một trong những giải pháp được Sở giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) nhắc đến gần đây để giảm tải cho hệ thống, trước tình trạng nghẽn giao dịch diễn ra với tần suất ngày càng nhiều. Đầu năm 2021, lô tối thiểu cổ phiếu trên HoSE tăng từ 10 lên 100 cổ phiếu. Mới đây, Sở dự kiến tiếp tục tăng lô tối thiểu lên 1.000 cổ phiếu.

Ông Lê Hải Trà, Tổng giám đốc HoSE nói các thị trường phát triển như Nhật Bản, Đài Loan, Singapore... đều đã trải qua lộ trình này. Theo tính toán, việc tăng lô lên 1.000 có thể giảm 40-50% tổng số lượng lệnh giao dịch và cũng có thể mở đường cho những tầm cao mới của thanh khoản thị trường.

Tại các thị trường phát triển, lô giao dịch tối thiểu từng có giai đoạn áp dụng mức 1.000 cổ phiếu, tuy nhiên xu hướng chung là giảm dần để thu hút sự tham gia của nhà đầu tư nhỏ lẻ.

Tại Nhật Bản, trước năm 2014, Sở giao dịch chứng khoán Tokyo (TSE) từng áp dụng tới 8 lô giao dịch khác nhau. Sau đó, để chuẩn hóa giao dịch, lô tối thiểu được rút gọn còn hai tiêu chuẩn là 100 và 1.000 cổ phiếu. Đến tháng 10/2018, TSE chỉ áp dụng một chuẩn duy nhất là 100 cổ phiếu mỗi lô tối thiểu.

Gần đây, TSE thậm chí còn dự kiến hạ lô tối thiểu về 1 cổ phiếu. Satoshi Mimura, người phát ngôn của Sở giao dịch chứng khoán Tokyo cho biết trên Bloomberg tháng 3/2019 rằng, TSE có kế hoạch cho phép các nhà đầu tư mua lô tối thiểu chỉ 1 cổ phiếu, thay vì 100. Điều này nhằm khuyến khích thế hệ trẻ tham gia vào thị trường cổ phiếu lớn thứ ba thế giới.

"Ý tưởng này nằm trong số các lựa chọn mà Sở giao dịch chứng khoán Tokyo đang xem xét để thu hút nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ hơn", Satoshi nói.

Tương tự Nhật Bản, Singapore cũng từng áp dụng lô tối thiểu 1.000 cổ phiếu nhưng đã giảm về 100 vào đầu năm 2015.

"Giảm lô giao dịch tối thiểu sẽ mang lại lợi ích cho tất cả nhà đầu tư", Magnus Bocker, nguyên Giám đốc điều hành của SGX năm 2015, cho biết. "Lô tối thiếu 100 cổ phiếu giúp việc đầu tư vào các mã bluechip dễ dàng hơn, bởi những cổ phiếu nhóm này có xu hướng được định giá cao hơn. Điều này cũng cho phép các nhà đầu tư tổ chức quản lý rủi ro thông qua việc phân bổ tài sản tốt hơn".

Theo đại diện SGX, thay vì đầu cơ vào cổ phiếu penny với mức rủi ro cao, các nhà đầu tư có thể dễ dàng hơn trong việc tiếp cận những mã bluechip an toàn hơn khi quy mô lô tối thiểu giảm xuống. Ngoài ra, các nhà đầu tư trẻ thường có ít vốn hơn hiện cũng có thể mua được nhiều loại cổ phiếu hơn.

Tại các thị trường khác, như Đài Loan, lô tối thiểu là 1.000 cổ phiếu nhưng thị trường này có cơ chế giao dịch lô lẻ (dưới mức tối thiểu). Tại những thị trường có quy mô lớn hơn, như Mỹ, lô lẻ dưới 100 cổ phiếu thậm chí còn chiếm áp đảo trong số lượng lệnh trên thị trường.

