Các đợt xâm nhập mặn tại Nam Bộ tăng cao từ cuối tháng 3

 Phòng dịch cho gia súc



Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, xâm nhập mặn vùng đồng bằng sông Cửu Long mùa khô năm 2020 - 2021 ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, nhưng không nghiêm trọng như mùa khô năm 2019 - 2020. Các đợt xâm nhập mặn tăng cao tiếp theo ở cửa sông Cửu Long khả năng tập trung vào thời kỳ từ 27-3 đến 2-4; các sông Vàm Cỏ (từ ngày 9 đến 14-4, ngày 24 đến 30-4), trên sông Cái Lớn (ngày 31-3 đến 7-4, ngày 15 đến 24-4), sau giảm dần. Các địa phương cần chủ động biện pháp trữ nước và cấp nước phục vụ sinh hoạt trong thời kỳ này.


★ Ngày 11-3, UBND tỉnh Kiên Giang cho biết, từ đầu tháng 3-2021, tình hình xâm nhập mặn tăng cao, đã làm hơn 1.234 ha lúa bị nhiễm mặn, trong đó thiệt hại hơn 70% là 769 ha, tập trung ở huyện An Biên, Vĩnh Thuận, U Minh Thượng. Do chủ động trong công tác phòng, chống hạn mặn, cho nên ngay từ đầu tháng 2-2021, địa phương đã vận hành tạm thời cống Cái Bé ngăn mặn, giữ ngọt, bảo vệ sản xuất và nước sinh hoạt trong khu vực. Nhờ vậy, tình hình cấp nước trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định.


★ Theo Ðài quan sát khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, khối áp cao cận nhiệt đới sẽ duy trì ổn định bắt đầu từ ngày 12-3 và mang đến cho khu vực miền nam chuỗi ngày nắng nóng gay gắt. Riêng tại TP Hồ Chí Minh, nhiệt độ có thể tăng lên tới 38 độ C. Trong tháng 4, tháng 5, thời tiết còn  khắc nghiệt hơn với nền nhiệt độ có thể lên tới 39 độ C.


★ Từ  hôm nay đến 19-3, thời tiết miền bắc tiếp tục ấm, ẩm với độ ẩm luôn cao hơn 70%, có mưa nhỏ, mưa phùn về đêm và sáng. Xu hướng thời tiết này là điều kiện thuận lợi cho sâu bệnh trên cây trồng phát sinh, phát triển, nhất là đối với cây chủ lực của một số địa phương ở miền bắc. Do đó, nông dân cần thường xuyên bám sát vườn, ruộng, phát hiện kịp thời các đối tượng sâu bệnh, bón phân cân đối.


★ Tối 10-3, tại huyện Mộc Châu (Sơn La) đã xảy ra gió lốc và mưa đá làm nhà của một hộ gia đình tại tiểu khu 13, thị trấn Mộc Châu bị tốc mái; nhà của bốn hộ gia đình tại thị trấn Nông trường Mộc Châu, thị trấn Mộc Châu và xã Ðông Sang bị thủng mái tôn. Thiên tai cũng gây thiệt hại  176 ha diện tích nông nghiệp. Ước tổng thiệt hại khoảng 750 triệu đồng.


★ Tại Nghệ An, bệnh viêm da nổi cục (VDNC) xuất hiện đầu tiên tại xã Văn Lợi, huyện Quỳ Hợp tháng 12-2020. Ðến nay đã có 10 ổ dịch với 76 trâu, bò mắc bệnh, thuộc các huyện: Quỳ Hợp, Nghi Lộc, Hưng Nguyên, Anh Sơn, Nghĩa Ðàn và TP Vinh; trong đó, có hai con chết đã được tiêu hủy.


★ Hiện nay,  tổng số trâu, bò mắc bệnh VDNC tại tỉnh Hà Tĩnh là hơn 1.660 con xảy ra tại 317 thôn/ 98 xã ở  chín huyện, thị, thành phố gồm các huyện Hương Khê, Lộc Hà, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Can Lộc, Kỳ Anh, Nghi Xuân; thị xã  Kỳ Anh, TP Hà Tĩnh. Ðến nay đã tiến hành tiêu hủy 95 con bò khối lượng 14.084 kg; có 377 con gia súc/192 hộ chăn nuôi cơ bản khỏi triệu chứng lâm sàng. Trước tình hình dịch bệnh lan rộng, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương tập trung các giải pháp đồng bộ phòng, chống dịch bệnh.


★ Tại Quảng Bình, mặc dù mới xuất hiện từ giữa tháng 2 nhưng đến nay, bệnh VDNC đã xảy ra ở nhiều xã của hai huyện Quảng Trạch và Tuyên Hóa làm 126 con trâu, bò mắc bệnh. Tỉnh đang tập trung thực hiện các biện pháp chống dịch, như phun tiêu độc khử trùng, khoanh vùng dịch và lập chốt kiểm soát vận chuyển trâu, bò ra vào vùng có dịch...


★ Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, trong giai đoạn 2021 - 2023 sẽ xây dựng kế hoạch quản lý chất lượng nước đối với ba lưu vực sông, gồm: Sông Cầu, sông Nhuệ - Ðáy và sông Ðồng Nai. Năm 2021, ngành chức năng tập trung xây dựng các nội dung quy định, hướng dẫn về lập kế hoạch quản lý chất lượng nước, thu thập dữ liệu...; năm 2022, điều tra, khảo sát, đánh giá khả năng chịu tải; năm 2023, xây dựng và hoàn thiện các dự thảo kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Tại sao máy bay trực thăng có thể bay cao tới 6000 mét?

Thưởng thức mochi trà xanh ngon ngất ngây tại nhà

Panna Cotta thạch đào ngọt lịm cho mùa hè này