Quận 3 có phường Võ Thị Sáu, quận Phú Nhuận sáp nhập 4 phường

 TTO - Sáng 4-1, UBND quận 3 (TP.HCM) đã tổ chức lễ công bố Nghị quyết 1111 năm 2020 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã và thành lập TP Thủ Đức.

Theo Nghị quyết này, ba phường 6, 7, 8 của quận 3 sẽ được sáp nhập thành phường Võ Thị Sáu. Sau khi sáp nhập, phường Võ Thị Sáu có 2,2km2 diện tích tự nhiên, với tổng số dân 36.735 người.



Theo lộ trình thực hiện việc sắp xếp, Ban thường vụ Quận ủy quận 3 sẽ chỉ đạo tổ chức sắp xếp, thành lập, sáp nhập tổ chức bộ máy các tổ chức đảng, tổ chức chính trị, xã hội và chỉ định ban chấp hành, bí thư, phó bí thư phường Võ Thị Sáu trước ngày 14-1-2021.


Thường trực HĐND quận chỉ định triệu tập viên trong số đại biểu HĐND các phường 6, 7, 8 để triệu tập và chủ tọa cho đến khi HĐND bầu ra Chủ tịch HĐND phường Võ Thị Sáu. HĐND phường tiến hành bầu các chức danh thuộc thẩm quyền ngày 15-1-2021.


UBND quận 3 chỉ đạo các phòng, ban phối hợp cơ quan liên quan hướng dẫn phường 6,7,8 tổ chức bàn giao bộ máy, cơ sở vật chất, tài sản, tài chính, các dự án đầu tư do UBND phường làm chủ đầu tư đang triển khai dang dở về phường Võ Thị Sáu quản lý trước ngày 25-1.


Trụ sở Đảng ủy, HĐND, UBND phường Võ Thị Sáu sẽ đặt ở số 18 Võ Văn Tần, phường 6, quận 3 (trước đây là trụ sở của Đảng ủy, HĐND, UBND phường 6); Ủy ban MTTQ và các đoàn thể phường đặt ở số 18 Huỳnh Tịnh Của, phường 8 (trước đây là trụ sở Đảng ủy, HĐND, UBND phường 8);


Trụ sở Công an phường Võ Thị Sáu đặt ở số 122 Trần Quốc Thảo; trụ sở Ban chỉ huy quân sự phường đặt ở 38 Nguyễn Thị Diệu và trạm y tế phường ở số 40 Cách Mạng Tháng 8.


Các phòng, ban, cơ quan đơn vị thuộc quận có kế hoạch hướng dẫn phường Võ Thị Sáu thực hiện tốt công tác điều chỉnh các loại giấy tờ liên quan cho tổ chức, cá nhân do thay đổi tên đơn vị hành chính và không thu các loại phí khi chuyển đổi.


Phát biểu tại buổi lễ, Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ chỉ đạo, Ban chỉ đạo thực hiện việc sáp nhập của quận 3 phải tập trung tuyên truyền sâu rộng về nội dung, ý nghĩa của việc sáp nhập tới các cơ quan, doanh nghiệp và người dân.


Chính quyền phường mới phải chú trọng tập trung phát huy, sớm ổn định hệ thống tổ chức. Trong đó tập trung kiện toàn bộ máy, hệ thống chính trị, thực hiện việc chuyển giao trách nhiệm, bàn giao tài sản, bộ máy đồng bộ, đúng lộ trình.


Đồng thời đảm bảo phúc lợi an sinh xã hội, chăm sóc cho người dân thuộc diện chính sách. Quan trọng nhất là không để quá trình sáp nhập ảnh hưởng đến đời sống người dân, nhất là giải quyết thủ tục hành chính, thay đổi giấy tờ.


Quận 3 có phường Võ Thị Sáu, quận Phú Nhuận sáp nhập 4 phường - Ảnh 2.

Bà Tô Thị Bích Châu - Ủy viên Ban thường vụ, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM và ông Dương Anh Đức - phó chủ tịch UBND TP.HCM, trao Nghị quyết của Ban Thường vụ Quốc hội cho lãnh đạo quận Phú Nhuận - Ảnh: THẢO LÊ


Cùng ngày, quận Phú Nhuận cũng tổ chức lễ công bố Nghị quyết 1111. Theo đó, phường 12 của quận này sẽ được sáp nhập và phường 11. Sau khi sáp nhập, phường 11 có diện tích khoảng 0,39km2 và hơn 15.500 người dân.


Cùng với đó, phường 14 sẽ được sáp nhập vào phường 13. Sau sáp nhập, phường 13 có diện tích khoảng 0,29km2 và hơn 16.600 người dân. Như vậy, sau khi sáp nhập, quận Phú Nhuận có 13 phường.


Phát biểu tại hội nghị, ông Dương Anh Đức - phó chủ tịch UBND TP.HCM, đề nghị UBND quận Phú Nhuận tập trung chủ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp và lộ trình phù hợp, đảm bảo quy định của pháp luật và các quyền lợi chính đáng của cán bộ, công chức, người lao động và công dân.


Đồng thời, tập trung tổ chức cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND TP nhiệm kỳ 2021-2026.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Tại sao máy bay trực thăng có thể bay cao tới 6000 mét?

Thưởng thức mochi trà xanh ngon ngất ngây tại nhà

Panna Cotta thạch đào ngọt lịm cho mùa hè này