WSJ trong bài viết cuối năm 2019 cho biết, số lệnh giao dịch lô lẻ tại Mỹ chiếm tới gần một nửa số giao dịch trên thị trường, lý do là cổ phiếu của các doanh nghiệp bluechip trên Phố Wall đã trở nên quá đắt đỏ. Tỷ lệ giao dịch theo quy mô lô lẻ đạt mức kỷ lục 48,9% vào đầu tháng 10/2019 và đã duy trì trên 40% kể từ đó, theo dữ liệu của NYSE.

Những nhà đầu tư kỳ cựu trên thị trường cho rằng giá cổ phiếu cao là một yếu tố đằng sau sự gia tăng ổn định của giao dịch lô lẻ tại Mỹ trong những năm gần đây.

Trong suốt thế kỷ 20, giá trung bình của một cổ phiếu tại Mỹ dao động mức 35 USD, với các công ty có xu hướng chia nhỏ cổ phiếu nếu thị giá tăng quá cao. Điều đó có nghĩa là một giao dịch lô chẵn gồm 100 cổ phiếu chỉ mất khoảng 3.500 USD.

Trong năm 2012, không có công ty nào trong S&P 500 giao dịch với thị giá trên 1.000 USD. Nhưng đến nay, câu chuyện hoàn toàn khác, một cổ phiếu Amazon hiện có giá hơn 3.000 USD. Để mua 100 cổ phiếu của Amazon ngày nay, nhà đầu tư phải bỏ ra hơn 300.000 USD - một mức quá cao ngay cả đối với một nhà đầu tư lớn.

Người dân giao dịch chứng khoán tại một công ty trên đường Pasteur, quận 1, ngày 13/1/2020. Ảnh: Quỳnh Trần.

Người dân giao dịch chứng khoán tại một công ty trên đường Pasteur, quận 1, ngày 13/1/2020. Ảnh: Quỳnh Trần.

Tại Việt Nam, cơ chế mua bán lô lẻ vẫn chưa rõ ràng, trong khi nếu tăng lô, tình trạng cũng không có nhiều khác biệt so với thị trường Mỹ, do mặt bằng chung nhà đầu tư hiện nay đa phần đều là nhỏ lẻ với lượng vốn thấp.

Để mua một lô tối thiểu cổ phiếu VIC hay VHM, nhà đầu tư phải bỏ ra xấp xỉ 100 triệu đồng, con số này sẽ còn cao hơn nếu đầu tư vào các bluechip khác.

Không phủ nhận lợi ích của việc nâng lô lên 1.000 giúp giảm căng thẳng cho sàn TP HCM, nhưng ông Lê Vũ Kim Tinh – Giám đốc chi nhánh Công ty Chứng khoán Phú Hưng (PHS) cho rằng hành động này sẽ biến thị trường chứng khoán thành sân chơi dành riêng cho người giàu. Hiện tượng dòng tiền ồ ạt đổ vào thị trường sẽ không còn vì rổ hàng cho những nhà đầu tư nhỏ lẻ lựa chọn không thể phong phú như hiện tại.

Theo các chuyên gia, hệ luỵ đầu tiên là thị trường có thể xuất hiện đợt bán tháo trước khi quyết định nâng lô có hiệu lực để tránh tình trạng chôn vốn, sở hữu cổ phiếu nhưng không giao dịch được. Điều này dẫn đến việc chứng khoán nhanh chóng hạ nhiệt, thiếu vắng nhà đầu tư nhỏ thì những "cá mập" cũng không còn nhiều cơ hội kiếm lời.

Hệ luỵ dài hạn hơn là cơ quan điều hành thị trường có thể cần thời gian rất lâu để xây dựng lòng tin với nhà đầu tư trong nước và thu hút họ quay lại.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Những món ăn đường phố Thượng Hải gây nhức nhối

Tại sao máy bay trực thăng có thể bay cao tới 6000 mét?

Bún bò xào đậm chất Nam Bộ